Kiểm tra sức khỏe ban đầu: Cơ hội cho sinh viên nghèo

GD&TĐ - Chương trình khám sức khỏe ban đầu và định kỳ của các cơ sở giáo dục đại học đã giúp nhiều sinh viên phát hiện và điều trị bệnh kịp thời...

Sinh viên Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh tham gia khám sức khỏe do trường tổ chức. Ảnh: Website nhà trường
Sinh viên Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh tham gia khám sức khỏe do trường tổ chức. Ảnh: Website nhà trường

“Thay đổi cuộc đời”

Háo hức bước vào năm học mới, nhưng N.V.T ở TP Thái Bình bất ngờ và không khỏi hoang mang khi phát hiện có khối u trên cơ thể trong buổi đi khám sức khỏe đầu khóa do trường tổ chức.

“Em được bác sĩ phát hiện một số hạch, u nang. Bác sĩ khuyến nghị em đến bệnh viện chuyên khoa để kiểm tra và làm một số xét nghiệm cần thiết”, N.V.T kể lại và cho biết, kiểm tra tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, các bác sĩ đều kết luận đó là khối u lành nhưng cần thực hiện phẫu thuật càng sớm càng tốt, nếu không có thể dẫn đến ung thư.

Phẫu thuật thành công, hiện sức khỏe của N.V.T tiến triển tốt. Nam sinh đã trở lại giảng đường để học tập cùng thầy, cô giáo và các bạn. “Nhờ có chương trình khám, kiểm tra sức khỏe đầu khóa của nhà trường nên em mới biết tình trạng của mình để kịp thời xử lý. Đây là chương trình ý nghĩ, nhân văn và giúp em “thay đổi cuộc đời” sau khi được khám và điều trị”, N.V.T trải lòng.

Mới đây, Trường ĐH Y Dược (ĐH Quốc gia Hà Nội) tặng 100 thẻ khám và tư vấn răng miệng miễn phí cho sinh viên khuyết tật, tình nguyện của một số trường thành viên thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội. Là một trong những sinh viên khuyết tật được tặng thẻ khám miễn phí, Hải Anh - sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cảm kích và biết ơn chương trình.

Hải Anh là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoa Đá của trường. Câu lạc bộ là nơi để những sinh viên kém may mắn gặp gỡ, chia sẻ, động viên nhau và cùng tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa đến cộng đồng. “Với chúng em, được tặng thẻ khám miễn phí trong 4 năm học đại học là món quà vô giá và ý nghĩa”, Hải Anh bộc bạch.

Hải Anh và các bạn trong Câu lạc bộ Hoa Đá bị khiếm thị nên không thể nhìn thấy gương mặt, dáng hình của các thầy, cô, bạn bè… Qua Chương trình “Tỏa nắng cùng tân sinh viên”, nữ sinh cảm nhận được nụ cười ấm áp, tình yêu thương và sự quan tâm mà các thầy cô dành cho học trò.

Hải Anh và các tân sinh viên thấy may mắn khi được khám, chăm sóc sức khỏe răng miệng miễn phí, lắng nghe thầy, cô chia sẻ nhiều kiến thức bổ ích để có thể chăm sóc tốt nhất sức khoẻ bản thân; từ đó có thêm động lực trong học tập, nghiên cứu để sau này trở thành những công dân tốt, cống hiến cho xã hội bằng tri thức và trái tim đầy tình yêu thương.

co-hoi-cho-sinh-vien-ngheo-2-8659-2210.jpg
Hải Anh chia sẻ cảm xúc khi được tặng thẻ khám tại Chương trình “Tự tin tỏa nắng cùng tân sinh viên”. Ảnh: Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội)

Chương trình ý nghĩa

Từ xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì, Hà Giang), Đặng Thị Phương về học tập tại Trường ĐH Đông Đô (Hà Nội). Phương là sinh viên năm thứ nhất, bị khuyết tật bẩm sinh (không có bàn tay trái). Nữ sinh có hoàn cảnh éo le, thuộc gia đình hộ nghèo. Nhờ chương trình khám sức khỏe đầu khóa nên Phương được tư vấn về dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe răng miệng và sinh sản.

“Ở trên bản, việc đi khám, kiểm tra sức khỏe với em gần như không có. Một phần do điều kiện kinh tế, đường sá đi lại khó khăn. Thứ nữa em chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng việc khám sức khỏe ban đầu. Nay được thầy, cô giáo và bác sĩ chia sẻ, tư vấn em sẽ chủ động chăm sóc tốt hơn sức khỏe bản thân”, Đặng Thị Phương bộc bạch.

Háo hức với hoạt động khám sức khỏe, sinh viên Nguyễn Hải Đăng - Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, đây là hoạt động ý nghĩa và cần thiết với sinh viên. Qua đó, sinh viên hiểu hơn về tình trạng sức khoẻ của mình. “Trên hết chúng em nhận được nhiều lời khuyên hữu ích từ các bác sĩ để điều chỉnh kế hoạch học tập sao cho phù hợp tình trạng sức khoẻ hiện tại”, Hải Đăng bày tỏ.

Ngoài ra, cũng từ hoạt động trên, sinh viên nhận biết được nguy cơ tiềm ẩn bệnh tật để có phương pháp phòng ngừa hợp lý. Cũng nhờ có chương trình khám sức khỏe cho sinh viên mà nhiều bạn được nhà trường giới thiệu đến các bệnh viện chuyên khoa để được điều trị kịp thời. “Em mong sẽ có nhiều hoạt động như vậy hơn nữa để chúng em có thể an tâm học tập”, Hải Đăng nói.

Khám sức khỏe đầu khóa học và định kỳ cho sinh viên là hoạt động được cơ sở giáo dục đại học tổ chức thường niên. PGS.TS Đậu Xuân Cảnh - nguyên Giám đốc Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam cho rằng, việc các trường liên kết với bệnh viện uy tín để thăm khám cho sinh viên cũng là cơ hội tốt để y tế nhà trường được tiếp cận với thực tế khám chữa bệnh, trao đổi học hỏi về chuyên môn, nghiệp vụ; từ đó có thêm kinh nghiệm vận dụng vào quá trình sơ cấp cứu ban đầu và theo dõi tình hình sức khỏe sinh viên trong thời gian các em học tập tại trường…

Bên cạnh đó, dựa vào chỉ số kiểm tra và thăm khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ có đánh giá sơ bộ về tình trạng sức khỏe, vấn đề bệnh lý. Đồng thời, tham vấn chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, thể dục thể thao hoặc đưa ra lời khuyên thăm khám chuyên sâu tại các chuyên khoa để tầm soát bệnh, giúp người học đáp ứng yêu cầu về thể chất và tinh thần khi tham gia học tập.

Theo các chuyên gia y tế học đường, khám bệnh ban đầu và định kỳ nhằm đánh giá tình hình, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe của sinh viên; là giải pháp kiểm soát và hạn chế một số nguy cơ bệnh học đường, góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh trong nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.