Tuyển sinh năm 2023: 'Trọng dụng' kỳ thi đánh giá năng lực

GD&TĐ - Kỳ tuyển sinh đại học năm 2023, nhiều cơ sở GD đại học đã cung cấp thông tin về việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy...

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM năm 2022. Ảnh: INT
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM năm 2022. Ảnh: INT

Hình thức tuyển sinh này nhằm tuyển được những thí sinh phù hợp.

Nhiều điểm mới

PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội - cho hay: Năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy hai đợt chính vào tháng 5 và 6. Ngoài 2 đợt này, thí sinh có thể tham gia thi đợt 3 vào tháng 7/2023. Bài thi đánh giá tư duy 2023 được tổ chức trên máy tính. Thí sinh thi trong một buổi thay vì cả ngày và thi trên giấy như các năm trước. ĐH Bách khoa Hà Nội kỳ vọng có thể đáp ứng hơn 10.000 thí sinh tại mỗi đợt thi đánh giá tư duy.

Trước đây, kỳ thi đánh giá tư duy được thiết kế riêng cho ĐH Bách khoa và một số trường kỹ thuật. Năm nay, ĐH Bách khoa sẽ có một số điều chỉnh về cấu trúc và nội dung nhằm mở rộng khả năng sử dụng kết quả bài thi này cho các trường ngoài khối kỹ thuật, công nghệ, chẳng hạn như: Ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp và y dược...

Theo đó, bài thi sẽ có ba phần: Toán học, đọc hiểu và giải quyết vấn đề. Thí sinh làm bài trong 150 phút trên máy tính với thang điểm tối đa 100. Các câu hỏi được thiết kế theo ba mức độ tư duy: Tái hiện, suy luận và bậc cao. Bài thi không bỏ hoàn toàn phần tự luận.

Thay vào đó, các câu hỏi sẽ được thiết kế theo 4 hình thức: Chọn đáp án, trả lời đúng - sai, kéo thả và điền vào chỗ trống. Với hình thức này, thí sinh phải có tư duy lập luận và năng lực trình bày tự luận mới có thể làm trọn vẹn bài thi và đạt điểm cao. Việc đổi mới đề thi sẽ giúp quá trình chấm điểm nhanh hơn, đồng thời tiệm cận với các kỳ thi quốc tế như SAT, ACT...

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, bài thi đánh giá tư duy không nặng về việc đánh giá các kiến thức môn học như: Toán, Lý, Hóa. Để đạt kết quả cao, bắt buộc học sinh phải học thật và cần có tư duy; tránh tình trạng học mẹo, học vẹt. Theo dự kiến, trong tháng 1, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ công bố bộ ví dụ minh họa về câu hỏi thi. Tháng 2 sẽ triển khai để học sinh thi thử nghiệm bộ câu hỏi thi. Tháng 3 sẽ công bố đề thi mẫu để thí sinh làm quen và đăng ký thi thử. Tháng 4/2023 sẽ tổ chức thi thử online và đăng ký dự thi.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 của ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: TG

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 của ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: TG

Phù hợp với đổi mới

Từ năm 2023 trở đi, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực độc lập để xét tuyển đại học. TS Trần Bá Trình – Phó Trưởng phòng Đào tạo – cho biết, điểm mới của kỳ thi năm nay là, thí sinh có thể sử dụng kết quả của kỳ thi để đăng ký xét tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học khác (nếu cơ sở đào tạo đó sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển). Năm ngoái, kỳ thi này được Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức với tính chất “nội bộ”, giống như phương thức xét tuyển riêng của trường.

TS Trần Bá Trình thông tin, đề thi bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận, nhằm đánh giá năng lực học sinh ở mức độ thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao để xét tuyển đại học. Các câu hỏi có nội dung thuộc chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, được giảng dạy ở trường THPT theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Thí sinh có thể lựa chọn dự thi một số môn thi và sử dụng kết quả thi để đăng kí xét tuyển vào các ngành đào tạo đại học hệ chính quy. Các môn thi gồm: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí. Kỳ thi được Trường ĐH Sư phạm Hà Nội dự kiến tổ chức 1 hoặc 2 đợt hàng năm vào cuối tháng 4 và tháng 5.

Nhấn mạnh sự cần thiết tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - phân tích, từ năm 2020, Bộ GD&ĐT tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục đích công nhận tốt nghiệp là chủ yếu. Các cơ sở giáo dục đại học bắt đầu tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học nhằm đánh giá năng lực học sinh, lấy kết quả thi để xét tuyển đại học. Chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của các trường đại học tăng dần và chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT giảm dần.

Thí sinh chờ vào phòng thi kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội – năm 2022. Ảnh: NTCC

Thí sinh chờ vào phòng thi kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội – năm 2022. Ảnh: NTCC

Theo lộ trình, các cơ sở giáo dục đại học cần xây dựng và công bố kịp thời định hướng, phương hướng cho công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình GDPT 2018. Các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 cần phù hợp với yêu cầu, nội dung, cấu trúc của Chương trình GDPT 2018.

“Từ thực tiễn nêu trên, việc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội xây dựng và tổ chức kỳ thi độc lập đánh giá năng lực xét tuyển đại học hệ chính quy là cần thiết và có tính cấp thiết cao. Qua đó, góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tuyển sinh đại học trong cả nước” - PGS.TS Nguyễn Đức Sơn nhấn mạnh.

Theo kế hoạch, năm 2023, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt. ThS Nguyễn Ngọc Trung – Phó Hiệu trưởng nhà trường - thông tin, dự kiến kỳ thi sẽ được tổ chức nhiều đợt trong năm, giúp thí sinh có nhiều cơ hội để dự thi và xét tuyển theo ngành học mà mình yêu thích và có thế mạnh.

Hiện nay, một số trường đại học tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực theo hình thức 1 bài thi đánh giá năng lực chung. Trong khi đó, đối với một số ngành học của Trường ĐH Sư phạm Thành Phố Hồ Chí Minh cũng như một số trường đại học khác, thí sinh cần có những năng lực chuyên biệt cụ thể, phù hợp với tính chất của ngành học. Chẳng hạn, thí sinh dự thi vào ngành Sư phạm Toán học thì cần được đánh giá năng lực Toán học để khẳng định mức độ phù hợp với ngành học cũng như khả năng tiếp thu các kiến thức ngành trong quá trình học tập ở bậc đại học.

Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ đóng vai trò quan trọng trong bức tranh tuyển sinh hiện nay ở Việt Nam. Đặc biệt, theo định hướng hiện nay, khi mà Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ dần chỉ tập trung vào mục tiêu xét tốt nghiệp THPT thì kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ giúp các trường có đủ dữ liệu để sử dụng cho công tác tuyển sinh của mình.

Năm 2022 công tác tuyển sinh đại học có nhiều cải tiến về kĩ thuật. Yêu cầu đặt ra đối với các trường đại học trong kỳ tuyển sinh năm 2023 là, hoàn thiện đề án tuyển sinh, trong đó đặc biệt lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh đưa ra những phương thức tuyển sinh phức tạp, gây khó khăn cho thí sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.