Tư vấn tâm lý học đường:

Không thể trăm trẻ như một

GD&TĐ - Mỗi học sinh một tính cách, đối diện với nguy cơ về tâm lý khác nhau, chưa kể văn hóa gia đình, vùng miền...

Giáo viên tâm lý Trường THPT Nguyễn Hiền tư vấn sâu cho học sinh.
Giáo viên tâm lý Trường THPT Nguyễn Hiền tư vấn sâu cho học sinh.

Do đó, giáo viên cần được trang bị kiến thức về trí tuệ cảm xúc để hỗ trợ học sinh tốt hơn.

Mỗi cây mỗi hoa

Sau nhiều lần khuyên nhủ, động viên tại góc tư vấn tâm lý của nhà trường nhưng không có kết quả, Ban giám hiệu Trường THCS Đặng Thai Mai (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) quyết định chuyển học sinh nữ sang học cùng lớp với một học sinh nam mà em đang “cảm nắng”. Vốn là nữ sinh tài năng của trường, nhưng khi thích một nam sinh “chưa ngoan”, kết quả học tập của em sa sút rõ. Gia đình càng ngăn cấm, càng phản tác dụng trong khi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ngày càng cận kề.

Chỉ sau chưa đầy 2 tuần học chung lớp, học sinh nữ chủ động xin cô hiệu trưởng chuyển về lớp cũ và chấm dứt quan hệ tình cảm với bạn nam. “Học chung lớp, em mới thấy bạn rất lười học và hay kiếm chuyện để gây sự với bạn bè. Bạn ấy không phải là soái ca như em nghĩ”, nữ sinh chia sẻ.

Chủ động “chia tay”, học sinh nữ tập trung học hành, thi đỗ vào trường THPT công lập và có nhiều thành tích nổi bật trong học tập. Bạn nam vì “tự ái” nên cũng có nhiều tiến bộ trong học tập.

Cô Nguyễn Thị Trà Mân – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Bá Chánh (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) đến giờ vẫn nhớ trường hợp em C. Dù là học sinh năm cuối cấp nhưng gần như buổi học nào em cũng ngủ gục hoặc mệt mỏi. “Tìm hiểu lý do, em giải thích là do đi làm thêm để phụ giúp kinh tế cho mẹ nên thiếu ngủ. Nhưng thực tế, khi chúng tôi trao đổi với phụ huynh, mẹ em cho biết chỉ thỉnh thoảng em mới ghé trang trại của người bà con để phụ giúp và gia đình cũng không quá áp lực về kinh tế.

“Không để tình trạng này kéo dài, một mặt, các thầy cô phụ trách Câu lạc bộ Người bạn đồng hành của nhà trường tìm cách khơi gợi để em tâm sự, mặt khác, với học lực khá tốt, C được chọn đi dự thi học sinh sáng tạo Khoa học kỹ thuật. Dù chỉ đạt giải Nhì ở cuộc thi cấp trường nhưng chính thời gian mày mò sáng tạo sản phẩm dự thi đã giúp em lấy lại được tinh thần để tập trung học tập”, cô Trà Mân kể.

Lớp học kỹ năng sống miễn phí do Trường THCS Nguyễn Huệ tổ chức.

Lớp học kỹ năng sống miễn phí do Trường THCS Nguyễn Huệ tổ chức.

Trang bị kỹ năng tự giải quyết vấn đề

Chỉ một số trường học ở Đà Nẵng có vị trí giáo viên tâm lý. Để “lấp đầy” vị trí này trong điều kiện rất khó tuyển dụng, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã phối hợp với Bệnh viện tâm thần bồi dưỡng cho giáo viên tâm lý và một số giáo viên bộ môn, cán bộ quản lý về phương pháp tham vấn học đường. Ngoài ra, sở cũng tập huấn chương trình “Kỹ năng quản lý cảm xúc người dạy” cho giáo viên. Từ các lớp tập huấn này, thầy cô giáo được trang bị kiến thức, kỹ năng về trí tuệ cảm xúc để hỗ trợ học sinh tốt hơn.

Cô Nguyễn Thị Thảo Sương – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chia sẻ: “Tham gia khóa học, chúng tôi thấy rằng, lâu nay, mình tiến hành tham vấn tâm lý cho học sinh không đúng phương pháp, dẫn đến hiệu quả thấp, đôi khi còn tác dụng ngược”.

Cô Sương so sánh, thường thì trước những khó khăn của học sinh, lâu nay, mình cứ đưa ra lời khuyên em nên thế này, em nên thế kia. Thế nhưng, trong tham vấn tâm lý, rất tối kỵ đưa ra những câu hỏi đóng, những lời khuyên mang tính áp đặt mà phải gợi mở, phân tích để cho thân chủ, tức là học sinh quyết định hướng giải quyết.

Cô Sương dẫn chứng về trường hợp 2 học sinh của Trường THPT Phan Châu Trinh học cùng lớp thích nhau. Các em thể hiện tình cảm của mình ở mọi nơi như ôm ấp, hôn nhau, thậm chí cả trong lớp học. “Cô giáo chủ nhiệm và các bạn đã tìm nhiều cách để góp ý, nhưng 2 bạn này đưa ra lý lẽ là việc này không ảnh hưởng đến ai cả và vẫn cứ tiếp tục.

Giáo viên tâm lý đã tổ chức cho cả lớp, trong đó có sự tham gia của cả 2 em này về chủ đề tình yêu tuổi học trò với những tình huống để học sinh tự thảo luận. Hai học sinh này cũng tham gia đóng góp ý kiến rất nhiệt tình. Sau giờ học này, hai em tự điều chỉnh hành vi của mình, có sự thay đổi rất rõ rệt”, cô Sương cho biết.

Trường THPT Nguyễn Hiền (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) rất luận lợi trong hỗ trợ tư vấn tâm lý cho học sinh vì có giáo viên chuyên trách. “Giáo viên tâm lý không phải là giáo viên giảng dạy bộ môn nên các em rất thoải mái khi tiếp xúc, tâm sự. Các em có nhu cầu tham vấn rất nhiều vấn đề, từ những bất hòa trong mối quan hệ bạn bè, tình cảm, bất hòa với cô giáo, vấn đề giới…

Có những câu chuyện, tình huống vượt quá giới hạn hiểu biết của thầy cô giáo nên rất cần đến chuyên viên tâm lý được đào tạo bài bản”, cô Trần Thị Minh Huệ, Hiệu trưởng nhà trường nhận xét. Ngoài chương trình tham vấn, giáo viên tâm lý của Trường THPT Nguyễn Hiền cũng phối hợp với Đoàn trường tổ chức các chương trình mang tính phòng ngừa thông qua sinh hoạt chuyên đề về những vấn đề học sinh thường gặp.

Năm học 2020 – 2021, khối 12 của Trường THPT Nguyễn Hiền có 5 em khuyết tật học hòa nhập. Tổ tư vấn tâm lý của nhà trường đã có những buổi tư vấn chuyên sâu với từng học sinh. Theo cô Minh Huệ, điều quan trọng nhất là phải chuẩn bị tâm lý cho các em để không quá sốc với chặng đường sau khi tốt nghiệp THPT. Dựa trên tình hình sức khỏe, đặc điểm tâm lý cũng như nguyện vọng của từng học sinh, kết hợp tham vấn thêm từ phụ huynh, nhà trường đã tư vấn cho các em chọn những nghề phù hợp để sau này có nguồn thu nhập tự nuôi sống bản thân.

“Tâm lý, tình cảm và tư tưởng học sinh mỗi thời kỳ đều có sự chuyển biến khác nhau, ở mặt tích cực lẫn tiêu cực, đặc biệt là giai đoạn “nổi loạn” trong quá trình phát triển, hình thành nhân cách. Thế hệ học sinh hôm nay có sở thích, xu hướng tâm lý khác với thế hệ chúng ta. Sai lầm của một số không ít người lớn, trong đó có cha mẹ, thầy cô, các nhà quản lý giáo dục là vẫn nghĩ về các em như thời chúng ta còn thơ trẻ. Cả tin và nghi ngại đều là hai hướng không phù hợp với các em hôm nay. Đã không hiểu đúng, không “đồng hành” cùng các em thì làm sao giáo dục, cảm hóa được” – ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở GD&ĐT Đà Nẵng nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ