(GD&TĐ) - Ai cũng thấy giáo dục truyền thống trong nhà trường là cần thiết nhưng cách tiếp cận giáo dục truyền thống hiện nay còn nhiều khiếm khuyết, một chiều, khô cứng, thiếu sinh động. Nó ít hấp dẫn nên làm cho học sinh không hứng thú, không hào hứng tham gia hoặc có thì chỉ lấy lệ, hình thức. Tình trạng này diễn ra nhiều năm và phổ biến ở khắp các vùng miền, cả ở nông thôn và thành phố. Các chuyên gia giáo dục, giáo viên, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và lịch sử ở trong và ngoài ngành giáo dục đều nhận thấy và đang muốn thay đổi cách giáo dục truyền thống này để thích ứng với tâm lý và nhu cầu của học sinh.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây nhiều tổ chức của các đoàn thể trong nước cũng như nhiều tổ chức quốc tế đã phối hợp với một số địa phương, nhà trường tổ chức thí điểm các dự án giáo dục truyền thống, giáo dục di sản cho học sinh. Hiện nay chưa có những số liệu thống kê chính xác có bao nhiêu dự án giáo dục di sản đã được thực hiện, các dự án này làm ở đâu, nội dung và phương pháp của chúng ra sao, kết quả của chúng như thế nào. Nếu như có được tổng kết và đánh giá thì chắc sẽ rút ra được nhiều bài học bổ ích. Vừa qua Văn phòng UNESCO ở Hà Nội phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và phát huy các giá trị di sản (CCH) thuộc Hội Di sản Văn hóa chỉ mới đánh giá 5 dự án liên quan đến giáo dục di sản: “Xây dựng phương pháp đưa di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội vào bài giảng một số môn Khoa học tự nhiên cấp THCS”; “Liên kết với nhà trường trong giáo dục di sản ở bảo tàng, di tích và các điểm văn hóa nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.”; “Tăng cường năng lực tiếp cận và phản ánh thông tin cho giới trẻ nhằm bảo tồn các giá trị di sản văn hóa thông qua các hoạt động Dự án ở Đắk Nông và Hà Nội”; “Tìm hiểu bản sắc văn hóa Mường trong bảo vệ môi trường thông qua giáo dục tại trường THCS Thanh Hối, xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình”; “Giáo dục bảo tồn di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long”. Đánh giá chỉ mới 5 dự án trên đã cho chúng ta nhiều bài học quý giá, gợi nhiều điều lý thú.
Ảnh minh họa (nguồn Internet) |
Chúng tôi có dịp may mắn được tham gia nhóm đánh giá 5 dự án vừa qua. Điều thu nhận đầu tiên của chúng tôi là về khái niệm. Từ trước chúng ta sử dụng khái niệm “giáo dục truyền thống” trong đó quá thiên về giáo dục lịch sử, giáo dục chính trị. Các dự án đã mở ra cho chúng ta thấy khái niệm này quá chật hẹp. Khái niệm “giáo dục truyền thống” có thể mở rộng thêm nội hàm của nó là giáo dục di sản (di sản thiên nhiên và di sản văn hóa). Hoặc nói một cách khác, phù hợp với cách nói theo thông lệ quốc tế hiện nay hơn, khái niệm giáo dục di sản có hàm nghĩa rộng hơn, gồm giáo dục di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể), di sản thiên nhiên; giáo dục di sản văn hóa trong đó bao hàm cả giáo dục truyền thống. Chẳng hạn, giáo dục di sản vật thể là làm cho học sinh nhận diện và thực hành trong và về các di tích, các công trình kiến trúc, tòa nhà lịch sử, bảo tàng, các phòng trưng bày, các nơi thờ tự (đình chùa, miếu mạo, nhà thờ họ, nhà thờ các tôn giáo), công viên, các cảnh quan và các hiện vật lịch sử hay hiện vật văn hóa. Từ đền thờ Hai Bà Trưng, Bà Triệu đến ngôi nhà thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Bắc Kỳ (nhà 5D Hàm Long), ngôi nhà 91 Bông nhuộm, nơi Trần Phú viết Luận cương chính trị (1930) đều là những điểm di tích lịch sử rất quý để học sinh trải nghiệm. Nhưng vấn đề chính là cung cấp chất lượng tiếp cận giáo dục như thế nào về các di tích lịch sử này mà thông qua đó giáo dục về truyền thống lịch sử
Điều thứ hai là, quan niệm về “di sản ở xung quanh chúng ta”. Trong phong trào Trường học thân thiện, học sinh tích cực, các trường thường kêu thiếu di tích lịch sử để học sinh tiếp cận và đề nghị ngành văn hóa chuyển giao danh mục các di tích lịch sử và nội dung các di tích ấy. Làm sao ngành văn hóa có thể kiểm kê được hết các di tích lịch sử văn hóa. Nếu chỉ phụ thuộc vào các danh sách này thì chẳng bao giờ đủ và luôn luôn thiếu. Bởi các huyện ở miền núi, miền biển, vùng sâu vùng xa thì có bao nhiêu di tích được xếp hạng? Chắc rất ít, có nhiều huyện còn không có di tích đã xếp hạng. Trong khi đó, nếu tiếp cận theo quan niệm di sản thì di sản vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên ở đâu cũng có. Các di sản ở ngay xung quanh trường, bất kỳ trường nào, dù ở nơi xa xôi, hẻo lánh nhất. Chỗ nào có làng bản, có cộng đồng dân cư thì ở đó có di sản. Học sinh sống ngay trong môi trường của các di sản, ngay cạnh/cùng các di sản. Đó là ngôi làng, miếu thờ hay ngôi nhà của mình; đó là những thửa ruộng bậc thang hay ruộng thổ canh hốc đá; đó là các tri thức dân gian về thời tiết, về ẩm thực, về sản xuất, về nghề thủ công, các phong tục tập quán. Học sinh có thể tiệp cận dễ dàng với các nhân chứng lịch sử và những ký ức của họ, đó là các cựu chiến binh tham gia các mặt trận thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, ký ức của các vị hưu trí tham gia các công trình xây dựng thủy điện Thác Bà, Hòa Bình, làm đường dây 500 kw… Vấn đề là làm sao giúp cho giáo viên, từ đó giúp cho học sinh nhận diện được di sản xung quanh mình để từ đó chúng tự khám phá và trình bày về các di sản ấy với bạn của mình.
Điều thứ ba, khuyến khích các hoạt động trải nghiệm của học sinh là đặc điểm nổi bật của phương pháp giáo dục trải nghiệm di sản. Phương pháp này chủ yếu tạo ra nhiều hoạt động liên tiếp cho học sinh khám phá từng bước, từng bước một di sản. Học sinh không phải học thuộc lòng ý nghĩa hay giá trị của mỗi di sản mà các em được rèn luyện óc quan sát, cách miêu tả hay cách phỏng vấn các chủ thể văn hóa về di sản mà các em đang quan tâm. Các em làm quen với các phương pháp nghiên cứu, thu thập, thảo luận và xử lý thông tin, trình bày bằng phương thức đa dạng như triển lãm, thuyết trình, báo tường, kịch nói…các kết quả tìm hiểu của mình hay nhóm mình. Sự đam mê, chủ động khám phá sẽ dẫn các em đến sự sáng tạo. Thông qua hoạt động trải nghiệm di sản, các em học sinh sẽ được rèn luyện nhiều kỹ năng sống. Đây là một môi trường rèn luyện kỹ năng sống một cách bổ ích, thiết thực, hấp dẫn và sinh động nhất.
Điều cuối cùng chúng tôi muốn nhấn mạnh là có rất nhiều cách tiếp cận giáo dục trải nghiệm di sản và chúng được áp dụng rất linh hoạt vào các chương trình hoạt động trong trường. Tùy theo hoàn cảnh và đối tượng mà khuyến khích các hình thức giáo dục di sản khác nhau. Ở thành phố, giáo dục ở các bảo tàng, các di tích lịch sử văn hóa là quan trọng. Ở vùng núi, cùng xa xôi hẻo lánh không có bảo tàng, xa các di tích thì các di sản vật thể và phi vật thể (những con người nắm giữ các tri thức và nghệ thuật dân gian), di sản thiên nhiên (rừng núi, sông suối, thác nước…) ở xung quanh trường trở thành nguồn khai thác vô tận và sinh động với nhà trường và học sinh. Mỗi đối tượng này có cách khai thác riêng nhưng tất cả đều có một điểm chung là giáo viên tạo ra những hoạt động trải nghiệm cho học sinh, giúp học sinh chủ động khám phá hình thức và nội dung ẩn chưa bên trong các di sản ấy. Giáo viên là người lãnh đạo và tổ chức các trải nghiệm cho học sinh.
Với 5 dự án được khảo sát nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích đã được rút ra . Hy vọng giáo dục trải nghiệm di sản cho học sinh sẽ được nhân rộng, trở thành một cách thúc đẩy và nâng cao chất lượng học tập và phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy