Có nên cho trẻ làm bạn với công nghệ?

Không ít cha mẹ sắm đồ công nghệ cho con giải trí để rảnh tay làm việc. 

Có nên cho trẻ làm bạn với công nghệ?

Nhiều người còn nghĩ, nếu sớm làm bạn với ti vi, máy tính, điện thoại, trẻ sẽ thông minh, phát triển trí não. Tuy nhiên, các phụ huynh này đang gây hại cho con, đặc biệt với trẻ ở tuổi phát triển ngôn ngữ và khả năng thích nghi xã hội.

Trẻ ù lì, giao tiếp kém

Với làn sóng thiết bị điện tử tràn ngập các gia đình, sẽ không còn lạ gì cảnh một số trẻ nhỏ bốn-năm tuổi hay nhỏ hơn loay hoay với những chiếc điện thoại thông minh hay máy tính bảng, thậm chí cả với máy tính xách tay… Không ít phụ huynh chỉ có thể bón cho trẻ ăn được trong trình trạng trẻ vừa ăn vừa xem ti vi hay chơi game trên máy tính, điện thoại.

Theo chuyên viên tâm lý Lê Khanh - Phó Giám đốc Trung tâm Rồng Việt Vũng Tàu, máy tính, điện thoại hay ti vi… ngoài những hình ảnh, âm thanh và ánh sáng thu hút sự chú ý của trẻ, thì chỉ đem lại cho các em sự thụ động, mất đi khả năng hình dung, tưởng tượng và nhu cầu giao tiếp hai chiều… 

Điều đó khiến trẻ chỉ biết nhắc lại những gì nghe được mà không hiểu được mình nói gì; lặp lại những hành vi mà cũng không biết mình làm gì… Dần dần, trẻ trở nên chậm nói, kém khả năng tương tác với người khác.

Việc để trẻ xem ti vi, chơi game trên điện thoại, máy tính bảng quá nhiều không những khiến trẻ mất đi khả năng quan hệ xã hội, phát triển ngôn ngữ mà còn làm trẻ không còn khả năng tưởng tượng, hình dung, tư duy logic… là tiền đề phát triển năng lực sau này.

Vì vậy, ở các nước tiên tiến, người ta đã cấm tuyệt đối không cho trẻ dưới ba tuổi tiếp xúc nhiều với các phương tiện nói trên.

Hãy khuyến khích trẻ chạy nhảy

Hiện nay, cũng có xu thế cho trẻ mẫu giáo bốn-năm tuổi học Anh văn trên vi tính qua các trò chơi. Nếu xét về hiệu quả thì cũng giúp trẻ hứng thú và có khả năng nghe, phát âm tốt hơn. 

Tuy nhiên, không phải bé nào cũng có thể phát triển như vậy. Vì thế, tuổi tốt nhất để trẻ tiếp xúc với các công nghệ thông tin là từ sáu tuổi trở lên và thời gian tiếp xúc cũng không nên quá hai giờ/ngày. 

Ngay với ti vi, thông qua phim hoạt hình hay quảng cáo, cũng không nên để trẻ xem quá một giờ/một lần xem. Trong một ngày, có thể cho trẻ xem khoảng hai-ba lần.

Nói chung, việc cho trẻ tiếp xúc với các phương tiện này càng ít càng tốt, vì đây là lứa tuổi nền tảng để xây dựng các quan hệ xã hội thông qua sự giao tiếp giữa trẻ với trẻ và trẻ với người lớn. Trẻ sẽ trở nên tự tin, chủ động, “biết người - biết ta” khi được chơi đùa, trò chuyện với người lớn.

Phụ huynh cần giảm bớt từ từ thời gian cho các em tiếp xúc với ti vi, chơi game, có thể từ ba-bốn giờ/ngày xuống còn một-hai giờ/ngày. Trong khi cho trẻ ăn, nên tạo cho các em có dịp ăn chung với gia đình, vừa ăn vừa chơi với bố mẹ để dần “kéo” các em ra khỏi sức thu hút của các phương tiện trên.

Hiện nay, do điều kiện học tập và thiếu không gian chơi nên khó tổ chức các trò chơi ngoài trời cho các em. Vì thế, có thể cho các em chơi một số trò chơi trên máy với số giờ nhất định trong các ngày thường. 

Trong các ngày thứ Bảy, Chủ nhật, nên tạo điều kiện và khuyến khích các em tham gia các sân chơi ngoài trời, các câu lạc bộ kỹ năng, các đội nhóm sinh hoạt hoặc tham gia các hoạt động trong gia đình cùng cha mẹ.

Ông Phan Quang Thịnh (Giám đốc Công ty nghiên cứu thị trường TITA (Q.11, TPHCM) cho biết: Kết quả khảo sát hành vi của học sinh cấp II, III mới đây cho thấy đa số các em chưa tận dụng tiện ích của công nghệ hiện đại để phục vụ việc học, mở mang kiến thức. 

Chỉ có 11% dùng internet để tìm thông tin về học hành và 7% dùng để học, làm bài; trong khi có tới 66% dùng để chat, gửi email, tham gia mạng xã hội, 59% chơi game, 51% nghe nhạc. 

Trong việc sử dụng điện thoại, tỷ lệ phục vụ cho việc học cũng vô cùng khiêm tốn - chỉ 2%. Trước khi cho con tiếp cận thiết bị công nghệ, phụ huynh nên trao đổi, định hướng cho con về mục đích, kỹ năng để làm chủ công nghệ; tránh lãng phí thời gian, sa đà vào những trò vô bổ, độc hại.

Con chậm nói do… Ipad

Mới 30 tuổi nhưng vợ chồng chị Cúc (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) được coi là có của ăn của để. Hai vợ chồng đều có công ty riêng, bận bịu với công việc kinh doanh. 

Khi bé Bon một tuổi, chị Cúc đã phải nhờ bà ngoại ở quê lên trông nom. Khi bé được hai tuổi, bà ngoại lớn tuổi không thể chạy theo cháu. Có hôm, cả bà lẫn cháu ngã sưng phù chân. 

Chị Cúc đành thuê người giúp việc về giữ con. Sợ con buồn, chị sắm cho con cái Ipad có đủ loại game để con tha hồ khám phá. Chị không quên hướng dẫn người giúp việc chỉ cho con cách chơi khi con bé quấy khóc, vòi mẹ. 

Ngày nào bé Bon cũng ôm ghì lấy Ipad, ngón tay lướt tới lướt lui, chỉ trỏ trên màn hình như người lớn. Có hôm con bé chơi game suốt hai giờ đồng hồ tới mỏi rã tay mới nằm vật ra giường vì mệt.

Thấy Bon chán, sợ bé Bon tính tình hiếu động hay chạy nhảy nên người giúp việc liền mở phim hoạt hình trên ti vi cho con bé xem. Có truyền hình cáp, ti vi chiếu phim hoạt hình cả ngày, con bé cứ ngồi xem miệt mài hết phim này đến phim khác. 

Chán xem phim thì lấy Ipad ra chơi game. Bà ngoại thấy cháu say mê trò chơi điện tử cũng yên lòng, không lo cháu chạy nhảy té ngã. Người giúp việc cũng có thêm thời gian làm việc nhà. Gần ba tuổi, Bon vẫn chỉ bập bẹ được một hai từ. 

Cô bé hiếm khi mở miệng nói mà thường dùng ngón tay chỉ trỏ. Cha mẹ Bon lo làm việc nên cũng không để ý đến những biểu hiện bất thường của trẻ.

Một lần chị Cúc về sớm, dẫn con đi công viên. Con bé không líu lo nói cười như những đứa trẻ khác mà chỉ… kêu chít chít như chuột. Những âm thanh trong giọng nói của con nghe như âm thanh loài vật trên phim hoạt hình hay những tiếng nhạc đệm của trò chơi điện tử khiến chị Cúc giật mình. 

Được bác sĩ cảnh báo: bé Bon bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ các thiết bị công nghệ, khả năng ngôn ngữ rối loạn, chị Cúc vội cắt giảm thời gian làm việc, ở nhà chăm sóc, chơi đùa cùng Bon để tập cho bé học nói.

Theo phunuonline.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ