Đề xuất mức trần học phí với cơ sở GD đại học hài hòa các bên

GD&TĐ - Theo đề xuất của Bộ GD&ĐT, khung học phí sẽ lùi 1 năm so với Nghị định 81 và lùi đến năm học 2026 - 2027...

Sinh viên Trường ĐH Đồng Nai nghiên cứu khoa học. Ảnh: ITN
Sinh viên Trường ĐH Đồng Nai nghiên cứu khoa học. Ảnh: ITN

Bộ GD&ĐT đề xuất, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên năm học 2023 - 2024 bằng mức trần học phí năm học 2022 - 2023 tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 81). Theo quy định này, khung học phí sẽ lùi 1 năm so với Nghị định 81 và lùi đến năm học 2026 - 2027.

Chia sẻ khó khăn

Theo đề xuất trên, mức trần học phí với đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học 2023 - 2024 là 1,2 - 2,45 triệu đồng/tháng, tùy khối ngành, thay vì mức 1,35 - 2,76 triệu đồng như Nghị định 81. Mức thu hiện nay là 980 nghìn đến 1,43 triệu đồng.

Với các trường tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...), tùy mức độ được thu tối đa bằng 2 - 2,5 lần mức trên, tương đương khoảng 2,4 - 6,15 triệu đồng/tháng. Theo tờ trình, Bộ GD&ĐT giữ nguyên các quy định về hỗ trợ học phí, miễn giảm học phí với học sinh, sinh viên diện chính sách, nhằm đảm bảo công bằng trong tiếp cận các dịch vụ giáo dục.

Tán thành với đề xuất trên, TS Lê Anh Đức - Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Nai cho hay, nhiều năm qua, nhà trường giữ ổn định mức học phí đối với những ngành ngoài sư phạm. Mức thu học phí hiện nay của trường khoảng 9 triệu đồng/sinh viên/năm. Lý giải về việc này, TS Lê Anh Đức cho biết, nhà trường không tăng học phí nhằm chia sẻ khó khăn với người học; bởi thực tế ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nên kinh tế nhiều gia đình chưa phục hồi.

“Trường ĐH Đồng Nai đào tạo hơn 6 nghìn sinh viên. Giả sử, năm học 2023 - 2024, trường áp dụng mức thu học phí ở mức tối thiểu là 1,41 triệu đồng/sinh viên/tháng, thì mỗi năm nhà trường có thêm khoảng gần 20 tỷ đồng” - TS Lê Anh Đức trao đổi.

Theo TS Lê Anh Đức, nếu đề xuất nêu trên của Bộ GD&ĐT được Chính phủ chấp thuận, Trường ĐH Đồng Nai sẽ tính toán để dự thảo phương án tăng học phí theo lộ trình, nhằm giảm bớt khó khăn mà nhà trường đang đối diện do nhiều năm không tăng học phí.

Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Nai nhìn nhận, nếu theo Nghị định 81, từ năm học 2021 - 2022, các cơ sở giáo dục đại học công lập được áp dụng khung học phí được quy định tại Nghị định này. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19 nên Nghị định 81 chưa được áp dụng vào thực tiễn. “Do vậy, tôi tán thành với đề xuất của Bộ GD&ĐT, năm học 2023 - 2024 áp dụng mức học phí bằng mức trần học phí năm học 2022 - 2023 tại Nghị định 81” - TS Lê Anh Đức nói.

Đề xuất khung học phí lùi 1 năm

Thực tế cho thấy, mức học phí vẫn giữ ổn định và không tăng từ năm học 2021 - 2022 đến nay. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Đào Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Tài chính cho rằng, nếu không có quy định khác thì mức học phí năm học 2023 - 2024 sẽ áp dụng theo quy định tại Nghị định 81 (từ 1,35 - 2,76 triệu/người/tháng, tùy theo khối ngành đào tạo). Mức điều chỉnh này khá cao so với mức học phí năm học 2022 - 2023.

Tân sinh viên làm thủ tục nhập học trực tiếp vào Trường ĐH Công đoàn (Hà Nội). Ảnh: TG

Tân sinh viên làm thủ tục nhập học trực tiếp vào Trường ĐH Công đoàn (Hà Nội). Ảnh: TG

Cụ thể, nếu áp dụng theo Nghị định 81, thì mức trần học phí giáo dục đại học công lập năm học 2023 - 2024 sẽ tăng bình quân 45,7% so với năm học 2022 - 2023, đặc biệt khối ngành Y Dược tăng 93%, khối ngành Nhân văn, khoa học xã hội tăng 53%; mức trần học phí giáo dục nghề nghiệp công lập tăng bình quân 82% so với năm học 2022 - 2023. Thậm chí, có khối ngành tăng lên gần 100% so với các năm học trước (2020 - 2021, 2021 - 2022, 2022 - 2023). Việc này trở thành gánh nặng rất lớn với xã hội.

Giải quyết những vấn đề của thực tiễn đặt ra, Bộ GD&ĐT đề xuất Chính phủ cho phép các cơ sở giáo dục đại học thực hiện mức thu học phí theo Nghị định 81 nhưng lộ trình thực hiện khung học phí sẽ lùi 1 năm và lùi đến năm học 2026 - 2027. Riêng học phí năm học 2023 - 2024 áp dụng mức học phí bằng mức trần học phí năm học 2022 - 2023 tại Nghị định 81 (từ 1,2 - 2,45 triệu đồng/người/tháng). “Đây là động thái tích cực của Bộ GD&ĐT”, PGS.TS Nguyễn Đào Tùng nói.

Trước đề xuất của Bộ GD&ĐT, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Y - Dược (ĐH Thái Nguyên) nhìn nhận, phương án mà Bộ đề nghị với Chính phủ đảm bảo hài hòa giữa nguyện vọng của cơ sở đào tạo với ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc không tăng học phí năm học 2023 - 2024.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng phân tích, Nghị định 81 được Chính phủ ban hành có hiệu lực từ ngày 15/12/2021. Theo đó, cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo quy định tại Nghị định này được áp dụng từ năm học 2021 - 2022.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó, năm 2022 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 165 yêu cầu mức học phí của cơ sở giáo dục công lập năm 2022 - 2023 tiếp tục được giữ ổn định so với năm học 2021 - 2022 (từ 980 nghìn đến 1,43 triệu đồng/người/tháng, tùy khối ngành đào tạo). Tính đến nay, lộ trình học phí theo quy định tại Nghị định 81 chưa được áp dụng nên hơn 3 năm qua, học phí của các cơ sở giáo dục không tăng.

Thực tế, nhiều cơ sở giáo dục đại học đề nghị, năm học 2023 - 2024 áp dụng mức thu học phí theo lộ trình quy định tại Nghị định 81 để có thể bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên, nâng cao chất lượng đào tạo và thực hiện lộ trình tự chủ. Song, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà là, không tăng học phí năm học 2023 - 2024.

“Trước ý kiến chỉ đạo này và nhu cầu thực tiễn của các cơ sở đào tạo, việc Bộ GD&ĐT đề xuất mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên năm học 2023 - 2024 bằng mức trần học phí năm học 2022 - 2023 tại Nghị định 81 là phù hợp” - PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng bày tỏ.

Hiệu trưởng Trường ĐH Y - Dược (ĐH Thái Nguyên) nhấn mạnh, cần hiểu tường minh rằng, đề xuất của Bộ GD&ĐT là: Lùi thực hiện lộ trình khung học phí một năm so với Nghị định 81, không phải là lùi thêm một năm nữa không được tăng học phí.

Đề xuất của Bộ vừa đảm bảo chia sẻ khó khăn với cộng đồng, vừa tháo gỡ khó khăn cho cơ sở giáo dục đại học; đồng thời vẫn đảm bảo ổn định được kinh tế vĩ mô. “Chúng tôi sẽ tính toán để thực hiện mức học phí hợp lý, đảm bảo đúng quy định và hài hòa với đời sống kinh tế của các gia đình có con em theo học tại nhà trường” - PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.

Theo Tờ trình của Bộ GD&ĐT, dự thảo Nghị định đề xuất giữ ổn định học phí từ năm học 2023 - 2024 đối với giáo dục mầm non, phổ thông nghề nghiệp công lập và lùi 1 năm so với lộ trình học phí tại Nghị định 81 đối với giáo dục đại học công lập, không thay đổi mức trần học phí nên không làm phát sinh tăng thêm kinh phí cấp bù miễn, giảm học phí từ ngân sách so với số kinh phí ngân sách hàng năm đã cân đối để thực hiện cấp bù, miễn giảm học phí theo quy định tại Nghị định này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.

Học sinh lớp 10A7 Trường THPT Lương Thế Vinh (Quảng Bình) tìm hiểu nhạc cụ dân gian trong tiết học Chuyên đề Ngữ văn 10. Ảnh: NVCC

Đưa trang văn gần với trang đời

GD&TĐ - Dạy học Ngữ văn chương trình mới, ngoài kiến thức cơ bản, nhiều giá trị văn học và tiếng Việt được tích hợp vào hoạt động đọc, viết, nói và nghe.