Khó vẫn hoàn khó tư vấn tâm lý học đường

GD&TĐ - Nhu cầu về tư vấn tâm lý của học sinh ngày càng lớn, đặc biệt từ sau đại dịch Covid-19. 

Tư vấn tâm lý tại Trường THCS Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội).
Tư vấn tâm lý tại Trường THCS Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội).

Đây cũng là vấn đề ngành Giáo dục quan tâm và ngay trước năm học mới, Bộ GD&ĐT đã ban hành một văn bản riêng nhằm tăng cường nội dung này. Tuy nhiên, thực tế triển khai tại các nhà trường vẫn còn nhiều khó khăn.

Hầu hết là kiêm nhiệm

Theo chia sẻ của thầy Hoàng Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên - Huế), hiện các trường THPT trên địa bàn tỉnh đều không có giáo viên chuyên trách về mảng tư vấn tâm lý mà phải bố trí kiêm nhiệm - thường là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, cán bộ y tế, cán bộ đoàn - nên hiệu quả chưa cao. Đội ngũ này chỉ được tiếp thu kiến thức tư vấn, định hướng từ các đợt tập huấn ngắn hạn, chưa bài bản, thiếu kiến thức chuyên sâu. Bên cạnh đó, tài liệu, phương tiện tuyên truyền đến học sinh chưa nhiều, không đa dạng.

Bộ GD&ĐT trong Văn bản số số 4252 về tăng cường triển khai công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông mới ban hành cũng nêu khó khăn phổ biến ở cơ sở giáo dục: Chưa có biên chế nhân sự chuyên trách phụ trách công tác tư vấn tâm lý học đường; năng lực của một số cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm còn hạn chế; nguồn lực cho hoạt động phòng ngừa, hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh chưa được đầu tư. Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở giáo dục còn chưa được thường xuyên...

“Khắc phục khó khăn trên, hằng năm nhà trường mời các diễn giả, cán bộ, giảng viên có kinh nghiệm từ các trường đại học về tư vấn, định hướng, nói chuyện với cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh về vấn đề tâm lý lứa tuổi, học cách làm người, định hướng tương lai nghề nghiệp… Song song công tác dạy học văn hoá, trường bố trí giáo viên tham gia tập huấn, hướng đến chuyên nghiệp hơn trong nhiệm vụ phân công” - thầy Hoàng Minh chia sẻ.

Chưa có chuyên trách mà phải sử dụng giáo viên kiêm nhiệm cũng là cách làm tại Trường THCS Gia Thụy (Long Biên, Hà Nội). Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Mỹ Linh nhắc đến điều này đầu tiên khi chia sẻ khó khăn gặp phải khi triển khai công tác tư vấn tâm lý cho học sinh. Vì kiêm nhiệm nên thầy cô không được đào tạo bài bản tâm lý học đường, mà phải qua bồi dưỡng, tự bồi dưỡng để bổ sung kiến thức. Điều kiện cơ sở vật chất cũng là một khó khăn. Nhà trường chưa đủ điều kiện để làm phòng tư vấn tâm lý theo đúng quy chuẩn.

Phụ huynh học sinh chưa thực sự quan tâm phối hợp với nhà trường trong vấn đề này. Học sinh cũng còn e ngại chia sẻ với thầy cô. “Trên thực tế, còn ít học trò gặp thầy cô để nhờ hỗ trợ, tư vấn tâm lý. Nhà trường có hòm thư “Điều em muốn nói” để học sinh có thể viết thư ngỏ, thầy cô tiếp nhận thông tin. Tuy nhiên, số lượng các em viết thư cũng không nhiều” - cô Nguyễn Thị Mỹ Linh cho biết.

Linh động gỡ khó

Để triển khai hoạt động, Trường THCS và THPT Vĩnh Lộc (An Phú, An Giang) đã xây dựng các chuyên đề về tư vấn tâm lý cho học sinh và bố trí thành bài giảng riêng hoặc lồng ghép trong tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ (nếu thực hiện tiết chào cờ ở sân trường bình thường). Đồng thời, tổ chức dạy tích hợp nội dung tư vấn tâm lý cho học sinh trong các môn học chính khóa và hoạt động trải nghiệm, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.

Theo cô Đỗ Thị Diễm Kiều, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Vĩnh Lộc (An Phú, An Giang), các kênh thông tin cũng được trường thiết lập nhằm cung cấp tài liệu, thường xuyên trao đổi với cha mẹ học sinh về diễn biến tâm lý và các vấn đề cần tư vấn, hỗ trợ trẻ.

Sinh hoạt chuyên đề Giáo dục giới tính cho học sinh khối 10, 11, 12 tại Trường THCS và THPT Vĩnh Lộc (An Phú, An Giang).

Sinh hoạt chuyên đề Giáo dục giới tính cho học sinh khối 10, 11, 12 tại Trường THCS và THPT Vĩnh Lộc (An Phú, An Giang).

Ngoài ra, trường bố trí một phòng để phục vụ cho công tác tư vấn. Hình thức tư vấn được thực hiện phong phú, như: Trực tiếp giữa cán bộ - cá nhân học sinh; gián tiếp thông qua hộp thư của trường, email, Zalo cá nhân của các thành viên tổ tư vấn; tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề giúp học sinh giải tỏa các khó khăn mang tính thời điểm hoặc phổ biến. Tổ tư vấn hoạt động thường xuyên (từ thứ 2 - thứ 7 hàng tuần). Các hoạt động, hình thức tư vấn sẽ được tổ chức xen kẽ tùy theo thời điểm, nhu cầu của học sinh.

“Trường THCS và THPT Vĩnh Lộc bố trí giáo viên có khả năng giải đáp, tư vấn, đưa ra những phân tích, lời khuyên thiết thực giúp các em giải toả về mặt tinh thần, cảm thấy vững vàng, tự tin và trên cơ sở đó có thể tự giải quyết được vấn đề của mình theo hướng tích cực.

Do chưa có giáo viên chuyên trách, các thành viên của tổ phải phối hợp cùng giáo viên chủ nhiệm, bộ môn để thực hiện công tác tư vấn cho học sinh. Nhà trường đồng thời phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan tổ chức hoạt động tư vấn tâm lý” - cô Đỗ Thị Diễm Kiều chia sẻ.

Tại Trường THCS Gia Thụy, dù khó khăn nhưng theo cô Nguyễn Thị Mỹ Linh, nhà trường vẫn sắp xếp được phòng tư vấn tâm lý. Đội ngũ kiêm nhiệm luôn trau đồi kiến thức, tự học hỏi để đáp ứng được yêu cầu công việc. Nhà trường cũng cố gắng làm tốt công tác truyền thông trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, giao ban, tổ chức hoạt động ngoại khóa để học sinh cởi mở hơn, sẵn lòng chia sẻ khi có khó khăn.

Ban Chỉ đạo về công tác tư vấn tâm lý của nhà trường được thành lập với thành phần gồm thầy cô trong Ban Giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm và các cán bộ, giáo viên, nhân viên phù hợp với công tác tư vấn tâm lý. Riêng kiêm nhiệm là một giáo viên dạy Giáo dục công dân, nhân viên y tế và Tổng phụ trách Đội.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, theo cô Nguyễn Thị Mỹ Linh, đây là người hiểu nhất, sát nhất với học sinh. Bất kỳ sự thay đổi nào của các em cũng được thầy cô chủ nhiệm nắm bắt kịp thời, trao đổi với phụ huynh và giải quyết ngay từ đơn vị lớp.

Mặc dù vậy, giải pháp về lâu dài, cô Nguyễn Thị Mỹ Linh mong muốn nhà trường được bố trí một thầy cô chuyên trách về công tác tư vấn tâm lý học đường; đồng thời cần thêm các lớp tập huấn, bồi dưỡng, chia sẻ nguồn tài liệu cho nhà trường để giúp thầy cô có nguồn tài liệu tham khảo, từ đó hiện công việc hiệu quả.

Có thể nói, nhà trường không có lực lượng chuyên trách. Các thầy giáo, cô giáo kiêm nhiệm công tác tư vấn học đường không được đào tạo bài bản và thiếu thời gian. Học sinh vẫn còn tâm lý ngần ngại khi đến phòng tham vấn có các thầy, cô là những người đang hàng ngày giảng dạy mình... đang là khó khăn chung của các nhà trường khi triển khai công tác tư vấn tâm lý học đường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.