Theo tôi, nếu cứ khai thác ở góc cạnh tiêu cực thì không khách quan đối với ngành GD. Bản thân chúng ta, ngay cả các đại biểu Quốc hội cũng được thừa hưởng từ nền GD để có trưởng thành như ngày hôm nay.
Thời gian qua, GD có nhiều thành tựu rất đáng được ghi nhận. Chúng ta đều thấy: Năm 2018, 2019 HS Việt Nam đều đạt giải cao trên đấu trường trí tuệ quốc tế. HS của chúng ta không thua kém gì các nước tiên tiến trên thế giới.
Đó là kết quả của một nền GD tốt. Với GD ĐH, Việt Nam có được 2 đơn vị nằm trong top tốt nhất của thế giới là: ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh và ĐH Quốc gia Hà Nội.
Ngoài ra, trên khắp mọi miền của Tổ quốc, chúng ta có những người thầy, người cô tâm huyết, và đa số là những nhà giáo luôn hết lòng vì học trò.
Dĩ nhiên trong quá trình giảng dạy, học tập cũng có việc này, việc kia và mối quan hệ giữa GV với phụ huynh, GV với học trò, mối quan hệ giữa nhà trường – gia đình – xã hội đang chịu tác động bởi nhiều yếu tố khách quan, đơn cử như những tương tác của mạng xã hội, báo chí truyền thông...
Hiện nay, có tình trạng là, một vụ việc nhưng được xã hội nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau, tích cực có và tiêu cực cũng có. Nhưng dường như tôi thấy, yếu tố tiêu cực có phần lấn át.
Theo tôi, điều quan trọng là chúng ta cần chia sẻ, góp ý và đề xuất nhiều giải pháp cho ngành GD phát triển tốt hơn nữa. Bản thân tôi không bênh ngành GD, nhưng rất chia sẻ với ngành. Vì thực tế ngành GD đã có những nỗ lực cố gắng trong thời gian qua. Đôi khi có những sự việc này, vụ việc kia xảy ra nhưng nằm ngoài tầm kiểm soát của ngành GD.
Ai cũng biết, xã hội không mong muốn những tiêu cực xảy ra, ngành GD lại càng không mong muốn điều đó. Nhưng khi đã nỡ xảy ra rồi, ngành GD luôn cố gắng hết sức để xử lý một cách tốt nhất.
Chẳng hạn như: Vụ gian lận điểm thi trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018 xảy ra ở một số địa phương, Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo ráo riết trong xử lý sai phạm; Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc và khi nào có kết quả điều tra chính thức sẽ công bố công khai.
Quan điểm của tôi là, làm gì cũng dựa trên yếu tố pháp lý. Việc có công bố danh tính các đối tượng có liên quan hay không cũng phải dựa trên cơ sở pháp luật, không thể thích làm gì làm nấy hoặc làm theo cảm tính.
Tôi nhận thấy, ngành GD đã có nhiều nỗ lực và tích cực trong xử lý các vụ việc xảy ra. Song bên cạnh đó tôi cũng mong muốn: Ngành cần chủ động hơn nữa trong dự báo, lường trước sự việc để có chỉ đạo, điều hành ngày càng tốt hơn.
Chính quyền địa phương cũng phải có trách nhiệm vào cuộc với ngành GD và là cánh tay nối cho Bộ GD&ĐT, bởi vì Bộ không thể dài tay đến tất các địa phương trong cả nước được.
Chẳng hạn như: Trong thi cử, đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường... Địa phương cũng phải đồng hành và có trách nhiệm trong quản lý, triển khai thực hiện tại địa bàn mình quản lý.
Chúng ta cũng thể không thể nào quy định chi tiết tất cả mọi vấn đề trong thực tiễn của cuốc sống, kể cả lĩnh vực GD. Chúng ta hướng tới xã hội học tập, toàn dân học tập suốt đời nên việc quan trọng lúc này là, thay vì chỉ trích thì hiến kế các giải pháp để GD ngày càng tốt hơn.
Ngoài ra, chúng ta đừng lấy một sự vụ để để quy chụp cho tất cả. Dĩ nhiên khi chúng ta tiếp cận vấn đề, chúng ta có quyền bức xúc và đó là điều dễ hiểu.
Về vấn đề khen thưởng thành tích, tôi cho rằng, mỗi người có quan điểm riêng, nhưng rõ ràng ai cũng muốn con em mình giỏi, không ai muốn con mình kém. Tâm lý chung là ai cũng muốn được khen thưởng, mục đích là để động viên lẫn nhau, phấn đấu hơn nữa trong công việc và học tập. Vấn đề còn lại là bình chọn ở cơ sở. Còn việc khen thưởng không có lỗi.
Về bệnh thành tích, tôi không nghĩ vậy. Ai cũng có lòng tự tôn, tự trọng nếu không xứng đáng mà được khen thì cũng cảm thấy áy náy. Còn nếu chưa được khen thì tiếp tục thi đua, phấn đấu.
Khi đạt được thành tích bằng sự nỗ lực, cố gắng của bản thân và được tập thể ghi nhận khen thưởng thì đó là việc đó hết sức bình thường. Mình phát động thi đua để cùng cố gắng, quan trọng là khen thưởng sao cho đúng, trúng và phù hợp là được.