Kiểm tra sức khỏe ban đầu: Phòng hơn chống

GD&TĐ - Việc hướng dẫn cộng đồng, kể cả sinh viên, học sinh về phương pháp chăm sóc sức khỏe răng miệng rất quan trọng...

Tân sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội được tư vấn chăm sóc sức khỏe răng miệng. Ảnh: Hạnh Quỳnh
Tân sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội được tư vấn chăm sóc sức khỏe răng miệng. Ảnh: Hạnh Quỳnh

Theo GS.TS Trịnh Đình Hải - Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, Trường ĐH Y Dược (ĐH Quốc gia Hà Nội), Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, “Cái răng cái tóc là góc con người”. Vì thế cần nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe răng miệng đối với sinh viên.

Chưa bao giờ lỗi thời

- Theo GS, câu nói “Cái răng, cái tóc là góc con người” có ý nghĩa như thế nào với sinh viên thời nay?

- Nhiều lần tôi nói chuyện với một số diễn viên, sinh viên trẻ..., các em trang điểm rất đẹp nhưng cười là thấy răng không đẹp. Có những bạn xinh nhưng không kiểm soát được mảng bám ở ngay răng cửa. Vì thế, khi trang điểm, son dính vào răng nên bị đỏ, nhìn phản cảm. Vì thế, cần biết cách chăm sóc sức khỏe răng miệng. Răng đẹp sẽ có nụ cười duyên, tôn thêm vẻ đẹp nữ tính. “Cái răng, cái tóc là góc con người” chưa bao giờ lỗi thời và có ý nghĩa với từng bạn trẻ, nhất là với sinh viên sư phạm.

- Quan trọng là vậy nhưng dường như các bạn trẻ, trong đó có sinh viên chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe răng miệng nên chưa quan tâm đến vấn đề này?

- Đúng vậy! Cách đây 20 năm, chúng tôi có làm điều tra về chăm sóc sức khỏe răng toàn quốc, trong đó có nội dung cộng đồng quan tâm chăm sóc răng miệng như thế nào. Qua điều tra cho thấy, có những người không bao giờ đánh răng và cũng có một tỷ lệ đáng kể không bao giờ đi khám răng miệng.

Hiện, 100% sinh viên có đánh răng nhưng vấn đề đánh răng, chải răng đúng cách, kiểm soát được mảng bám ở các bề mặt của răng lại là vấn đề khác. Có em ngày nào cũng đánh răng, thậm chí có người đánh răng 2 - 3 lần/ngày nhưng hiệu quả chưa cao. Chẳng hạn, có người chỉ đánh mặt ngoài hàm răng mà không đánh mặt trong.

Còn có người đánh rất kỹ răng nanh, răng hàm nhưng không biết cách nên bị mòn cổ răng. Đi sâu vào bên trong răng số 7, 8 thì vẫn nguyên vẹn, không bao giờ đưa bàn chải tới. Có những người cẩn thận đánh cả vào răng bên trong nhưng vùng kẽ răng thì không sạch.

Cho nên, vệ sinh răng miệng đúng cách, đảm bảo kiểm soát được mảng bám răng là quan trọng. Trên mảng bám răng thường có các chủng vi khuẩn đến định cư và chuyển hóa gây ra viêm nhiễm, viêm lợi và sâu răng.

Việc hướng dẫn cộng đồng, kể cả sinh viên, học sinh về phương pháp chăm sóc sức khỏe răng miệng rất quan trọng. Hằng năm, các em nên đi khám định kỳ để kiểm tra sức khỏe răng miệng. Qua đó, nhằm phát hiện các bệnh về răng miệng để điều trị kịp thời và hiệu quả.

phong-hon-chong-3-5671-8474.jpg
GS.TS Trịnh Đình Hải. Ảnh: TG

Những vấn đề thường gặp

- Theo GS, hiện sinh viên thường gặp những vấn đề gì về răng miệng?

- Qua những lần điều tra sức khỏe răng miệng toàn quốc và một số điều tra lẻ, có ba vấn đề về bệnh răng miệng với sinh viên gồm: Thứ nhất, sâu răng. Với lứa tuổi thanh thiếu niên, có trên 50% gặp vấn đề về sâu răng ở các mức độ khác nhau. Có thể sâu răng sớm hoặc sâu ngà. Một số bạn bị biến chứng vào tủy.

Thứ hai là viêm lợi. Có những nhóm đối tượng chiếm 80% đến hơn 90% có vấn đề về viêm lợi như: Nề đỏ, chảy máu, cao răng mảng bám dưới lợi. Nếu không được hướng dẫn chăm sóc điều trị đúng cách, có thể dẫn đến viêm, tiêu xương ổ răng, tiêu dây chằng quanh răng, tiêu xương làm cho răng lung lay, có túi mủ quanh chân răng và làm cho răng rụng sớm, ảnh hưởng đến sức nhai, phát âm, thẩm mỹ và quan trọng là sức khỏe, học tập…

Ngoài ra, túi lợi quanh răng là khoang chứa vi khuẩn - nguồn gốc của các bệnh nội khoa toàn thân như: Viêm nội tâm mạc, viêm màng khớp, các bệnh về cầu thận, tiêu hóa, hô hấp...

phong-hon-chong-2-2352-5612.jpg
Sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) được khám răng miệng miễn phí tại Chương trình “Tự tin tỏa nắng cùng tân sinh viên”. Ảnh: NTCC

Thứ ba, giới trẻ hiện nay, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên rất quan tâm đến vấn đề hàm răng không đẹp. Qua những lần điều tra cho thấy, trên 70% thanh thiếu niên bị lệch răng cần phải chỉnh để có hàm răng tốt. Giới trẻ ngày nay không những quan tâm có hàm răng tốt, mà các em còn có nhu cầu giữ được hàm răng đẹp, chắc, góp phần nâng cao sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống, cải thiện giống nòi.

Ở lứa tuổi sinh viên, còn một vấn đề nữa là mọc răng khôn. Đây là răng mọc sau cùng và mọc trong giai đoạn từ 18 đến 30 tuổi. Răng khôn mọc thường bị thiếu chỗ cho nên sinh ra lệch lạc, gây ra nhiễm trùng, viêm nhiễm nên cần xử lý.

Một trong những yếu tố nguy cơ cao nhất liên quan đến sâu răng là đường. Mức tiêu thụ đường ở một quốc gia liên quan mật thiết đến sâu răng. Nếu đất nước nào dùng nhiều đường thì tỷ lệ sâu răng cao. Ở Việt Nam, đến nay tiêu thụ hơn 20kg đường/người/năm, tăng 1,5 lần với 10 năm trước đây.

Ngoài ra, yếu tố vi lượng trong nước uống hằng ngày cũng quan trọng (chất flour), nếu thiếu sẽ không bảo vệ được men răng trước các yếu tố tấn công gây sâu răng. Khi ăn các nhóm glucid, thức ăn còn sót ở mặt răng hay kẽ chân răng sẽ chuyển hóa thành axit.

Nếu độ pH xuống dưới 5,5 là có thể hủy khoáng ở men răng, gây ra lỗ sâu. Nếu được cung cấp đủ flour sẽ làm men răng cứng, trơ trong môi trường axit. Khi đó, chẳng may có đánh răng không sạch hay sót thức ăn cũng không có nguy cơ hủy khoáng để tạo thành lỗ sâu…

phong-hon-chong-1-3744-8824.jpg
Phòng khám Răng Hàm Mặt phục vụ đào tạo chuyên ngành răng hàm mặt, nghiên cứu khoa học và người dân của Trường ĐH Y Dược (ĐH Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Thùy Linh

Chăm sóc để có hàm răng tốt suốt đời

- Nói như vậy nghĩa là, việc chăm sóc sức khỏe răng miệng có ý nghĩa quan trọng với giới trẻ nói chung, sinh viên nói riêng?

- Đúng vậy. Cách đây 3 - 4 thập niên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận thấy, bệnh sâu răng là một trong ba tai họa bệnh tật của loài người (sau ung thư và tim mạch). Lúc đó, bản đồ sâu răng ở trẻ em 12 tuổi của các nước công nghiệp hóa phát triển đỏ rực. Trung bình, mỗi em có từ 10 đến 12 răng sâu. Trẻ em 12 tuổi thay hết răng sữa, trở thành răng vĩnh viễn. Vì thế, với tỷ lệ sâu răng như trên sẽ gây ảnh hưởng xấu.

Sau đó, nhiều nước phát động chương trình dự phòng sâu răng ở phạm vi toàn quốc như: Mỹ, Thụy Sỹ… Một số nước châu Âu đưa flour vào nước máy. Hằng ngày, người dân dùng một cốc nước là đã có flour - chất phòng ngừa sâu răng. Phụ nữ mang thai mà uống nước có đủ flour sẽ giúp hình thành mầm răng tốt cho thai nhi.

Việt Nam hiện có hơn 90% người có bệnh về răng miệng, trong đó trên 85% trẻ em 6 - 8 tuổi bị sâu răng sữa, còn sâu răng vĩnh viễn gia tăng theo tuổi. Ở người cao tuổi và người trưởng thành, có hơn 80% người có sâu răng vĩnh viễn; hơn 60% trẻ em và 80% người lớn có viêm lợi, viêm quanh lợi, viêm quanh răng; khoảng 30% người trưởng thành trở lên có túi mủ bệnh lý quanh chân răng, làm cho răng lung lay. Đây cũng là ổ nhiễm khuẩn lớn.

Ngoài ra, còn tỷ lệ cao (hơn 80%) thanh thiếu niên bị lệch lạc răng cần nắn chỉnh. Trong khi đó, tỷ lệ ung thư vùng miệng cũng thường gặp tại các cơ sở khám chữa bệnh về răng hàm mặt. Cùng đó, mỗi năm có hàng nghìn trẻ bị khuyết tật hở môi vòm miệng được sinh ra.

WHO lấy ngày 7/4 hằng năm là Ngày Sức khỏe thế giới. Ngoài ra, ngày 20/3 còn là Ngày Sức khỏe răng miệng thế giới. Mỗi năm lấy một chủ đề khác nhau. Có năm về sức khỏe tim mạch, sức khỏe tiêu hóa. Năm 1994 là ngày sức khỏe răng miệng thế giới. Trước đây, ở các nước công nghiệp hóa, mỗi trẻ em có từ 10 đến 12 răng sâu. Đến năm 1994 giảm xuống còn 1 - 2 cái. Như vậy, việc dự phòng sâu răng ở các nước công nghiệp hóa đã thành công.

Với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, nguy cơ thiếu flour trong nguồn nước ăn và sâu răng ở tầm vĩ mô. Tôi đã nghiên cứu trên 3.000 mẫu nước ở các tỉnh. Kết quả cho thấy, hầu hết thiếu flour. Có một vài mẫu ở Phú Yên, Khánh Hòa đủ flour để dự phòng sâu răng.

Từ kết quả trên, tôi nhận thấy, nếu flour trong nước ăn đủ sẽ làm cho men răng trơn cứng, nhưng nếu thiếu sẽ là một trong những nguy cơ sâu răng cao. Tôi từng đề xuất, đưa flour vào nước ăn và muối. Theo đó, mỗi người ăn một hạt muối là trong đấy có flour để dự phòng sâu răng.

Tuy nhiên, phải có quy trình, trước khi đưa vào muối ăn, phải vẽ lại bản đồ flour trong nước ăn. Ngoài ra, phải xem nhà máy nào trộn được flour vào muối. Chúng tôi đã làm thử nghiệm ở huyện Bát Xát (Lào Cai) trong 5 năm, cho người dân dùng muối flour. Kết quả cho thấy, phòng sâu răng rất tốt và không có biến chứng.

Nguồn flour hiện không còn khó khăn. Chẳng hạn, kem đánh răng cũng có flour nên hạn chế sâu răng. Tuy nhiên, vấn đề quan tâm là, nếu có nguồn flour đưa vào bằng con đường ăn uống thì vẫn tốt hơn.

- GS có khuyến cáo gì với sinh viên về chăm sóc sức khỏe răng miệng?

- Dân gian có câu, “nhất đau mắt, nhì nhức răng”. Nếu bị sâu răng dẫn đến viêm tủy, ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập, nghiên cứu. Sâu răng bình thường thì chưa đau. Khi có biến chứng mới đau. Tuy nhiên, nhiều người viêm lợi, viêm quanh răng cũng không đau, thậm chí răng rụng rồi cũng không biết mình bị viêm răng, đến khi sưng mới biết. Hoặc, nhiều người ép vào lợi thấy dịch chảy ra có mùi khó chịu, đi khám mới biết bị tiêu hết xương ổ răng.

Bệnh viêm lợi quanh răng không có triệu chứng, khi nào có biến chứng thì mới thấy khám định kỳ quan trọng. Vì thế, tôi khuyên các bạn, hằng năm mỗi người nên đi khám định kỳ một lần.

Ngoài ra, để giải quyết vấn đề răng miệng, theo tôi: Thứ nhất, các cơ sở lớn phát triển về chuyên môn, có kỹ thuật cao để giữ người bệnh điều trị trong nước, không phải ra nước ngoài làm các phẫu thuật lớn, biến chứng của răng miệng. Thứ hai, phát triển mạng lưới y tế nha khoa nâng cấp đến các vùng sâu, xa, để mỗi người dân dù ở đâu cũng có thể tiếp cận các dịch vụ khám, điều trị răng miệng. Thứ ba, phải phòng bệnh về răng miệng cho trẻ em.

Quan trọng nhất phải quan tâm đến dự phòng, dự phòng ngay từ lứa tuổi trẻ em. Nếu dự phòng tốt thì trẻ có thể giữ được hàm răng tốt suốt đời, giảm được gánh nặng y tế cho gia đình và xã hội. Các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở nha khoa để khám định kỳ, phát hiện sớm, điều trị ngay giai đoạn đầu thì có thể giữ được hàm răng tốt.

- Xin cảm ơn GS.TS Trịnh Đình Hải!

“Khi đi kiểm tra, ngoài hướng dẫn điều trị các bệnh về răng miệng, bác sĩ nha khoa sẽ tư vấn vệ sinh, kiểm soát mảng bám răng. Chỉ cần hướng dẫn 1 - 2 lần, các em sẽ biết cách vệ sinh, chăm sóc và hoàn toàn có thể giữ được hàm răng tốt suốt đời”. - GS.TS Trịnh Đình Hải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.