Điều này giúp trẻ tránh được sự thụ động để phát huy sáng tạo của bản thân.
Răm rắp nghe lời chưa chắc là điều tốt
Con nghe lời thì cha mẹ nào chẳng thích, bởi đó là một đứa trẻ ngoan khiến cho ít nhất cha mẹ không phải đau đầu. Tuy nhiên, khi con nghe lời quá cũng cần suy ngẫm…
Hai người bạn thân của tôi có quan điểm khác nhau trong việc giáo dục con cái. Một người bạn lúc nào cũng nhất nhất dạy con biết vâng lời bố mẹ. Ngày nhỏ cháu luôn được những người xung quanh yêu mến khen ngợi. Trên lớp cháu là một trong những học sinh mẫu mực về nền nếp kỷ luật và thường được biểu dương trước lớp. Thậm chí khi đi chơi với các bạn cùng trang lứa, nếu bố mẹ chưa cho phép cháu cũng chỉ quẩn quanh ngồi cạnh bố mẹ nhìn các bạn nô đùa mà thôi.
Còn người bạn thứ hai lại dạy con theo một cách thoải mái hơn. Đến nhà bạn chơi, tôi hay được chứng kiến những cuộc tranh luận giữa hai đứa trẻ thậm chí là của cả bố mẹ chúng về những tình huống con trẻ gặp ở trường. Nhà bạn tôi tuy không rộng lắm nhưng bạn cũng dành hẳn một góc cầu thang cho hai đứa trẻ tự do bày biện làm những gì chúng thích. Tuy có lúc hơi lộn xộn một chút, nhưng nhìn chúng say mê cắt dán, lắp ráp những đồ chơi tự tạo tôi biết chúng rất hạnh phúc.
Bạn tôi cho biết: Nhà anh cũng có những quy định riêng trong việc con cái muốn tranh luận với cha mẹ. Các cháu cũng vẫn lễ phép khi nói chuyện với người lớn, song rất tự tin và sẵn sàng chia sẻ ý kiến của mình. Cũng có nhiều lúc cách giải quyết của các cháu chưa đúng, nhưng anh chị không áp đặt mà thường gợi ý một phương hướng khác để con tự khám phá và rút ra kinh nghiệm.
Tiếp xúc với những đứa trẻ được nuôi dạy ở hai môi trường khác nhau mới thấy: Những đứa trẻ luôn được dạy dỗ theo khuôn phép tuy rất ngoan ngoãn nhưng các cháu thiếu đi sự chủ động sáng tạo của bản thân, thậm chí khá rụt rè trong giao tiếp, ít khi đưa ra được chính kiến của mình. Còn những đứa trẻ trong gia đình thứ hai thì khá mạnh dạn, tự tin và nếu trong những cuộc chơi với những bạn bè cùng tuổi các cháu thường là đầu trò của các cuộc chơi.
Tạo cơ hội để trẻ tự trải nghiệm
Cô Nguyễn Quỳnh Anh, giáo viên Trường Mầm non Tràng An (Hà Nội) cho biết: Óc sáng tạo của trẻ cần phải được hình thành và nuôi dưỡng từ nhỏ. Gia đình, trường học, đặc biệt là trường mầm non - nơi nuôi dưỡng, tạo nền móng đầu tiên cho sự phát triển toàn diện về trí tuệ, tư duy sáng tạo của trẻ. Khi trẻ được sinh ra với ít nhiều bản năng sáng tạo, nếu các con được khuyến khích và rèn luyện đúng cách ngay từ nhỏ thì sau này mới biến nó trở thành năng lực thực sự trong cuộc sống.
Trẻ ở độ tuổi mầm non luôn có những suy nghĩ táo bạo khác thường. Giai đoạn này các con bắt đầu phát triển trí tò mò, trí tưởng tượng bay bổng, khả năng liên tưởng mạnh… Vì vậy đây là giai đoạn tối ưu, là “mảnh đất” màu mỡ nhất để gieo hành vi sáng tạo. Bởi vậy độ tuổi này bên cạnh việc dạy trẻ biết lễ phép nghe lời, cha mẹ nên tạo cho trẻ có cơ hội thể hiện những sáng tạo riêng.
Theo cô Quỳnh Anh, đến độ tuổi tiểu học và THCS trẻ lại càng cần được tự do khám phá bản thân và cuộc sống xung quanh. Có thể các em sẽ có những hành vi chưa theo chuẩn mực chung, tuy nhiên, cha mẹ đừng vì vậy mà mắng mỏ áp đặt trẻ. Hãy cho trẻ có cơ hội bày tỏ chính kiến của mình để từ đó hướng các em đến những hành vi đúng đắn hơn. Đặc biệt dù ở môi trường nào, những người lớn nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động xã hội. Chỉ khi tham gia các hoạt động xã hội trẻ mới tăng cơ hội được thể nghiệm bản thân cùng những kỹ năng hợp tác theo nhóm.