Chọn sách giáo khoa cho Chương trình mới: Kết hợp nhiều "góc nhìn"

GD&TĐ - Triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới với lớp 3, lớp 7 và lớp 10, ngành Giáo dục Ninh Bình xác định bảo đảm cơ sở vật chất là một trong những điều kiện tiên quyết làm nên hiệu quả, thành công.

Trường Tiểu học Gia Vân (Gia Viễn, Ninh Bình) ứng dụng thiết bị công nghệ thông tin vào dạy học. Ảnh: Đức Trí
Trường Tiểu học Gia Vân (Gia Viễn, Ninh Bình) ứng dụng thiết bị công nghệ thông tin vào dạy học. Ảnh: Đức Trí

Theo ông Phan Thành Công - Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình, ngành đã nỗ lực chuẩn bị để tạo điều kiện tốt nhất cho thầy - trò.

Tăng cường đầu tư

- Là một trong những địa phương có sự đầu tư giáo dục cao, việc chuẩn bị cơ sở vật chất triển khai lớp 3, lớp 7 và lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới tại Ninh Bình được tiến hành ra sao, thưa ông?

- Về cơ sở vật chất nói chung của toàn ngành Giáo dục Ninh Bình cơ bản bảo đảm tốt, đáp ứng được yêu cầu dạy và học. Điều đó thể hiện ở tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia (trên 97%). Còn một số địa bàn khó khăn nhưng với lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia đã đặt ra thì cơ sở vật chất trường lớp sẽ được giải quyết thời gian tới.

Riêng cấp THPT, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia so với các cấp học khác thấp hơn (khoảng 70%) nhưng tỉnh đã ban hành kế hoạch đầu tư công và được bố trí vốn… do đó tỷ lệ này sớm được nâng cao.

Trong việc duy tu, bảo dưỡng sửa chữa trường lớp học, năm 2022, UBND huyện, thành phố sẽ căn cứ vào nguồn kinh phí cho hoạt động này được giao tại Nghị quyết số 112 của HĐND tỉnh để triển khai nhằm đáp ứng yêu cầu giáo dục. Trong đó, ưu tiên đầu tư kinh phí cho duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình vệ sinh, bếp ăn bán trú.

Tỉnh cũng tiếp tục quan tâm dành kinh phí từ nguồn vốn ngân sách địa phương, thực hiện lồng ghép có hiệu quả với các chương trình, dự án khác cùng với nguồn huy động xã hội hóa để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất trường học. Đặc biệt ưu tiên giải quyết vấn đề thiếu phòng học, quá tải số lớp/trường, học sinh/lớp; xây dựng kiên cố hóa trường lớp học; xây dựng, duy trì và nâng cao chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học.

Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn thực hiện công khai, minh bạch việc bố trí, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí, tài sản hình thành từ nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa trường lớp học theo quy định.

Với tiến độ và sự nỗ lực trong công tác chuẩn bị cơ sở vật chất như hiện nay, ngay đầu năm học mới cơ sở vật chất đã bảo đảm, đáp ứng tốt cho việc triển khai Chương trình GDPT mới, đặc biệt với lớp 3, lớp 7 và lớp 10.

Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình – ông Phan Thành Công - phát biểu giới thiệu về Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia. Ảnh: Sở GD&ĐT cung cấp
Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình – ông Phan Thành Công - phát biểu giới thiệu về Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia. Ảnh: Sở GD&ĐT cung cấp

- Tiến độ lựa chọn sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 tại Ninh Bình đến đâu và quy trình làm việc có gì mới để tìm ra những bộ sách phù hợp nhất?

- Cũng như những năm trước, việc lựa chọn sách giáo khoa theo Chương trình GDPT mới diễn ra theo đúng các thông tư hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Quy định tiêu chí chung và riêng cho từng cấp học do UBND tỉnh ban hành. Bám theo các thông tư, quy định đó, tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên đã nghiên cứu và đưa ra đánh giá nhận xét, đề xuất lên Hội đồng (cấp sở GD&ĐT).

Những lựa chọn, tổng hợp từ cơ sở lên Hội đồng sẽ tiếp tục được thảo luận làm rõ, nêu bật vấn đề, tạo sự thống nhất trong cách thức nhìn nhận, đánh giá cái chung, riêng của từng bộ sách... chứ không đề xuất ngay. Điều đó sẽ giúp cho những bộ sách được đánh giá phù hợp khi đề xuất lên UBND tỉnh phê duyệt bảo đảm đúng tiêu chí và khách quan nhất.

Để việc lựa chọn các bộ sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 có sự cân đối hài hòa, thống nhất từ cơ sở đến Hội đồng và quyết định cuối cùng là UBND tỉnh, sở đã yêu cầu các cơ sở giáo dục tiến hành nghiêm túc khâu chọn lựa. Bởi đây được xem như kênh thông tin quan trọng bảo đảm tính phù hợp theo địa bàn, vùng miền, học sinh, giáo viên. Kết hợp với “góc nhìn” sâu sắc, toàn diện của Hội đồng (đầy đủ thành phần theo quy định) thì việc lựa chọn, đề xuất sẽ bảo đảm.

Thời điểm hiện tại, việc chọn SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 của tỉnh Ninh Bình đã xong vòng Hội đồng, tổng hợp xong và trình lên UBND tỉnh phê duyệt danh mục sách giáo khoa áp dụng trên địa bàn. Qua số liệu tổng hợp vòng Hội đồng cho thấy, về cơ bản quan điểm đề xuất giữa cơ sở và Hội đồng trùng nhau. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để các cơ sở giáo dục có được những bộ sách giáo khoa phù hợp nhất đưa vào giảng dạy.

Trường Tiểu học Ninh Thắng (Hoa Lư, Ninh Bình). Ảnh: Đức Trí
Trường Tiểu học Ninh Thắng (Hoa Lư, Ninh Bình). Ảnh: Đức Trí

Tránh lãng phí

- Nội dung được quan tâm nhiều trong quá trình triển khai Chương trình GDPT mới là thiết bị dạy học được “đến trường, ra lớp”, việc mua sắm không lãng phí... Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục về vấn đề này ra sao?

- Trong việc mua sắm, trang bị thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ Chương trình GDPT 2018, sở chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn cơ sở giáo dục các cấp căn cứ theo danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 37, 38, 39 của Bộ GD&ĐT tổ chức rà soát thực trạng thiết bị dạy học tối thiểu hiện có tại đơn vị để xác định danh mục, số lượng, chủng loại thiết bị cần mua sắm đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình, sách giáo khoa GDPT mới.

Việc rà soát, xác định nhu cầu thiết bị mua sắm cần căn cứ quy mô số lớp, số học sinh, nhu cầu sử dụng thực tế, thực trạng thiết bị dạy học hiện có tại đơn vị. Bên cạnh đó là điều kiện về cơ sở vật chất để lắp đặt, bảo quản và khai thác sử dụng thiết bị, đáp ứng yêu cầu dạy học, nguyên tắc hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí.

Riêng các cơ sở giáo dục tiểu học và THCS đã được cấp hoặc mua sắm thiết bị tối thiểu lớp 1, lớp 2 và lớp 6 trong các năm trước theo quy định thì những thiết bị đã được cấp hoặc mua sắm là thiết bị đã có, không tính vào nhu cầu mua mới.

Việc mua sắm trang thiết bị được triển khai trên tinh thần cái nào còn dùng được sẽ tiếp tục tận dụng. Nội dung nào còn thiếu mới bổ sung thêm. Phải đối chiếu lại danh mục tiêu chuẩn, số lượng, định mức… để đề xuất chứ không áp đặt chung chung. Như vậy, thiết bị mua sắm của các nhà trường sẽ không thể giống nhau hoàn toàn mà căn cứ vào tình hình thực tiễn.

Sở cũng yêu cầu, đầu tư đi đôi với hiệu quả. Do đó sẽ nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong cơ sở giáo dục (hiệu trưởng); phát huy các giải pháp sử dụng thiết bị phù hợp, tiết kiệm từ tổ nhóm chuyên môn; có kế hoạch theo dõi sử dụng trang thiết bị...

Sở GD&ĐT cũng sẽ quan tâm nhiều hơn đến đội ngũ nhân viên thiết bị. Tổ chức các đoàn thanh tra chuyên đề về việc bảo quản, sử dụng thiết bị dạy học đối với các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý để nâng cao hiệu quả sử dụng máy móc, thiết bị đã được đầu tư, mua sắm…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.