Khủng hoảng nhà cho thuê cản trở du học

GD&TĐ - Khi quỹ nhà cho thuê tại nhiều quốc gia phương Tây trở nên khan hiếm, ngày càng nhiều sinh viên từ chối du học trừ khi được bảo đảm về chỗ ở.

Tình trạng khan hiếm nhà ở gây cản trở quá trình thu hút sinh viên quốc tế.
Tình trạng khan hiếm nhà ở gây cản trở quá trình thu hút sinh viên quốc tế.

Tình trạng khan hiếm nhà ở cho thuê tại một số quốc gia hàng đầu về du học như Australia, Hà Lan... đang ảnh hưởng đến quyết định du học của nhiều sinh viên quốc tế. Điều này cũng cản trở quá trình thu hút du học sinh đến học tập.

Theo cuộc khảo sát gần đây của tổ chức tuyển sinh quốc tế Australia IDP, nhà ở hiện là mối quan tâm hàng đầu của những học sinh Đông Á có dự định du học. Đơn cử, gần 2/3 người trẻ Trung Quốc tham gia khảo sát mong muốn được bảo đảm chỗ ở trước khi rời khỏi đất nước. Gần 3/4 người được hỏi khẳng định sẽ không đi du học nếu chưa thuê được nhà.

Nhiều học sinh đến từ Đài Loan, Thái Lan và Philippines cho biết kế hoạch du học phụ thuộc vào việc đặt phòng trọ. Điều này cho thấy nhà ở cho thuê đã trở thành mối quan tâm lớn hơn chi phí sinh hoạt đối với sinh viên quốc tế.

Bà Angela Lehmann, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của công ty tư vấn Lygon Group, Australia, nhận định mong muốn có chỗ ở trước khi du học phản ánh cảm giác “dễ bị tổn thương” của người dân Trung Quốc sau nhiều năm phong tỏa.

Trong khoảng 3 năm dịch Covid-19, nhiều phụ huynh Trung Quốc và các quốc gia khác không thể ra nước ngoài và nắm bắt tình hình du học trên thế giới. Do đó, họ cần phải chắc chắn con cái có chỗ ở an toàn trước khi du học.

Trước đây, vấn đề nhà ở không phải mấu chốt khi nhắc đến du học nhưng mọi chuyện đang dần thay đổi vừa do dịch Covid-19 vừa do khủng hoảng nhà ở trên thế giới. Các quốc gia hoặc các trường đại học nắm bắt tình hình này và có biện pháp cải thiện kịp thời có thể tăng cường phát triển giáo dục quốc tế.

Bà Angela lấy ví dụ một số trường đại học đã nhanh chóng hỗ trợ sinh viên quốc tế trước khi họ nhập học. Đại học Quốc gia Australia (ANU) đặt ra tiêu chí “bảo đảm chỗ ở” cho sinh viên năm nhất trong 17 khu kí túc xá thuộc khuôn viên trường. Đãi ngộ này nhằm thu hút sinh viên nước ngoài lựa chọn học tập tại đây.

Bà Sally Wheeler, Phó Hiệu trưởng ANU, thông tin nhà trường có thể mở rộng hỗ trợ nhà ở cho sinh viên sau ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhà trường đang tăng cường cung cấp phòng trọ, cải thiện cơ sở hạ tầng để đón sinh viên quốc tế đến ở trong khuôn viên trường.

“Chúng tôi rất vui mừng chào đón sinh viên sống trong khuôn viên trường. Đối với sinh viên quốc tế, đây là cơ hội tuyệt vời để kết bạn và hòa nhập với cuộc sống mới ở Australia”, bà Sally chia sẻ.

Còn tại Pháp, TS Guillaume Garreta, người đứng đầu bộ phận Quan hệ quốc tế tại Đại học Paris-Saclay, Pháp, nhận định nhà ở là một trong những vấn đề chính đối với sinh viên quốc tế nói riêng và sinh viên tại Pháp nói chung.

Việc thiếu nhà ở đã ảnh hưởng đến chương trình học tập của sinh viên. Nhiều người phải trì hoãn việc học vì không có nhà ở. Hiểu được tình trạng khó khăn trên, Đại học Paris-Saclay đã xây mới khoảng 6.000 phòng ở cho sinh viên trong 5 năm qua.

Theo THE

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ