Kiểm định chất lượng khối ngành nghệ thuật: Khó trăm bề

GD&TĐ - Nhiều cơ sở giáo dục ĐH cho rằng gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) các chương trình đào tạo thuộc khối ngành nghệ thuật.

Một buổi học của SV Nhạc viện TPHCM. Ảnh: IT
Một buổi học của SV Nhạc viện TPHCM. Ảnh: IT

Cần có cơ chế đặc thù

Là 1 trong 3 nhạc viện lớn tại Việt Nam, tuy nhiên Nhạc viện TPHCM (HCMCONS) gặp không ít khó khăn và thách thức trong việc KĐCLGD. Theo ThS Nguyễn Mỹ Hạnh - Phó Giám đốc Nhạc viện TPHCM, mặc dù đơn vị vẫn xây dựng chương trình, giáo trình… theo khung chương trình và yêu cầu của Bộ GD&ĐT nhưng yếu tố đặc thù của ngành nghệ thuật có nhiều khác biệt, nên cần có cơ chế đặc thù mới có thể thực hiện được.

Để tiến hành kiểm định, đại diện HCMCONS cho hay: Trước năm 2014, công tác KĐCLGD được phân công một Phó Giám đốc phụ trách và bộ phận quản lí khoa học giúp việc, có xây dựng hội đồng kiểm định và một ban giúp việc không chuyên trách (gồm cán bộ ở các phòng, khoa). Hội đồng và ban đã hoàn thành kiểm định trong, báo cáo Bộ GD&ĐT năm 2014 và kiểm định ngoài nhưng kết quả nhà trường chưa đạt chỉ tiêu.

Từ đầu năm 2017 đến nay, HCMCONS thành lập Tổ Khảo thí và Bảo đảm chất lượng giáo dục, đầu năm 2019 tổ được nâng lên thành Phòng Khảo thí và Bảo đảm chất lượng giáo dục với 4 cán bộ, nhân viên. Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, Nhạc viện chưa đạt chuẩn về số lượng và chất lượng đội ngũ kiểm định viên. Ngoài ra, việc chưa có Hội đồng trường cũng là một nguyên nhân khiến cho đơn vị không thực hiện được việc tự đánh giá chất lượng giáo dục theo quy định. HCMCONS chính thức được công nhận Hội đồng trường ngày 24/11/2020. Hiện, đơn vị vẫn thiếu hụt lãnh đạo nên chưa có nhân sự chuyên trách về công tác này, chưa thành lập hội đồng kiểm định giáo dục, chưa có ban giúp việc kiểm định.

Theo Phó Giám đốc HCMCONS, khó khăn lớn nhất đối với việc KĐCLGD của HCMCONS là do yếu tố đặc thù của ngành nghệ thuật. Không có chuyên ngành nào (trừ âm nhạc) đào tạo theo chế độ “1 thầy dạy 1 trò”, thậm chí là chế độ 3 thầy 1 trò (1 giảng viên hướng dẫn và 2 giảng viên đệm đàn trong chuyên ngành chỉ huy âm nhạc) hay 2 thầy – 1 trò (1 giảng viên hướng dẫn và 1 giảng viên đệm đàn trong chuyên ngành thanh nhạc). Trong khi ngân sách Nhà nước hạn chế và do đào tạo âm nhạc mang tính đặc thù (không giống các trường ĐH khác) nên rất tốn kém và không có nguồn thu (do chế độ “1 thầy 1 trò” không tạo được nguồn thu xã hội hóa) nên chế độ thù lao dành cho giảng viên Nhạc viện hiện nay rất thấp. Nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn trong việc trọng dụng nhân tài…

“Với những yêu cầu cao về thời gian học tập, rèn luyện và cạnh tranh khốc liệt, số lượng HS-SV bị loại trong thời gian đào tạo tương đối lớn. Bậc trung cấp có thể lên tới vài chục em nhưng lúc tốt nghiệp ĐH chỉ còn lại vài sinh viên. Đây là vấn đề then chốt cần xem xét khi KĐCLGD, vì không thể so sánh số lượng SV tốt nghiệp Nhạc viện hoặc so sánh chất lượng đào tạo giữa SV tốt nghiệp Nhạc viện với các ngành đại học khác” - ThS Nguyễn Mỹ Hạnh chia sẻ. 

Kết hợp theo phương pháp liên ngành

Trường ĐH Văn Lang (VLU) hiện đào tạo các ngành thuộc khối nghệ thuật: Đạo diễn Điện ảnh – Truyền hình; Diễn viên Kịch – Điện ảnh – Truyền hình; Piano; Thanh nhạc; Thiết kế thời trang, Thiết kế đồ họa, Thiết kế tạo dáng… Mặc dù trường đã đạt chuẩn KĐCLGD cấp cơ sở, tuy nhiên với khối ngành nghệ thuật, TS Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng VLU cho rằng, vẫn rất khó để đáp ứng hết các tiêu chí của KĐCLGD cấp chương trình đào tạo.

Theo TS Võ Văn Tuấn, xu thế hội nhập, các loại hình nghệ thuật biểu diễn, du nhập văn hóa, công nghiệp văn hóa... luôn cần những nghiên cứu, tài liệu bổ sung để cập nhật, nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao ở ngành văn hóa nghệ thuật  đang là vấn đề nan giải và mang tính cấp thiết. Đội ngũ giảng viên làm nghệ thuật yêu cầu phải có bằng thạc sĩ, tiến sĩ... nên rất khó để thực hiện.

“Ngành nghệ thuật có những đặc thù riêng. Vì thế việc đào tạo cũng như KĐCL sẽ có nét khu biệt và khó khăn hơn trong việc áp vào quy chuẩn, mang tính chất định tính hơn là định lượng, và cũng khó có hệ chuẩn để “áp” vào khuôn. Tuy nhiên, chúng tôi xác định được sự cần thiết và tầm quan trọng của công tác tự đánh giá thông qua kiểm định chất lượng” - Phó Hiệu trưởng VLU chia sẻ.

Tương tự, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (HIU) cũng gặp khó khăn nhất định trong việc KĐCL ngành Thiết kế thời trang. Theo ThS Trần Minh Nhựt - giảng viên ngành Thiết kế thời trang HUIU, do đặc thù thiên về sự sáng tạo nên tiêu chí đánh giá khó theo một quy chuẩn nhất định. Cái đẹp của sản phẩm thời trang sẽ không mang tính tuyệt đối mà chỉ tương đối, bởi vì mỗi người sẽ có những cảm nhận khác nhau về thẩm mỹ.

Để giải quyết những khó khăn, tồn tại trong việc KĐCL khối ngành nghệ thuật, TS Võ Văn Tuấn cho biết: Nhà trường có phương án kết hợp theo phương pháp liên ngành để đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch thực hiện và xây dựng các đề án phát triển.

“Nội dung tập trung vào các vấn đề trọng điểm như: đổi mới tư duy; đào tạo; hệ thống tổ chức, loại hình GD-ĐT; nội dung, phương pháp dạy và học; cơ chế quản lý; xây dựng đội ngũ giảng viên, nguồn lực và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo. Tất cả hoạt động trên đều được thông qua KĐCL - một thành tố quan trọng và cần thiết trong công tác tự đánh giá chất lượng” - TS Võ Văn Tuấn chia sẻ.

Yếu tố định lượng và định tính của ngành nghệ thuật không giống với ngành nghề đại trà khác, vì vậy cần phải có hệ quy chiếu riêng cho khối trường nghệ thuật. Đây là một thực tế rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện của Bộ GD&ĐT và Bộ VH-TT&DL để có thể thống nhất các chỉ tiêu đánh giá. Không chỉ căn cứ vào số lượng mà cần đặt tỉ lệ cao hơn cho vấn đề chất lượng đào tạo… - ThS Nguyễn Mỹ Hạnh 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.