“Sóng và máy tính cho em” là chương trình giàu tính nhân văn được Chính phủ, Bộ GD&ĐT phát động, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Tại Vĩnh Phúc, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh và đầu mối là Sở GD&ĐT, chương trình đã nhận được nhiều sự ủng hộ của các doanh nghiệp, các tổ chức, đoàn thể, các cá nhân, đặc biệt là phát huy tối đa nội lực của toàn ngành GD&ĐT. Qua đó, nhiều học sinh có thêm cơ hội học tập bình đẳng và tốt hơn trong khó khăn kinh tế - xã hội từ đại dịch.
Sau 3 tuần phát động ủng hộ triển khai rộng rãi chương trình trong và ngoài ngành giáo dục (23/9-15/10/2021), Ban quản lý Quỹ ủng hộ Chương trình tỉnh Vĩnh Phúc đã thu được gần 3 tỷ đồng thông qua số tài khoản mở tại Kho bạc nhà nước, cùng các thiết bị phục vụ việc học tập trực tuyến cho học sinh.
Số kinh phí và thiết bị nêu trên vừa được Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc phân bổ và giao UBND các huyện, thành phố, Văn phòng Sở GD&ĐT tổ chức mua sắm, cấp thiết bị cho học sinh thuộc đơn vị quản lý đảm bảo đúng yêu cầu, đúng quy định về mua sắm tài sản.
UBND các huyện, thành phố, Văn phòng Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm trước tỉnh về tổ chức triển khai chương trình đảm bảo đúng mục tiêu, tiến độ, chất lượng và hiệu quả; báo cáo kết quả về tỉnh thông qua Sở GD&ĐT trước ngày 10/12/2021.
Theo kế hoạch và yêu cầu của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, các đối tượng học sinh được tiếp nhận thiết bị học trực tuyến cùng gói cước viễn thông đợt này gồm: 100% học sinh con hộ nghèo (545 em) và 95,7% học sinh con hộ cận nghèo (703 em) trên địa bàn tỉnh. Tổng số học sinh được tiếp nhận thiết bị kèm gói cước viễn thông là 1.248 học sinh.
Huyện có số lượng học sinh hộ nghèo và cận nghèo nhiều nhất là Yên Lạc với trên 200 em, kinh phí được phân bổ là trên 500 triệu đồng; tiếp theo là Vĩnh Tường với gần 300 triệu đồng cho 123 em; thấp nhất là thành phố Vĩnh Yên với 140 triệu đồng dành cho 75 học sinh.
Theo thống kê, toàn ngành vẫn còn khoảng 30 học sinh hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 4,3%) cùng 2.099 học sinh đối tượng khó khăn khác, chưa được trao thiết bị học trực tuyến đợt này. Ngành GD&ĐT tiếp tục kêu gọi các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân có lòng hảo tâm tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ trực tiếp thông qua các đơn vị, nhà trường để góp phần giảm bớt các con số nêu trên.
Sau hơn 2 tháng toàn ngành triển khai dạy học trực tiếp, mới đây, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tính đến ngày 22/11, thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên, Vĩnh Tường, Yên Lạc đã đồng loạt chuyển sang dạy học trực tuyến. Ngoài ra, nhiều trường học tại các địa phương khác như Sông Lô, Tam Dương, Bình Xuyên, Lập Thạch... cũng tùy tình hình thực tế, triển khai dạy học trực tuyến để đảm bảo an toàn cho học sinh.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Vĩnh Phúc, từ ngày 27/4 đến 15h ngày 23/11, toàn tỉnh ghi nhận 722 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Ngày 21/11, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã ban hành kế hoạch 287/KH-UBND về triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc năm 2021-2022. Vĩnh Phúc đặt mục tiêu 90% trẻ từ 12-17 tuổi (dự kiến 126.825 trẻ em) được tiêm vaccine phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh (không phân biệt học sinh công lập và ngoài công lập) bắt đầu từ tháng 11/2021.