Khủng hoảng đăng kiểm...

GD&TĐ - Có 2.014 đăng kiểm viên, trong đó 1.061 đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao được cấp chứng nhận nhưng hiện chỉ còn khoảng 1.500 người đang làm việc.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Tính đến ngày 26/2, cả nước có 121/489 dây chuyền kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phải tạm dừng hoạt động do đơn vị đăng kiểm đang bị cơ quan công an điều tra, hoặc không đủ điều kiện hoạt động theo Nghị định 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, hoặc tự đóng cửa.

Có 2.014 đăng kiểm viên, trong đó có 1.061 đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao được cấp chứng nhận nhưng hiện chỉ còn khoảng 1.500 người đang làm việc. Hệ thống kiểm định xe đang thiếu 486 đăng kiểm viên bởi để duy trì hoạt động toàn hệ thống cần ít nhất 1.986 người.

Riêng các đơn vị đăng kiểm và phòng tham mưu thuộc Cục Đăng kiểm cần khoảng 240 - 250 đăng kiểm viên, trong đó cần ít nhất 90 đăng kiểm viên bậc cao nhưng hiện nay thiếu khoảng 120 người.

Dễ thấy, “khủng hoảng” trong lĩnh vực đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã bao gồm cả “phần cứng” - số lượng các trung tâm và “phần mềm” là nhân lực, dẫn đến nguy cơ đứt gãy hệ thống kiểm định.

Để khắc phục tình trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra. Đó là việc Bộ GTVT kiến nghị Bộ Nội vụ rút ngắn thời gian ký hợp đồng với nhân viên đăng kiểm, thay vì phải chờ 60 ngày theo quy định.

Hay giải pháp trước mắt là Cục Đăng kiểm huy động cả những nhân viên bị khởi tố nhưng đang tại ngoại đi làm việc; yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác kiểm định, bố trí làm thêm giờ.

Đồng thời, khuyến cáo người dân chủ động kiểm tra trước khi mang xe đến trung tâm kiểm định nhằm bảo đảm phương tiện có thể đạt tiêu chuẩn ở ngay lần kiểm định đầu.

Những giải pháp này của cơ quan chức năng nhằm giải quyết tình trạng quá tải, thiếu hụt nhân lực tại các trung tâm đăng kiểm là phù hợp. Thế nhưng, nhìn nhận ở góc độ rộng hơn, chắc chắn còn nhiều vấn đề phải làm rõ nhằm giải quyết tận gốc tình trạng này.

Một trong những vấn đề phải làm rõ trước tiên, theo nguyên Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ Phạm Trọng Đạt là trách nhiệm của người đứng đầu, của các cơ quan tổ chức ở đâu, vì sao một sai phạm hệ thống như vậy lại có thể công nhiên diễn ra trong một thời gian dài, trên một phạm vi rất rộng?

Đây là tham nhũng, tiêu cực, hậu quả lớn nhất là làm tổn hại lâu dài cho xã hội. Cái giá phải trả đó kéo từ ngày này qua ngày khác, không chỉ cho xã hội, mà cho cả Nhà nước.

Bởi vậy, không thể không phanh phui, dù khi đưa ra ánh sáng, uy tín của nhiều cơ quan chức năng, cá nhân có thể bị ảnh hưởng, nhưng phải làm để ngăn ngừa những hậu quả sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu - ông Đạt khẳng định.

Điều nữa là khi thực hiện xã hội hóa công tác đăng kiểm thì phải có cơ chế nào để hài hòa lợi ích - trách nhiệm của chủ đầu tư bởi rất có thể các trung tâm này sẽ chạy theo lợi nhuận. Khi đó, các phương tiện không đủ tiêu chuẩn, điều kiện nhưng vẫn được “cho qua” và tham gia lưu thông trên đường sẽ tiềm ẩn hiểm họa khôn lường.

Bất kể ngành, lĩnh vực nào trong xã hội liên quan trực tiếp đến đời sống, tới con người cũng đều có “bóng dáng” tiêu cực. Vấn đề là ít hay nhiều, lớn hay bé và phát hiện ra vào thời điểm nào.

Do đó, điều quan trọng là ý thức trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ và trong rà soát, phát hiện, khắc phục những sơ hở, bất cập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ