Tết là thời gian mua sắm cao điểm trong năm và nhiều doanh nghiệp hy vọng đây là dịp kích cầu phù hợp nhất. Tuy nhiên, nhìn lại thị trường trong 10 tháng qua có thể doanh nghiệp cần thay đổi lớn trong phương pháp kích cầu để đạt hiệu quả tối ưu.
Do tình hình kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân nên sức mua hàng hoá trên thị trường có xu hướng giảm mạnh. Để thúc đẩy tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp không ngại ra các gói khuyến mãi lớn và duy trì thường xuyên trong năm. Các chương trình khuyến mãi giảm giá lên đến 50%, mua 1 tặng 1, mua hàng trả góp 0% lãi suất... được áp dụng rầm rộ nhưng nhìn chung tình hình vẫn không mấy cải thiện.
Trăm người bán, vạn người... xem
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội 10 tháng đầu năm 2013 đạt 2.158,5 nghìn tỉ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2012 nhưng thấp so với cùng kỳ các năm trước.
Nhìn vào thực tế tiêu dùng, người dân vẫn thắt chặt chi tiêu và chỉ các mặt hàng nhu yếu phẩm được ưu tiên. Nguyên nhân các gói khuyến mãi kích cầu này chưa phát huy đúng tác dụng của nó là do chưa nhắm đúng vào nhu cầu người tiêu dùng.
Chị Ngô Thanh Việt (quận 3, TPHCM) cho biết: “Các siêu thị thường tung ra các chương trình khuyến mãi lên tới 50% cho hàng nghìn mặt hàng, nhưng khi vào mua mới biết chương trình chỉ áp dụng cho các mặt hàng không phù hợp với nhu cầu sử dụng. Đa số khuyến mãi các mặt hàng như bàn ủi, máy sấy tóc, rau muống, chocolate... Trong khi những mặt hàng nhu yếu phẩm thông thường thì luôn trong tình trạng hết hàng do số lượng quá ít hoặc không có khuyến mãi”.
Bên cạnh đó, các mặt hàng khuyến mãi thông thường là hàng kém chất lượng, gần hết hạn sử dụng... Ngoài ra tình trạng hàng giả, hàng nhái đưa vào khuyến mãi hàng loạt khiến người tiêu dùng nhầm lẫn giữa ma trận khuyến mãi. “Tôi đã từng mua sữa chua uống khuyến mãi, khi đem về nhà thì đã cận hạn sử dụng nên rất ngần ngại khi mua thực phẩm khuyến mãi” - chị Tuyền ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ.
Đây là tình trạng chung của nhiều chương trình khuyến mãi, chương trình kích thích tiêu dùng hiện nay. Do vậy, mặc dù có nhiều chương trình khuyến mãi rầm rộ nhưng sức mua thực tế không tăng.
Đổi mới kích cầu cuối năm
Tết là dịp mua sắm lớn nhất trong năm và được nhiều doanh nghiệp kỳ vọng sẽ bán được nhiều hàng. Tuy nhiên, đổi mới phương thức kích cầu là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Không chỉ các siêu thị, trung tâm phân phối tham gia mà cần có sự hợp tác giữa các nhà cung cấp, nhà sản xuất để vực dậy thị trường trong dịp mua sắm cao điểm này.
Năm nay, hầu hết các chương trình kích cầu đều tập trung vào hàng Việt vì hàng Việt có chất lượng ổn định, giá cả tốt, phù hợp với phần đông người tiêu dùng và khả năng chi tiêu hiện nay. Bên cạnh đó, các DN tham gia cũng có cơ hội tiếp cận, giới thiệu đến người tiêu dùng sản phẩm dịch vụ nhằm gia tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm trong nước.
“Chúng tôi nhận thấy muốn kích thích sức mua thì tiêu chí đầu tiên phải là tập trung vào hàng Việt” - ông Nguyễn Vũ Thuận - Trưởng ngành hàng Thực phẩm, Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam - cho biết. “Bên cạnh đó, cần phải nhắm vào các nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh như các mặt hàng dầu ăn, muối, gạo, mì gói, miến, các loại gia vị, tôm, cá đông lạnh...”.
Theo ông Thuận, đơn vị này đã tổ chức hội chợ hàng nhu yếu phẩm trong thời gian 2 tuần từ 2-15.12 tại 19 trung tâm phân phối trên cả nước để giới thiệu và quảng bá các nhà sản xuất trong nước tới các khách hàng chuyên nghiệp. “Với các mặt hàng có nguồn gốc rõ ràng, giá cả cạnh tranh, nguồn cung cấp dồi dào, chúng tôi hy vọng sẽ thu hút được khách hàng đến với các trung tâm, cải thiện được sức mua cuối năm”.
Rõ ràng trong tình hình sức mua giảm và tiêu thụ sản phẩm yếu ớt thì các biện pháp kích cầu của các DN đã làm là cần thiết. Tuy nhiên, yếu tố quyết định và có ý nghĩa lâu dài vẫn là các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các DN sản xuất đảm bảo các chương trình kích cầu được thực hiện một cách bền vững, tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người dân.
Theo Lao động