Hơn 180 tỷ dành cho Khuyến học
Hội Khuyến học tỉnh Vĩnh Phúc vừa tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ V, nhiệm kỳ 2021 – 2026 theo hình thức trực tuyến với 9 điểm cầu huyện, thành phố.
Báo cáo tại Đại hội cho thấy, toàn tỉnh hiện có 9 hội khuyến học cấp huyện, 136 hội khuyến học cấp cơ sở, có 1.990 chi hội khuyến học và hơn 1.700 ban khuyến học với tổng số 303.000 hội viên, chiếm gần 26% dân số toàn tỉnh. Nhiệm kỳ 2016 - 2021, Hội Khuyến học tỉnh tiếp tục chú trọng xây dựng tổ chức, phát triển hội viên đi đôi với nâng cao chất lượng hoạt động. Các cấp hội đã khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học ngàn đời của dân tộc, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia học tập, tích cực đẩy mạnh phong trào học tập suốt đến trong gia đình, dòng họ, cộng đồng.
Đến nay, toàn tỉnh có trên 199.000 gia đình được công nhận gia đình học tập, 1.660 lượt dòng họ được công nhận dòng họ học tập, hơn 1.000 cộng đồng học tập và hơn 500 đơn vị học tập. Hội đã phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương duy trì hoạt động của 136 Trung tâm học tập cộng đồng.
5 năm qua, Hội Khuyến học các cấp và cộng đồng tại Vĩnh Phúc đã huy động được trên 180 tỷ đồng để khen thưởng và hỗ trợ học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó đạt thành tích cao trong học tập. Trong phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2016 - 2021, toàn tỉnh có 627 tập thể, 485 cá nhân tiêu biểu được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, UBND tỉnh và Hội Khuyến học tỉnh khen thưởng. Đồng thời, được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam xếp trong top 10 các Hội Khuyến học cả nước.
Phát biểu tại Đại hội lần này, PGS.TS Nguyễn Trọng Điều - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam nêu bật, đây là sự nghiệp cao cả nhưng đầy cam go, đòi hỏi sự phấn đấu không mệt mỏi, đầy kiên trì và nhẫn nại của toàn xã hội, đặc biệt là đội ngũ những người làm giáo dục đào tạo, làm khuyến học, khuyến tài. Cho nên có thể nói, những người phụng sự sự nghiệp này là những người anh hùng và quả cảm.
“Với tư cách là một lãnh đạo Trung ương Hội và cũng là người đang nghiên cứu mô hình tổ chức các cấp của Hội Khuyến học, cho phép tôi chân thành cảm ơn đến Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có những chỉ đạo sáng tạo, quyết liệt mang tính đột phá kể trên. Những kết quả cụ thể, đa dạng đó đã tác động sâu sắc, lan tỏa trong cộng đồng xã hội” - PGS.TS Nguyễn Trọng Điều nhấn mạnh.
Báo cáo kiểm điểm nhiệm kỳ IV của Hội Khuyến học Vĩnh Phúc cũng chỉ ra, nhiệm kỳ vừa qua, hoạt động khuyến học, khuyến tài của Vĩnh Phúc đã trải qua những bước thăng trầm, những lúc khó khăn, cam go nhất, có thời điểm chững lại và đi xuống, kết quả hoạt động rất hạn chế.
Giữa năm 2018, Hội Khuyến học tỉnh đã kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, huy động toàn hệ thống chính trị, của lãnh đạo tỉnh và cộng đồng, xã hội, chung tay với công tác. Tất cả đã tạo ra tiền đề, giúp cho công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên toàn tỉnh bước sang trang mới. Ngoài Quỹ khuyến học, năm 2020, tỉnh còn thành lập mới Quỹ Khuyến tài, được các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ trên 38 tỷ đồng. Cả 2 quỹ đều hoạt động trên nguyên tắc bảo toàn vốn.
Tạo sức bật mới cho hoạt động khuyến học
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đại hội cũng chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế cần tiếp tục được khắc phục như đội ngũ, công tác tham mưu cho công tác tại cơ sở, địa phương còn chưa chủ động hiệu quả, hoạt động chưa phong phú đa dạng; đối tượng, nội dung khuyến học tại cơ sở còn nặng về biểu dương, khen thưởng học sinh giỏi; việc xây dựng quỹ khuyến học các cấp theo hướng bảo toàn và phát triển quỹ còn hạn chế, chủ yếu là quỹ của cộng đồng, chưa khai thác hết tiềm năng và thế mạnh của các lực lượng xã hội, đặc biệt là khối doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh...
Từ chỗ làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài đối với học sinh trong nhà trường, nhiệm kỳ 5 năm tới, Hội Khuyến học tập trung mở rộng ra các đối tượng ngoài xã hội, đối tượng người lớn để tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập, bảo đảm cho mọi người dân của tỉnh đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo. Tất cả nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư và hội nhập quốc tế.
Phát biểu tại Đại hội, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh, từ khi thành lập đến nay, Hội Khuyến học tỉnh luôn giữ vai trò nòng cốt của phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan yêu cầu thời gian tới, các cấp hội khuyến học trong tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ và thực hiện tốt các quan điểm, chủ trường của Đảng về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Kết luận số 49 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Từ đó, xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội khuyến học nhiệm kỳ 2021-2026 gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17. Trong đó, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã học tập phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tiễn mỗi địa phương.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu sâu sắc hơn về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và Nhà nước về giáo dục đào tạo, khuyến học, khuyến tài. Cùng với đó, làm tốt vai trò nòng cốt trong đẩy mạnh các hoạt động học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, xây dựng xã hội học tập. Nhân rộng các mô hình, các tấm gương công dân học tập, gia đình học tập, dòng họ học tập, đơn vị học tập, cộng đồng học tập để phong trào khuyến học, khuyến tài tiếp tục phát triển sâu rộng, chất lượng.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan cũng đề nghị các cấp hội tiếp tục chú trọng việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế địa phương, thiết thực xây dựng xã hội học tập, mở ra sức bật mới cho hoạt động khuyến học. Các cấp chính quyền, Mặt trận tổ quốc và đoàn thể các cấp chú trọng hơn nữa công tác chỉ đạo, phối hợp để mở rộng và nâng cao chất lượng phong trào khuyến học, khuyến tài ở tất cả các địa bàn. Tiếp tục xây dựng các thiết chế văn hóa duy trì hoạt động các trung tâm học tập cộng đồng; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, các cơ sở văn hóa giáo dục hiện có vào mục tiêu xây dựng xã hội học tập.