Không thể thỏa hiệp với khủng bố

GD&TĐ - Mới đây, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines tuyên bố chính phủ, các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự không chấp thuận đề nghị đàm phán của thủ lĩnh lực lượng Hồi giáo cực đoan có quan hệ với IS để thả 150 con tin bị giam giữ tại Marawi. 

Hàng trăm con tin đang sống cảnh lầm than ở Marawi
Hàng trăm con tin đang sống cảnh lầm than ở Marawi

Động thái này cho thấy, Philippines quyết tâm thực hiện đến cùng chính sách “không thỏa hiệp” với khủng bố.

Con tin trong địa ngục trần gian

Hàng trăm dân thường bị giữ làm con tin bởi phiến quân Hồi giáo chiếm thành phố phía Nam Philippines bị ép buộc phải cầm súng chống lại quân chính phủ và làm nô lệ tình dục cho những tay súng phiến quân - theo thông tin của quân đội Philippines.

Theo lời kể lại của 7 cư dân thành phố Marawi trốn thoát hoặc được giải cứu, quân đội cho biết một số con tin đã buộc phải cải đạo sang đạo Hồi, vận chuyển những tay súng bị thương tới nhà thờ, kết hôn với phiến quân thuộc nhóm Maute trung thành với IS.

“Đây là những gì đang xảy ra bên trong Marawi, thật kinh hoàng khi người dân rơi vào tay những con quỷ độc ác” - phát ngôn viên quân đội nhấn mạnh.

Mặc dù sử dụng hỏa lực mạnh như máy bay ném bom nhưng sau gần 6 tuần giao tranh ác liệt, quân đội Philippines vẫn chưa giành lại được Marawi, khiến thành phố này rơi vào chết chóc. Xác người bị bỏ vương trên đường. Những thường dân còn sống rơi vào địa ngục.

Chính phủ Philippines lo lắng lực lượng tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã “dịch chuyển quân” sang phía Nam Philippines bởi thực lực của các nhóm Hồi giáo cực đoan khó có thể kiểm soát Marawi lâu như vậy.

“Nói không với đàm phán”

Trong bối cảnh giao tranh còn lâu mới chấm dứt, phiến quân đưa ra vấn đề đàm phán con tin và điều này đặt chính phủ Philippines vào tình thế lựa chọn khó khăn: Một là chấp nhận thoả hiệp để bảo toàn mạng sống con tin; hai là “nói không” với đàm phán và chấp nhận nguy cơ tổn thất sinh mạng con tin.

Lựa chọn thứ nhất là cách mà Qatar đã chọn khi chấp nhận trả 1 tỉ USD cho tổ chức khủng bố để giải thoát một số thành viên Hoàng gia hồi đầu tháng này. Lựa chọn này bị nhiều quốc gia lên án là hành vi tiếp tay, nuôi dưỡng khủng bố - và vì thế Qatar đã bị hàng loạt quốc gia láng giềng vùng Vịnh “từ mặt” với việc cắt đứt quan hệ ngoại giao.

Philippines với địa hình trải dài nhiều đảo, an ninh phân tán, sẵn mầm mống của các nhóm Hồi giáo cực đoan - đang được coi là cửa ngõ Đông Nam Á hứng chịu làn sóng “hội quân” IS khi mà tổ chức này đang bị đánh bật khỏi những thành trì khủng bố quan trọng tại Iraq và Syria. Vì vậy việc chấp nhận đàm phán với khủng bố sẽ tạo ra tiền lệ vô cùng nguy hiểm, thậm chí khuyến khích các nhóm khủng bố bắt giữ con tin trong thời gian tới.

Nhất quán với chính sách không đàm phán với các phần tử khủng bố, chính phủ Philippines gần đây đã khước từ thẳng thừng đề nghị của nhóm phiến quân Hồi giáo Abdullah Maute: phóng thích cha mẹ của thủ lĩnh nhóm này (bị bắt đầu tháng 6) đổi lấy tự do cho linh mục Công giáo Teresito “Chito” Soganub của Marawi.

Nhà chức trách tin rằng, linh mục Soganub và hơn 100 tín đồ khác đang bị phiến quân Matue giam giữ làm con tin và sử dụng làm lá chắn sống trong các cuộc không kích của quân chính phủ.

Đề nghị mới đây nhất đàm phán cho số phận của 150 con tin khác cũng vừa bị chính phủ Philippines bác bỏ.

Người phát ngôn của Tổng thống Philippines giải thích thêm rằng chính sách “nói không với đàm phán” nhằm nhắc nhở người dân rằng tội ác của những kẻ khủng bố và lực lượng ủng hộ chúng là rất nghiêm trọng và chúng phải chịu trách nhiệm với tất cả những hành động đã làm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ