Hội nghị do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 11/12 tại Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ). Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ; lãnh đạo một số Cục, Vụ thuộc Bộ; lãnh đạo Trường Đại học Hùng Vương; Sở GD&ĐT 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) là một giải pháp quan trọng để bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục. Qua tự đánh giá và đánh giá ngoài (TĐG, ĐGN) nhiều nhà trường đã thấy được hiện trạng chất lượng, điểm mạnh, điểm yếu từ đó xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng sát thực và hiệu quả hơn.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Để công tác KĐCLGD đạt hiệu quả cao hơn nữa, thời gian tới, các cấp ngành giáo dục cần tiếp tục phát huy những mặt mạnh, khắc phục hạn chế; kiểm định phải trung thực, thực chất, bình đẳng và theo định kỳ; xây dựng kế hoạch kiểm định chất lượng, biến TĐG thành nhu cầu tự thân của mỗi nhà trường. Đồng thời, chú trọng bồi dưỡng đội ngũ kiểm định viên, chuyên gia ĐGN; xây dựng và hoàn chỉnh “Mô hình bảo đảm và KĐCLGD” đối với trường mầm non, phổ thông và trung tâm GDTX trên cả nước…
Theo thống kê vào tháng 9/2014, số cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên được ĐGN trong cả nước là 4.206 trường, chiếm tỷ lệ 9,75%; thì đến tháng 7/2020, số lượng này đã tăng gần 6 lần, với 24.984 trường, chiếm tỷ lệ 58,7%. Cả nước đã có 96% cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên hoàn thành TĐG và 58,7% cơ sở giáo dục được ĐGN.
Hàng năm, các đơn vị triển khai công tác TĐG, thu thập, rà soát, sắp xếp, mã hóa các minh chứng phục vụ công tác KĐCLGD. Qua đó, hệ thống hồ sơ, sổ sách, tài liệu phục vụ công tác quản lý, dạy học của nhà trường được cập nhật đầy đủ, lưu trữ khoa học.
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu trong công tác xây dựng trường đạt chuẩn KĐCLGD. Cơ sở vật chất tại các trường được đầu tư xây mới, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị… bảo đảm phục vụ công tác giảng dạy.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác KĐCLGD vẫn còn một số hạn chế như: Một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên ở các trường chưa nắm chắc quy trình TĐG, vì vậy việc triển khai hoạt động này chưa đạt như kỳ vọng. Có trường chưa thấy được quyền lợi của mình nên không thực hiện đúng kế hoạch, đúng quy trình hoặc thực hiện một cách hình thức... Đối với tỉnh Phú Thọ, 5 năm qua, công tác quản lý trong nhà trường được cải tiến nâng cao chất lượng. 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện TĐG, 801/924 cơ sở được KĐCLGD.
Nhân dịp này, Bộ GD&ĐT đã trao Bằng khen cho 34 tập thể và 74 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác KĐCLGD mầm non, phổ thông và thường xuyên giai đoạn 2015 – 2020.