Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những trường hợp vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu giải trình trước Quốc hội sáng 31/5. Ảnh: Quang Khánh
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu giải trình trước Quốc hội sáng 31/5. Ảnh: Quang Khánh
 Bộ GD&ĐT đã chỉ các cơ sở đào tạo giáo viên đổi mới chương trình đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra cho sinh viên gắn với chuẩn nghề nghiệp giáo viên, trong đó chú trọng tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng ứng xử sư phạm, tư vấn tâm lý học đường
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Liên quan đến một số vụ bạo lực học đường, đạo đức nhà giáo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi: Thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc bạo lực học đường, vi phạm đạo đức nhà giáo với tính chất và mức độ phức tạp, nghiêm trọng, gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội. Cá nhân Bộ trưởng cũng rất bức xúc, lo lắng và thấy rõ trách nhiệm của mình.

Ngay khi xảy ra một số vụ việc này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GDĐT phối hợp với các địa phương khẩn trương kiểm tra, xử lý, trong đó yêu cầu xử lý nghiêm Ban giám hiệu, Giáo viên để xảy ra bạo lực học đường, vi phạm đạo đức nhà giáo.

Bộ GD&ĐT đã tham mưu cho CP, Thủ tướng Chính phủ ban hành các Nghị định, Đề án về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường và xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học. Bộ cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị định, Đề án này trong toàn ngành và nhiều văn bản, hướng dẫn triển khai thực hiện các nhiệm vụ phòng chống bạo lực học đường.

Ngày 17/4/2019, Bộ GDĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo đảm an ninh, an toàn trường học và phòng chống bạo lực học đường với gần 700 điểm cầu đến các quận/huyện của 63 tỉnh/thành phố, với sự tham gia của gần 20 ngàn đại biểu từ trung ương đến cấp huyện, xã, trường nhằm đánh giá công tác phòng, chống bạo lực học đường, chỉ ra những tồn tại, nguyên nhân, hạn chế; đồng thời quán triệt các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

“Tới đây, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, cộng đồng về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện phòng, chống bạo lực học đường.

Chúng tôi nhận trách nhiệm chính trong việc để xảy ra bạo lực học đường. Tuy nhiên, để khắc phục tối đa tình trạng bạo lực học đường, rất cần sự quan tâm của gia đình, chăm lo của toàn xã hội, các cấp các ngành, đoàn thể ở trung ương và địa phương” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu ý kiến.

Về đạo đức nhà giáo, Bộ trưởng cho biết: Với đội ngũ gần 1,5 triệu thầy cô, cán bộ quản lý, trong đó phần lớn các thày cô tâm huyết, yêu nghề, cống hiến cho sự nghiệp đổi mới giáo dục, thực hiện tốt các qui định về đạo đức nhà giáo. Tuy nhiên, có một bộ phận sa sút đạo đức. Quan điểm của Bộ là xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo.

"Bộ GD&ĐT đã đề nghị các địa phương không bố trí đứng lớp các giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những trường hợp vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo theo quy định của pháp luật” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ