Không xét tuyển sớm sẽ bảo đảm công bằng trong tuyển sinh đại học

GD&TĐ - Thông tin từ mùa tuyển sinh 2023 sẽ không xét tuyển đại học sớm với mọi phương thức thu hút sự quan tâm của nhiều học sinh, phụ huynh.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bất cập của xét tuyển sớm

Báo cáo tại giao ban quý IV về tuyển sinh và đào tạo năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đang xem xét không thực hiện xét tuyển đại học sớm trong mùa tuyển sinh năm 2023, trừ một số trường hợp đặc thù. Tất cả phương thức xét tuyển đại học, bao gồm cả xét từ kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ được thực hiện cùng một đợt.

Năm 2022, ngoài phương thức xét từ điểm thi tốt nghiệp, các trường đại học được chủ động thời gian khi xét tuyển theo các phương thức khác. Các trường có thể tổ chức xét tuyển sớm, công bố danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển, nhưng không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch chung của Bộ.

Xét tuyển sớm là áp dụng các phương thức tuyển sinh không sử dụng điểm thi của thí sinh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ví dụ như: Xét học bạ, điểm thí sinh tại kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ quốc tế, và các hình thức ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng. Khi thí sinh nộp hồ sơ theo hình thức xét tuyển sớm, nếu đủ điều kiện và nhận được thông báo kết quả đã trúng tuyển thì được gọi là trúng tuyển sớm.

Dưới góc độ của một phụ huynh học sinh, chị Nguyễn Hoài Thương ở quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết: Việc xét tuyển sớm gây mất công bằng cho thí sinh, khó lựa chọn được thí sinh có chất lượng tốt nhất. Xét tuyển sớm khiến thí sinh phải nộp hồ sơ vào nhiều trường, qua nhiều thủ tục trong khi vẫn phải thực hiện các thao tác trên hệ thống xét tuyển chung, từ đó gây ra sự nhiễu loạn thông tin, dẫn đến những sai sót, nhầm lẫn của thí sinh.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong 18 phương thức xét tuyển được áp dụng trong kỳ tuyển sinh năm 2022 thì chỉ 4 phương thức có sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT (gồm: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế; Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với kết quả học tập cấp THPT; Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với điểm thi năng khiếu). Như vậy, với 14 phương thức còn lại, thí sinh đều có thể nộp hồ sơ xét tuyển sớm.

Ông Trần Vũ Phương - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Tân Trào nhận định: Bỏ hình thức xét tuyển sớm cũng tránh được trường hợp xuất hiện nhiều thí sinh ảo. Cụ thể, một trường xét tuyển sớm với chỉ tiêu là 200 trong tổng số 300 chỉ tiêu toàn trường. Đến khi nhập học, số chỉ tiêu xét tuyển sớm nhập học chỉ có 100. Như vậy, trường sẽ rơi vào trạng thái tuyển sinh không đủ chỉ tiêu.

Không chỉ gây bất cập cho một số nhà trường, việc xét tuyển sớm cũng mang đến nhiều phiền lụy cho học sinh và thầy cô giáo. Nhiều học sinh trúng tuyển sớm đã không còn tập trung vào việc học, ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của em cũng như nhiều bạn trong lớp, trong khối.

Nguyễn Hồng Hạnh, sinh viên Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nhớ lại: Khoảng tháng 2/2022, khi em và nhiều bạn khác rất tập trung học để ôn thi tốt nghiệp THPT thì trong lớp có vài bạn học rất lớt phớt, đến lớp chủ yếu ngồi chơi và làm việc riêng do đã sớm được xét tuyển. Việc này đã gây ảnh hưởng đến các bạn học sinh khác trong lớp cũng như các thầy cô giáo.

Chương trình tư vấn tuyển sinh đại học năm 2022 cho học sinh THPT.

Chương trình tư vấn tuyển sinh đại học năm 2022 cho học sinh THPT.

Đảm bảo công bằng cho thí sinh

Bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) thông tin, dự kiến công tác tuyển sinh năm 2023 cơ bản giữ ổn định như năm 2022. Bộ GD&ĐT sẽ nâng cấp hệ thống tuyển sinh chung, tăng cường các giải pháp kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho thí sinh, giảm tối đa các sai sót, nhầm lẫn trong quá trình nhập dữ liệu.

Bộ cũng đang chỉ đạo, hướng dẫn các trường rà soát các phương thức xét tuyển, loại bỏ các phương thức không phù hợp, gây khó khăn hoặc khiến thí sinh dễ nhầm lẫn. Theo phương án dự kiến, tất cả các phương thức xét tuyển sẽ được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Khi được hỏi về phương án này, em Trần Hồng Ngọc, học sinh Trường THPT Trần Phú (Hà Nội) bày tỏ: Theo chia sẻ của các anh chị khóa trước, việc xét tuyển sớm yêu cầu thí sinh phải nộp hồ sơ vào nhiều trường ngay từ khi hết học kỳ I, với khá nhiều thủ tục... Em mong tất cả các phương thức xét tuyển được triển khai cùng một đợt để tránh nhầm lẫn, chúng em cũng có thêm thời gian ôn luyện, cập nhật, tìm hiểu kỹ hơn các quy định về thi, tuyển sinh.

Còn thầy Nguyễn Văn Hùng, giáo viên Trường THPT Hoài Đức cho biết: Tôi ủng hộ việc không xét tuyển đại học sớm với mọi phương thức. Năm trước, trong các giờ học ôn thi, tôi thường mất nhiều thời gian dừng lại nhắc nhở các học sinh đã đỗ đại học bằng hình thức xét tuyển sớm không học thì trật tự để các bạn khác học. Việc bỏ xét tuyển sớm ít nhất sẽ làm giảm thiểu tình trạng mất tập trung của học sinh trước khi kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc.

Còn GS.TS Nguyễn Hữu Tú- Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội đề xuất, các trường THPT cần tăng cường công tác hướng dẫn, hỗ trợ, giúp thí sinh hiểu đầy đủ, đúng các quy định liên quan, nhất là các yêu cầu về công nghệ, tránh các sai sót đáng tiếc. Đề thi tốt nghiệp THPT cũng cần bảo đảm độ phân hóa tốt hơn, nhằm hỗ trợ cho công tác xét tuyển đại học.

Bộ GD&ĐT cũng đề nghị, các cơ sở giáo dục đại học sớm hoàn thiện, công bố các phương thức tuyển sinh; lưu ý xem xét, điều chỉnh các phương thức tuyển sinh ít hiệu quả, tạo thuận lợi hơn cho thí sinh. Các trường cần sớm nghiên cứu, có định hướng và thông tin sớm về phương án tuyển sinh cho năm 2025 trở đi - khi thí sinh đang học lớp 10 Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tốt nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ