Khủng hoảng nước chưa từng có

GD&TĐ - Theo dữ liệu mới nhất do Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) công bố hồi tháng 8, thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nước chưa từng có.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Theo dữ liệu mới nhất do Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) công bố hồi tháng 8, thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nước chưa từng có do nhu cầu tăng cao và tác động của biến đổi khí hậu gia tăng.

Dự kiến đến năm 2050, sẽ có thêm một tỷ người phải sống trong các khu vực khô cằn và thiếu nước. Hiện nay, 2/3 dân số thế giới, chiếm 3,3 tỷ người, sống trong những khu vực này.

Cụ thể, khu vực Trung Đông và Bắc Phi có mức độ căng thẳng nguồn nước cao nhất thế giới. Căng thẳng nguồn nước là chỉ số đo lường tỷ lệ lượng nước rút đi bởi các hoạt động như công nghiệp, nông nghiệp, tiêu dùng thường xuyên trong tổng lượng nước trên bề mặt và nước ngầm trung bình mỗi năm. Giá trị cao hơn đồng nghĩa với sự cạnh tranh nhiều hơn giữa những người dùng.

Có 25 quốc gia, chiếm 25% dân số toàn cầu, chịu áp lực về nước cực kỳ cao mỗi năm. Trong đó, Bahrain, Cyprus, Kuwait, Lebanon và Oman là 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nếu xảy ra một đợt hạn hán ngắn hạn cũng có thể khiến những nơi này đối mặt với nguy cơ cạn kiệt nước.

Tình trạng thiếu nước được coi như kẻ thù của loài người. Khan hiếm nước là một trong 5 tình trạng gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên nền kinh tế thế giới.

Đơn cử, vì thiếu nước, người dân, nhất là phụ nữ, phải dành hàng giờ mỗi ngày, xếp hàng tại các điểm nhận nước hoặc đi bộ đến những nơi xa xôi như sông, ao hồ để tìm nước.

Khoảng thời gian bỏ ra cho công việc này không đem lại thu nhập hay cơ hội phát triển kinh tế. Ước tính, toàn cầu có thể mất đi 260 tỷ USD mỗi năm do thiếu nước.

Ở khía cạnh xã hội, việc tiếp cận nguồn nước đầy đủ giúp giảm chi phí chăm sóc sức khỏe trong các gia đình, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ giáo dục, y tế... Khan hiếm nước sẽ tạo ra khủng hoảng nhân đạo, nhất là ở các khu vực nghèo đói.

Trước tình trạng trên, mỗi quốc gia cần nhanh chóng xây dựng giải pháp. Do nông nghiệp sử dụng nhiều nước nhất trên toàn cầu nên chúng ta cần thay đổi hệ thống tưới nước làm sao để tiết kiệm và tối ưu hóa lượng nước sử dụng.

Một trong những biện pháp hữu dụng nhất là chuyển từ hệ thống tưới lũ sang hệ thống tưới nhỏ giọt.

Các thành phố cũng cần phát triển cơ sở hạ tầng để thu giữ và tái sử dụng nguồn nước mưa chảy tràn, sửa chữa các điểm rò rỉ hệ thống nước trong thành phố và tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng nước hiệu quả.

Ngoài ra, người dân thế giới có thể thay đổi thói quen lựa chọn thực phẩm. Việc chăn nuôi để lấy thịt và sữa tiêu tốn nhiều nước hơn so với trồng rau và ngũ cốc.

Vì vậy, giảm tiêu thụ thịt và sữa có thể làm giảm nhu cầu sử dụng nước. Giảm chất thải thực phẩm cũng có thể giúp giảm lượng nước sử dụng.

Tuy nhiên, các giải pháp bảo đảm an toàn an ninh nước vẫn còn “giậm chân tại chỗ”. Điều quan trọng nhất hiện nay là thay đổi suy nghĩ của con người rằng nguồn nước là vô hạn.

Người dân thế giới cần hiểu được tầm quan trọng của nước và nguy cơ thiếu nước trong tương lai, từ đó, thay đổi thói quen sử dụng nước.

Ngoài ra, cần lưu ý việc một số quốc gia vì khan hiếm nước chuyển sang kinh doanh nước sạch. Đơn cử, từ năm 2016, Trung Quốc đã thành lập Sở Giao dịch nước do nhiều tỉnh phía Bắc bị khan hiếm nước sạch.

Cách làm này có thể nâng cao ý thức sử dụng nước của người dân nhưng mặt trái là nó cản trở khả năng tiếp cận nước trong các gia đình nghèo hay ở khu vực khó khăn.

Vì vậy, việc định giá nước và quyền sử dụng nước cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng để nâng cao hiệu quả tiêu dùng và tiết kiệm nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ