Tại cuộc họp báo sáng 5/5, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, đơn vị đang lập kế hoạch kiểm tra, danh sách thành viên của đoàn và gửi công văn cho các bộ, ngành liên quan để cử người tham gia.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an và Tổng Cục Thuế kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam.
Chương trình dự kiến tập trung vào những vấn đề như cách phân phối nội dung, thuế, thương mại điện tử, quảng cáo. Thời gian dự kiến bắt đầu từ 15/5, kéo dài đến hết tháng 5.
Trước thông tin trên, đại diện TikTok tại Việt Nam cho biết: "Rất trông chờ đón tiếp đoàn công tác liên ngành vì sẽ là cơ hội để TikTok lắng nghe góp ý từ Chính phủ và có thể hoạt động tốt hơn trong tương lai".
Tại cuộc họp đầu tháng 4/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố 6 sai phạm của TikTok tại Việt Nam, như việc chưa có biện pháp kiểm soát hiệu quả nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước, tin giả, nội dung nhảm nhí, độc hại, gây nguy hiểm với trẻ em.
TikTok dùng thuật toán phân phối tự động để tạo xu hướng và phát tán nội dung câu view, bất chấp sự phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và giới trẻ.
TikTok cũng đã mở thêm mảng thương mại điện tử nhưng không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả hoạt động thương mại, kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, các loại thuốc kích dục, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.
Trong Báo cáo thực thi tiêu chuẩn cộng đồng quý IV năm 2022 do TikTok công bố, nền tảng này cam kết ưu tiên gỡ bỏ nhanh nhất các nội dung có tính nghiêm trọng cao như lạm dụng tình dục trẻ em và chủ nghĩa bạo lực cực đoan.
TikTok cam kết giảm thiểu tổng lượt xem các nội dung vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng; đảm bảo tính chính xác, thống nhất và công bằng cho các nhà sáng tạo nội dung.