Kiểm tra sức khỏe ban đầu: Yêu cầu bắt buộc

GD&TĐ - Khám sức khỏe đầu khoá là quy định bắt buộc đối với sinh viên, nhất là tân sinh viên. 

Sinh viên Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được kiểm tra răng, miệng. Ảnh: NTCC
Sinh viên Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được kiểm tra răng, miệng. Ảnh: NTCC

Qua đây, cơ sở đào tạo nắm bắt được tình hình sức khoẻ của người học, từ đó đưa ra các chương trình giảng dạy phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên phát triển.

Sớm phát hiện bệnh

Khi được nhà trường thông báo đi khám sức khỏe, lấy máu xét nghiệm, sinh viên Trần Huy Hoàng - chuyên ngành Ngôn ngữ Trung, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có chút lo sợ và hồi hộp. Sau khi được trải nghiệm trực tiếp hoạt động này, Hoàng thấy việc thăm khám cho sinh viên là cần thiết và quan trọng.

“Nhờ thăm khám, em biết mình bị sâu răng, rối loạn nhịp tim và cận thị mức độ nhẹ”, Hoàng chia sẻ và bày tỏ hài lòng với việc hoạt động khám sức khỏe đầu khóa. Qua đó giúp người học sớm phát hiện những vấn đề về sức khỏe (nếu có) để có phương pháp học tập khoa học hiệu quả và điều trị kịp thời.

Là một trong những nhiệm vụ được Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đặc biệt quan tâm, chú trọng, PGS.TS Phạm Dương Châu - Phó Hiệu trưởng phụ trách Khối Sức khỏe kiêm Chủ nhiệm Khoa Răng Hàm Mặt ghi nhận, thông qua khám sức khỏe đầu khóa có thể phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường. Từ đó có phương pháp theo dõi, kiểm soát xử trí kịp thời, đảm bảo tốt nhất sức khỏe, giúp các em điều chỉnh kế hoạch học tập phù hợp.

“Kết quả khám ban đầu là cơ sở để chúng tôi theo dõi, quản lý và chăm sóc sức khỏe sinh viên trong suốt thời gian học tập tại trường”, PGS.TS Phạm Dương Châu chia sẻ. Cũng từ hoạt động trên, phụ huynh nắm bắt và theo dõi tình trạng sức khỏe của con để hỗ trợ, đồng hành. Ngoài ra, nhà trường đảm bảo tốt chương trình giảng dạy, có chính sách ưu tiên, hỗ trợ sinh viên trong thời gian học tập tại trường.

kiem-tra-suc-khoe-ban-dau-2-595-8171.jpg
Kiểm tra sức khỏe đầu khóa cho sinh viên Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng). Ảnh: Website nhà trường

Quyền lợi và hữu ích

Tháng 9/2024, hơn 2.200 tân sinh viên được Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) tổ chức khám sức khỏe. Theo đó, sinh viên được kiểm tra toàn diện như: Huyết áp, cân nặng, chiều cao, nhịp tim và nhiệt độ, khai thác tiền sử, khám lâm sàng, kiểm tra tai - mũi - họng, mắt, răng miệng…

Trước khi bước vào năm học mới, Trường ĐH Mở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khám sức khỏe cho tân sinh viên. Đây là hoạt động thường niên không chỉ giúp người học hiểu rõ hơn về sức khỏe bản thân, mà còn là dịp để nhà trường nắm bắt thực trạng của từng em, từ đó có chính sách hỗ trợ y tế và thể thao phù hợp, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống trong quá trình học tập tại trường.

Chương trình tư vấn về chăm sóc sức khoẻ răng miệng năm 2024 dành cho 4.500 tân sinh viên của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Ngoại ngữ đã được Trường ĐH Y Dược (ĐH Quốc gia Hà Nội) phối hợp thực hiện. Chia sẻ của Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Nguyễn Thị Anh Thu, chương trình gồm các hoạt động chính như: Thuyết trình về sức khỏe răng miệng và cách chăm sóc, thăm khám răng miệng toàn diện hoàn toàn miễn phí.

Tham dự buổi tư vấn chia sẻ, nhiều sinh viên bất ngờ khi biết một số thói quen thường làm hằng ngày lại là những sai lầm cần tránh trong việc chăm sóc răng miệng như: Nhúng bàn chải xuống nước trước khi đánh răng, đẩy bàn chải theo chiều ngang khiến chân răng bị mòn…

GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh, khám sức khỏe đầu khóa là một trong những hoạt động được tổ chức thường niên và yêu cầu sinh viên phải thực hiện. Đây là hình thức kiểm tra sức khỏe tổng quát, nhằm đánh giá toàn diện thể trạng người học. Qua đó, giúp sinh viên điều chỉnh thói quen sinh hoạt sao cho phù hợp và chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân.

Hoạt động khám sức khỏe đầu khóa và khám sức khỏe định kỳ trong thời gian học tập là một trong những hoạt động thường niên được Trường ĐH Hà Nội tổ chức nghiêm túc, chu đáo. BS Nguyễn Hữu Phương - Trung tâm Y tế Trường ĐH Hà Nội thông tin, ngoài các hoạt động khám sức khỏe như: Chiều cao, cân nặng, mạch huyết áp, khám mắt, tai - mũi - họng, răng hàm mặt, nội khoa, xét nghiệm máu..., sinh viên còn được các bác sĩ khám tổng quát, chỉ định chuyên khoa của từng bệnh.

Hữu ích là vậy nhưng BS Nguyễn Hữu Phương nhận thấy, một bộ phận sinh viên còn lơ là, chủ quan trong việc khám sức khỏe, bảo vệ chính mình. Hiện, nhiều bệnh nguy hiểm có xu hướng trẻ hóa, gây khó khăn khi phát hiện, dẫn đến điều trị muộn. Vì vậy, Trung tâm Y tế Trường ĐH Hà Nội khuyến cáo, sinh viên chủ động, quan tâm hơn nữa đến việc bảo vệ sức khỏe cũng như thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ của bản thân khi học tập tại trường.

Cũng theo BS Nguyễn Hữu Phương, khám sức khỏe định kỳ là biện pháp hiệu quả nhằm bảo vệ bản thân. Qua đó phát hiện sớm và có biện pháp phòng ngừa, điều trị kịp thời các bệnh lý nguy hiểm.

Qua các đợt khám sức khỏe do Trường ĐH Hà Nội tổ chức, nhiều sinh viên được phát hiện, tư vấn điều trị một số bệnh về máu, tim mạch, mắt, tiết niệu, răng hàm mặt, da liễu... Ngoài ra, sinh viên năm thứ 4 sau đợt khám sức khỏe còn được cung cấp giấy khám sức khỏe để bổ sung vào hồ sơ xin việc sau khi ra trường.

Theo Điều 4 Quy chế Công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy (Ban hành kèm theo Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT ngày 5/4/2016 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT), một trong những nhiệm vụ của sinh viên là: Thực hiện đầy đủ quy định về việc khám sức khỏe đầu khóa và khám sức khỏe định kỳ trong thời gian học tập theo quy định của cơ sở giáo dục đại học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.