Khủng hoảng lao động

GD&TĐ - Nhật Bản đang đối mặt với khủng hoảng khi lực lượng lao động dự kiến giảm hơn 11 triệu người vào năm 2040.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Đến tháng 7/2023, Nhật Bản có khoảng 67 triệu lao động. Trong ngắn hạn, tình trạng thiếu lao động thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực dịch vụ, vốn chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch. Còn các lĩnh vực cần nhiều nhân lực như điều dưỡng, xây dựng... cũng gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân của khủng hoảng trên đến từ dân số già. Trước tình trạng tỷ lệ sinh giảm, tuổi thọ ngày càng tăng, nhiều công ty đã chuyển sang tuyển dụng người cao tuổi hoặc khuyến khích người đã về hưu trở lại làm việc nếu họ cảm thấy đủ sức khoẻ. Theo báo cáo của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, khoảng 40% công ty trong nước đang sử dụng lao động trên 70 tuổi, gấp đôi tỷ lệ một thập kỷ trước đó.

Tình trạng thiếu lao động đã gây ra hậu quả sâu rộng cho nền kinh tế. Với số lượng nhân công ít hơn, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu của thị trường đang phát triển mạnh mẽ; từ đó ảnh hưởng đến năng suất, cản trở tăng trưởng kinh tế ở cấp quốc gia và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Nhật Bản trên trường quốc tế.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nhân công đã làm giảm sức hấp dẫn của thị trường lao động trong mắt thanh thiếu niên và người nước ngoài. Nhiều người trẻ Nhật Bản tìm kiếm việc làm với mức lương cao, đãi ngộ tốt trên thế giới còn người nước ngoài không muốn đến Nhật làm việc vì đồng yên gần đây suy yếu.

Để giải quyết tình trạng trên, Chính phủ Nhật Bản lẫn các doanh nghiệp cần có nhiều chiến lược và sáng kiến khác nhau.

Ở cấp độ doanh nghiệp, các công ty đang tận dụng xu hướng tuổi thọ tăng cao để bù đắp khoảng trống nhân lực trẻ. Nhiều doanh nghiệp đã thay đuổi độ tuổi nghỉ hưu để người lao động có thể kéo dài thời gian làm việc; nhận thức lại về giá trị và kinh nghiệm mà người lao động lớn tuổi mang lại cho nền kinh tế.

Đơn cử, Sumitomo Chemical, công ty lớn ở Nhật Bản, đã tăng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 65 tuổi trong khi các công ty YKK, Nojima quyết định loại bỏ hoàn toàn độ tuổi nghỉ hưu và cho phép người lao động làm việc bao lâu tuỳ thích. Các công ty phải cạnh tranh nhau, xây dựng nhiều chính sách thu hút lao động lớn tuổi như tạo ra môi trường làm việc hoà nhập, duy trì phúc lợi và tăng lương thưởng...

Phối hợp với các doanh nghiệp, trong thời gian tới Chính phủ Nhật Bản có thể đưa ra các biện pháp khuyến khích như giảm thuế, trợ cấp đối với lao động lớn tuổi... để các công ty có điều kiện, hành lang pháp lý khi tuyển dụng nhóm lao động này. Ngoài ra, xã hội Nhật Bản cũng cần xoá bỏ định kiến phân biệt tuổi tác và thừa nhận giá trị mà nhân công lớn tuổi mang lại cho lực lượng lao động.

Cùng với đó, chính phủ cần tăng cường nhu cầu đào tạo và đào tạo lại cho lao động lớn tuổi. Thiếu lao động cũng kéo theo thiếu nhân công lành nghề nên việc đào tạo có thể thúc đẩy năng suất lao động, mang lại lợi ích tích cực cho nền kinh tế.

Vấn đề của Nhật Bản cũng là khó khăn mà nhiều quốc gia trên thế giới có tỷ lệ sinh thấp như Hàn Quốc, Anh, Đức... phải đối mặt. Tuy nhiên, thiếu lao động không phải là thách thức không thể vượt qua nếu các quốc gia biết cách tận dụng thế mạnh và đầu tư cho lực lượng lao động lớn tuổi. Đã đến lúc Nhật Bản học cách khai thác tiềm năng của người lớn tuổi để mở đường cho một tương lai phát triển ổn định hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ