Công tác tuyển sinh năm 2023 sẽ cơ bản giữ ổn định như năm 2022

GD&TĐ - Sáng 30/11, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì họp giao ban quý IV về công tác tuyển sinh và đào tạo khối đại học và CĐ sư phạm.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì họp giao ban quý IV về công tác tuyển sinh và đào tạo khối đại học và cao đẳng sư phạm.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì họp giao ban quý IV về công tác tuyển sinh và đào tạo khối đại học và cao đẳng sư phạm.

Nhiều kết quả tích cực

"Nhìn tổng thể, có thể coi hệ thống tuyển sinh năm nay là một ví dụ tiêu biểu, đột phá cho chuyển đổi số trong ngành, tiên phong thực hiện chủ trương của Đảng, của Quốc hội và Chính phủ".

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy.

Báo cáo tại buổi họp giao ban, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) thông tin, công tác tuyển sinh năm 2022 cơ bản được giữ ổn định như năm 2021 và các năm gần đây. Có một số điều chỉnh kỹ thuật, trong đó có việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyển sinh nhằm tạo thuận lợi, bảo đảm quyền lợi, sự công bằng cho thí sinh và các cơ sở đào tạo (CSĐT).

Đặc biệt, toàn bộ quy trình đăng ký dự tuyển, thanh toán lệ phí, tổ chức xét tuyển và xử lý nguyện vọng, xác nhận nhập học được thực hiện trực tuyến trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung.

Thí sinh được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường khác nhau, sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT và đã biết ngưỡng điểm xét tuyển do các CSĐT công bố. Tất cả nguyện vọng của thí sinh trong đợt xét tuyển chính (đợt 1) được xử lý tập trung trên hệ thống để xác định ngành và trường mà thí sinh trúng tuyển theo nguyện vọng ưu tiên cao nhất.

Thí sinh được hưởng lợi nhiều nhất trong việc thực hiện thuận tiện các thủ tục trên hệ thống trực tuyến, đồng thời được bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao nhất vào ngành, trường theo nguyện vọng và năng lực.

Các CSĐT có dữ liệu về kết quả thi tốt nghiệp THPT, kết quả học tập bậc THPT và thông tin về ưu tiên khu vực, đối tượng của thí sinh trên Hệ thống để xét tuyển

Các CSĐT được cạnh tranh bình đẳng và minh bạch để lựa chọn thí sinh phù hợp nhất. Tỉ lệ thí sinh ảo giảm mạnh, các CSĐT tuyển được số lượng sát hơn với chỉ tiêu đã công bố.

Bộ GD&ĐT có dữ liệu đầy đủ, kịp thời và tin cậy về tuyển sinh của tất cả CSĐT phục vụ nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước, đồng thời hỗ trợ các CSĐT điều chỉnh chiến lược và phương thức tuyển sinh.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy báo cáo tại cuộc họp.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy báo cáo tại cuộc họp.

Lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn lưu ý, với phương thức tuyển sinh nào ít hiệu quả, các trường có thể xem xét, tinh giảm, điều chỉnh trong năm 2023. Làm thế nào để đơn giản hóa cho thí sinh; thậm chí có thể tính đến phương án thí sinh không cần phải lựa chọn phương thức trên hệ thống phần mềm.

Tại cuộc họp, đại diện các CSĐT ghi nhận và đánh giá cao công tác tuyển sinh năm 2022, đảm bảo an toàn, công khai minh bạch, đúng quy chế.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch – Trưởng ban Quản lý đào tạo, Học viện Tài chính nhìn nhận, năm 2022, Bộ GD&ĐT đã chủ động xây dựng hệ thống hướng dẫn tuyển sinh đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho các CSĐT và thí sinh.

Điểm nhấn trong công tác tuyển sinh năm nay là Bộ đã tổ chức lọc ảo chung tất cả các phương thức xét tuyển. Điều này đã góp phần tạo nên thành công trong mùa tuyển sinh năm nay. Nhờ quy định này, tỷ lệ ảo của CSĐT đã giảm. “Trước kia, tỷ lệ ảo có thể lên đến 30% nhưng năm 2022, tỷ lệ này chỉ còn 5 - 6%” - PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch viện dẫn.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch cũng đề xuất, Bộ GD&ĐT sớm ban hành Quy chế tuyển sinh năm 2023 để các cơ sở giáo dục đại học có cơ sở ban hành quy chế.

Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Hữu Tú – Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho rằng, qua một số sai sót của thí sinh trong năm 2022, cần tăng cường hướng dẫn, giám sát dữ liệu của các Sở GD&ĐT, trường THPT. Đồng thời hướng dẫn thí sinh về quy tắc tuyển sinh để tránh những sai sót đáng tiếc.

GS.TS Nguyễn Hữu Tú đề xuất, lịch trình tuyển sinh năm 2023 trở lại như trước (trước thời điểm xảy ra Covid-19). Qua đó, tạo thuận lợi cho các trường trong công tác đào tạo.

Tại cuộc họp, Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy cho hay, dự kiến công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo sẽ cơ bản giữ ổn định như năm 2022. Đồng thời tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các CSĐT và hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá trình xét tuyển.

Cơ sở giáo dục đại học hoàn thiện Đề án tuyển sinh năm 2023. Lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh. Đồng thời, định hướng công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn ghi nhận sự phối hợp của các CSĐT trong công tác tuyển sinh năm 2022, góp phần tạo nên thành công. Căn cứ kết quả tuyển sinh năm nay, các trường cần rà soát, đánh giá lại hiệu quả phương thức tuyển sinh. Trên cơ sở đó, triển khai trong năm tới đạt hiệu quả hơn. Bộ sẽ làm việc với một số trường có dấu hiệu không bình thường về tuyển sinh.

Về những khó khăn, vướng mắc mà các CSĐT có đề cập, Thứ trưởng nhấn mạnh, Bộ sẽ tiếp thu và từng bước hoàn thiện. Từ đó, tháo gỡ khó khăn cho các trường với những giải pháp khả thi.

Hiện, chúng ta đang trong xu thế tự chủ nhưng tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình. Bộ đề nghị các trường nghiêm túc thực hiện việc này. Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý dựa trên cơ sở dữ liệu. Các trường cũng cần triển khai việc này.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, kết thúc tuyển sinh đợt 1, số liệu thí sinh trúng tuyển và nhập học đã thể hiện kết quả rất khả quan. Thống kê riêng khối đại học cho thấy: Trong số 564.735 thí sinh trúng tuyển đã có 463.123 nhập học, bằng 90% số nhập học của cả năm 2021 và vượt số lượng của cả năm 2020. Trong số 224 CSĐT đầu mối, 149 CSĐT (66,5%) có tỉ lệ nhập học tính trên số trúng tuyển đạt trên 80% và chiếm 76,6% tổng số nhập học của toàn quốc. Tổng số thí sinh nhập học toàn quốc đã đạt xấp xỉ 80% tổng chỉ tiêu, trong đó 113 CSĐT (50,4%) đã tuyển được trên 80% chỉ tiêu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT

Đến với bài thơ hay: Ngọt ngào tình mẹ

GD&TĐ - Tôi thực sự ấn tượng với bài thơ “Trong lời mẹ hát” của Trương Nam Hương, như một bản nhạc du dương, êm dịu về tình mẫu tử thiêng liêng.

Ảnh minh họa.

Đến với bài thơ hay: Yêu con

GD&TĐ - Bài thơ mở ra với cụm từ 'yêu con' giản dị nhưng sâu sắc, tựa trời cao, biển rộng, như tình yêu không bờ bến.