(GD&TĐ) - Thế giới vừa được chứng kiến một sự kiện hi hữu: Ngày 3/7, chính quyền Pháp, Bồ Đào Nha, Italia, Tây Ban Nha đã quyết định rút phép sử dụng không phận và các sân bay của họ đối với máy bay của Tổng thống Bolivia Evo Morales vì lo ngại trên máy bay có “hành khách đặc biệt” - Edward Snowden. Sự kiện này đã dấy lên làn sóng phản đối trên toàn thế giới. Các quốc gia thuộc Liên minh các quốc gia Mỹ - Latinh (UNASUR) đã triệu tập Hội nghị Thượng đỉnh khẩn cấp tại thành phố Cochabamba (Bolivia) để đưa ra phản ứng chung. Theo các nhà phân tích thì đây là chuyện chưa từng có trong lịch sử luật pháp quốc tế, làm tổn hại đến uy tín của không ít quốc gia. Tổng thống Bolivia dọa đóng cửa đại sứ quán Mỹ tại La Paz.
Sự kiện được ghi vào sách giáo khoa về luật quốc tế
Tổng thống Bolivia Evo Morales rời Moskva trở về, sau khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh của Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt lần thứ 2 tại Moskva. Trước khi bay khỏi Moskva, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình RT, Evo Morales tuyên bố: “Bolivia sẵn sàng giúp đỡ người phơi bày các hoạt động gián điệp”. Có lẽ vì thế mà các nước châu Âu nghi ngờ Evo Morales mang theo Edward Snowden trên hành trình Moskva-La Paz. Quyết định “cấm cửa” của các nước trên khiến máy bay của Evo Morales phải hạ cánh khẩn cấp xuống Vienna (Áo). Người đứng đầu Bộ Nội vụ Áo Johanna Mycle-Leitner tuyên bố: Áo tiếp nhận mà không sợ rằng trên máy bay có Snowden.
Sau khi kiểm tra hành khách, các cơ quan chức năng Áo khẳng định trên máy bay không có Edward Snowden. Khẳng định này được đưa ra trong cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Áo Heinz Fischer và Tổng thống Bolivia Evo Morales ngay tại sân bay Vienna. Thông tin không có Edward Snowden trên máy bay của Evo Morales khiến Chính phủ Pháp, Bồ Đào Nha, Italia, Tây Ban Nha phải mở hành lang bay cho Evo Morales.
Tổng thống Evo Morales đã trở về quê hương bằng hành trình ngoài mong đợi. Sau đó, Chính phủ Pháp có ngỏ lời xin lỗi do “mâu thuẫn thông tin” nhưng sự đã muộn.
Hành động bắt cóc
Bolivia vui mừng đón Tổng thống Evo Morales tại sân bay El Alto, ngoại ô La Paz |
Lãnh đạo các quốc gia UNASUR nhóm họp khẩn cấp vào hôm thứ năm (4/7) tại Cochabamba (Bolivia) để đưa ra một tuyên bố chung phản đối các nước châu Âu, đòi Pháp, Bồ Đào Nha, Italia, Tây Ban Nha phải có lời xin lỗi. Ngoài ra, UNASUR sẽ thành lập một uỷ ban đặc biệt nhằm điều tra sự kiện kiểm tra máy bay của Tổng thống Bolivia tại Vienna. Tại cuộc họp này, Tổng thống Uruguay Jose Mujica khẳng định: Bất cứ ai cũng có thể phạm sai lầm, nhưng phải có đủ can đảm để thừa nhận những sai lầm ấy. “Đã từ lâu chúng tôi không còn là thuộc địa, do đó phải được đối xử một cách tôn trọng”- Jose Mujica nhấn mạnh.
Đại sứ Bolivia tại Liên Hợp Quốc Sachi Lorentti Solis khẳng định: “Quyết định của các nước trên đã vi phạm luật pháp quốc tế. Chúng tôi đã bắt đầu làm các thủ tục kháng cáo lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về vấn đề này”. Quyết định kiểm tra máy bay Tổng thống Evo Morales của chính quyền Áo “là hành động gây hấn”, là “hành động bắt cóc” - Sachi Solis nói với các phóng viên tại Geneva. Mạng sống của Tổng thống, đoàn Bolivia và phi hành đoàn bị đe dọa - Sachi Solis nhấn mạnh. Ông Solis tin rằng, mệnh lệnh bắt máy bay của Tổng thống Evo Morales hạ cánh xuống Vienna được phát đi từ Washington.
Tổng biên tập tạp chí “Quốc phòng toàn dân” (Nga) Igor Korotchenko nói: “Trong ký ức của tôi, việc đóng cửa không phận đối với máy bay của Tổng thống ở một quốc gia có chủ quyền và bắt hạ cánh để kiểm tra ở Vienna chứng tỏ mọi chuyện đang diễn ra ngoài ý nghĩa thông thường. Mặc dù Barack Obama hứa sẽ không sử dụng không quân Mỹ đánh chặn máy bay dân dụng, trên đó có Edward Snowden, nhưng đó là lời hứa hão”. Còn giáo sư Học viện Quan hệ Quốc tế Moskva và là cựu đại sứ Nga tại Argentina Evgeny Astakhov thì cho rằng: “Giờ không phải lúc thượng tôn luật pháp quốc tế mà là cộng đồng châu Âu - Đại Tây Dương đứng đầu là Mỹ. Họ có thể làm tất cả những gì họ muốn...”.
Không chùn tay với Mỹ
Theo Itar-TASS, Tổng thống Bolivia doạ đóng cửa Đại sứ quán Mỹ tại La Paz. “Chúng tôi có lòng tự trọng của mình. Không có Mỹ, chúng tôi sẽ tốt hơn cả về kinh tế lẫn chính trị. Chúng tôi còn các đồng minh khác”- Evo Morales khẳng định. Cũng theo lời Evo Morales thì người Bolivia không cần Mỹ đến đất nước của họ cùng những âm mưu và ông tuyên bố không chùn tay trong việc đóng cửa Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô La Paz.
Quan hệ giữa La Paz và Washington đang trải qua thời khắc rất khó khăn. Theo các nhà phân tích, hành động đóng cửa không phận và khám xét máy bay của Tổng thống Bolivia Evo Morales của các nước châu Âu vừa qua là không thể chấp nhận được. Điều kỳ lạ là sự kiện lại diễn ra ở Vienna, nơi ra đời Công ước về quan hệ ngoại giao vào năm 1961. Sự kiện hi hữu này xứng đáng được đưa vào sách giáo khoa về luật quốc tế.
Duy Long (TH)