Làm thế nào để thực hiện đúng quy trình, quy định về công tác kiểm định giáo dục, đạt mục tiêu phân tích, đánh giá đúng thực tế hoạt động giáo dục để phát huy mặt tích cực, kịp thời điều chỉnh, chấn chỉnh những mặt chưa tốt, có giải pháp cải tiến, hoàn thiện để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại cơ sở luôn là vấn đề đặt ra đối với công tác quản trị cơ sở giáo dục.
Nắm vững quy định
Khi thực hiện công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông, nhà quản lý, tổ chức cá nhân được giao nhiệm vụ thực hiện công tác kiểm định và các tổ chức cá nhân liên quan cần nắm vững quy định về quy trình, tiêu chí, thành phần hồ sơ, tài liệu minh chứng theo từng nhóm tiêu chí về tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Ở từng tiêu chí có các chỉ tiêu, tiêu chuẩn cụ thể cần phải đạt được, đây chính là những căn cứ cho việc phấn đấu không chỉ để nhằm mục đích kiểm định chất lượng giáo dục mà còn nhằm hoàn thiện nâng cao chất lượng giáo dục tại cơ sở.
Nhận thức đúng đắn
Kiểm định chất lượng giáo dục không chỉ để nhằm đạt được sự công nhận theo kiểu bảo đảm thành phần hồ sơ để được cấp giấy “chứng nhận” về mức độ kiểm định. Quan trọng hơn, thực hiện công tác kiểm định chính là “cơ hội” để nhà quản lý, viên chức, nhân viên trong toàn cơ sở giáo dục tự đánh giá một cách trung thực, khách quan, toàn diện hoạt động giáo dục tại cơ sở mình, từ đó có kế hoạch, giải pháp để cải tiến duy trì và nâng cao chất lượng các hoạt động của cơ sở giáo dục, tuyệt đối tránh tình trạng “hình thức” theo kiểu bảo đảm hồ sơ, giấy tờ để cấp chứng nhận, bằng công nhận nhằm “trương bảng” “khoe bằng” đối với xã hội và phụ huynh. Ở đây cần đi sâu phân tích đánh giá thực chất, soi rọi, xem xét một cách cẩn thận, nghiêm túc, khách quan, thấu đáo hoạt động của cơ sở giáo dục theo từng tiêu chuẩn, tiêu chí để từ đó chỉ ra nguyên nhân tồn tại hạn chế, kết quả đạt được, đề xuất giải pháp, sáng kiến không ngừng hoàn thiện công tác dạy học theo hướng bảo đảm chất lượng và cam kết với xã hội.
Chú trọng công tác tự đánh giá
Trong quy trình kiểm định, cần quan tâm và chú trọng đặc biệt khâu tự đánh giá tại cơ sở giáo dục, bởi vì đây là quá trình mà cơ sở giáo dục dựa trên các tiêu chuẩn do Bộ GD&ĐT ban hành, tự xem xét, đánh giá một cách khác quan, đúng thực trạng, thực chất về chất lượng các hoạt động giáo dục, cơ sở vật chất, công tác quản lý, chất lượng đội ngũ và các vấn đề liên quan khác của cơ sở giáo dục theo phương châm “chính mình mới biết rõ mình”. Từ đó, cơ sở tự điều chỉnh các nguồn lực và quá trình thực hiện công tác giáo dục nhằm từng bước hoàn thiện đạt tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục phổ thông theo đúng “thực chất” hoạt động của cơ sở giáo dục tránh tình trạng hồ sơ, báo cáo “giấy” để thực hiện thủ tục kiểm định.
Có kế hoạch, lộ trình thực hiện
Kiểm định chất lượng giáo dục với các mức độ đánh giá cụ thể theo từng tiêu chuẩn, tiêu chí. Thế nên, để triển khai việc kiểm định chất lượng giáo dục, người đứng đầu cơ sở giáo dục và các bộ phân có liên quan phải chủ động xây dựng kế hoạch, thời gian, tiến độ thực hiện việc kiểm định giáo dục tại cơ sở giáo dục của mình. Từ đó phân bổ nguồn lực về tài chính, cơ sở vật chất, phân công con người phụ trách các nội dung công việc, tiến hành đầu tư hoàn thiện về cơ sở vật chất, trang bị, năng lực quản lý, thu thập các tài liệu minh chứng cần thiết cho công tác kiểm định để đáp ứng yêu cầu của công tác này. Thực hiện việc kiểm định nhằm mục tiêu công nhận kiểm định chất lượng giáo dục và đồng thời hoàn thiện thực hiện liên thông với công nhận cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia theo mức độ kiểm định chất lượng giáo dục.
Hoàn thiện công tác quản lý sau khi kiểm định
Việc đạt chất lượng kiểm định giáo dục và công nhận trường chuẩn quốc gia được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận kiểm định và cấp bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia được quy định cụ thể về thời hạn công nhận, thông thường là 5 năm.
Chính vì thế, trong thời gian trên người đứng đầu cơ sở giáo dục, viên chức, người lao động phải luôn luôn nỗ lực, hoàn thiện các mặt tiêu chí và thực hiện chức trách, công việc, nhiệm vụ vì mục tiêu chung của cơ sở giáo dục để giữ vững danh hiệu được công nhận. Đồng thời tiếp tục phát huy để thực hiện việc kiểm định chất lượng giáo dục và đề nghị công nhận trường đạt chuẩn quốc gia ở mức độ cao hơn, tránh tình trạng thỏa mãn bằng lòng với hiện tại không nỗ lực, cố gắng, phấn đấu để bị tụt hạng hoặc vi phạm quy định để bị thu hồi danh hiệu và mức độ kiểm định.