Kiểm soát con chơi điện tử bằng phần mềm quản lý máy tính

Bé Hoàng đang say mê chơi game trên máy tính bảng, bỗng màn hình hiện lên thông báo đã hết giờ chơi, sau đó tắt ứng dụng. Cậu bé thất vọng đành chuyển sang chương trình vui học Toán.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

"Điệp viên" đã âm thầm cài đặt phần mềm quản lý thời gian vào máy tính bảng chính là bố của Hoàng. Anh Huỳnh Kim Quang cho biết, Hoàng từ nhỏ đã có niềm đam mê đặc biệt với các thiết bị số. Hễ nhìn thấy máy tính là em đòi cho bằng được, đôi khi mải chơi mà quên ăn, quên ngủ. 

Vợ chồng anh đã tìm mọi cách từ khuyên bảo, cấm cách cho đến cài password trên tất cả thiết bị điện tử nhưng không ăn thua, chỉ được một thời gian cu cậu lại năn nỉ để đòi mật khẩu.

Gần đây anh Quang cài phần mềm quản lý thông minh Parental Control trên các thiết bị cảm ứng trong nhà. Bằng việc cài đặt thời gian sử dụng, lọc từ khóa, anh dễ dàng kiểm soát thời gian chơi và học của con, đồng thời tùy chọn những nội dung cho phép bé tiếp cận. 

Ông bố trẻ còn có ứng dụng quản lý từ xa, tất cả lịch sử sử dụng máy của con sẽ được máy tự động gửi về hộp mail của bố. Nhờ vậy, anh yên tâm để máy tính ở nhà mà không cần cài mật khẩu.

Theo nhận xét của anh Quang, trẻ em ngày nay rất thích sử dụng thiết bị số với mục đích chính là giải trí và chơi game. Cha mẹ càng cấm, trẻ càng tò mò, nhất là khi các em lén lên mạng tìm hiểu sẽ rất dễ truy cập vào các trang web không lành mạnh. 

"Thay vì cấm con dùng máy vi tính, phụ huynh nên tìm cách thông minh hơn để quản lý thời lượng sử dụng của con. Nếu biết cách kiểm soát hiệu quả thì chiếc máy tính sẽ trở thành một bảo mẫu tốt cho trẻ, điều này đặc biệt có ý nghĩa trong thời đại này", ông bố chia sẻ.

Từ mấy tháng nay, chị Hòa đau đầu vì cô con gái 6 tuổi nằng nặc đòi mẹ mua cho một chiếc iPad để học Anh văn giống như các bạn. Kinh tế gia đình thuộc diện khá giả, dư sức mua cho con một chiếc máy tính nhưng điều chị Hòa lo lắng nhất là nguy cơ bé mải chơi trong thế giới ảo mà bỏ bê học hành, lười vận động thể chất.

Quen biết nhiều chuyên gia IT nên trước khi mua máy cho con, chị Hòa (quận Bình Thạnh, TP HCM) đã nhờ họ tư vấn cách quản lý con sử dụng máy sao cho an toàn, đúng mục đích và hiệu quả. 

Được bạn bè share phần mềm Kids Place, chị cài đặt vào máy và chạy thử nghiệm trong vòng một tháng. Chức năng này cho phép hẹn giờ chơi và học trong máy, mỗi ngày chị chỉ để 30 phút cho bé chơi game từ 19h đến 19h30, sau đó sẽ là giờ học Anh văn, Toán, tiếng Việt...

Chị bảo: "Từ khi có máy tôi thấy con ham học Anh văn hơn, kết quả học cũng cải thiện. Điều tôi mong muốn nhất là bé có được những giây phút vừa chơi vừa học bổ ích mà không phải lo con chơi game quá nhiều".

Không rành về máy tính nên vợ chồng anh Tùng (quận 3, TP HCM) chọn cách an toàn nhất là mua cho cu Tin (4 tuổi) một chiếc máy tính bảng dành riêng cho trẻ em với giá gần 3 triệu đồng. Trong máy có cài đặt hơn 6.000 ứng dụng từ đọc sách, trò chơi, đố vui, truyện kể được chọn lọc cho phù hợp với độ tuổi từ 3 đến 15.

"Trong máy cũng có chế độ hẹn giờ nhưng vì tôi không rành lắm nên nhờ các nhân viên cửa hàng cài đặt sẵn khung giờ chơi và học cố định của con. Mỗi khi muốn thay đổi gì, tôi lại mang máy ra tiệm nhờ cài lại". 

Vợ chồng anh Tùng luôn khuyên con hạn chế sử dụng máy tính, đồng thời khuyến khích bé tham gia các hoạt động ngoài trời, thể dục thể thao để trí não và thể chất phát triển cân bằng.

Trong một tọa đàm về phương pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ, diễn ra tại TP HCM, Thứ trưởng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng cho rằng, trong thời đại kỷ nguyên số, phụ huynh và các nhà quản lý giáo dục không nên áp dụng tư duy "không quản được thì cấm" trẻ tiếp xúc với các thiết bị công nghệ điện tử. 

Trái lại, người lớn cần tìm ra cách quản lý thông minh hơn để phù hợp với tốc độ phát triển của thời đại.

Ông Hùng cũng hoan nghênh một doanh nghiệp Việt Nam đã tiên phong nghiên cứu nhiều giải pháp giáo dục ứng dụng trên thiết bị số dành cho trẻ từ 3 đến 12 tuổi. 

Ở tuổi thiếu niên nhi đồng này, các em rất ham tìm tòi khám phá nhưng dễ đi chệch hướng nếu không được định hướng đúng đắn. "Điều cha mẹ cần quan tâm là lựa chọn những ứng dụng nào mang tính giáo dục cao, cho phép con vừa chơi vừa học", Thứ trưởng nói.

Ông Nguyễn Quang Thái, chuyên gia nghiên cứu các giải pháp quản lý trẻ sử dụng thiết bị số tại TP HCM, khuyên các bậc cha mẹ khi muốn cho con tiếp cận máy tính bảng, smartphone, vi tính phải cân nhắc thật kỹ. 

Cần tìm hiểu thêm những ứng dụng có tính năng ngăn chặn website xấu, lọc hoặc sắp xếp nội dung phù hợp với trẻ. Nên chọn các loại màn hình ít hại mắt, chú ý hơn về nguồn gốc, nhà sản xuất uy tín, giá thành vừa túi tiền, những tính năng dành riêng cho trẻ và công cụ quản lý giúp phụ huynh có thể kiểm soát việc sử dụng máy của con.

Theo ông Thái, vấn đề phụ huynh lo lắng nhất hiện nay khi cho trẻ sử dụng thiết bị thông minh là nguy cơ các em truy cập những website không lành mạnh. 

"Để hạn chế điều đó, cha mẹ có thể cài đặt các ứng dụng quản lý phổ biến hiện nay như Kids Place, NAHI Kids, Kid Read, NAHI Parental Control... Các phần mềm này sẽ giúp quản lý thời gian trẻ chơi một cách dễ dàng thông qua thời khóa biểu do cha mẹ lập sẵn", ông chia sẻ.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ