Không thể chậm trễ

GD&TĐ - Một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng nhất trong năm 2023 là sửa Luật Đất đai.

Lấy ý kiến nhân dân là việc làm cần thiết nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tuy nhiên, phát biểu tại Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ sốt ruột vì việc này vẫn “im lìm”, trong khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải chủ động kéo dài thời gian đến 15/3, còn đề nghị của Chính phủ chỉ đến hết tháng 2/2023.

Sửa Luật Đất đai mà cũng vận hành như Luật Khám, chữa bệnh thì vất vả lắm vì luật này khó hơn nhiều - vậy nút thắt thể chế là gì, chính sách hiện nay sơ hở gì - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt câu hỏi.

Theo thống kê của Vụ Đất đai, Bộ TN&MT, tính đến ngày 7/2, mới chỉ có 3 bộ và 25 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch triển khai lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Bên cạnh đó, tiến độ triển khai lấy ý kiến nhân dân ở nhiều bộ, ngành, địa phương cũng còn rất chậm.

Cũng bởi vậy mà mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã phải ký Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo luật này.

Theo đó, để bảo đảm thực hiện tốt Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ, phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của toàn thể các tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương tổ chức lấy ý kiến đóng góp về dự thảo luật của cán bộ, công chức, viên chức, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đơn vị trực thuộc, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các doanh nghiệp trong phạm vi quản lý của bộ, ngành mình.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật đối với các đối tượng trên địa bàn, chú trọng đến các tầng lớp nhân dân, chính sách về đất đai có tính đặc trưng của vùng, miền.

Các địa phương chưa triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhân dân phải nghiêm túc kiểm điểm việc chậm ban hành kế hoạch, chậm tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Việc tổng hợp, xây dựng Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân gửi Bộ TN&MT phải theo đúng thời hạn trong Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ.

Tại cuộc làm việc của lãnh đạo Quốc hội với các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội để đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ trong tháng 1; soát xét các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 2 cũng như cả năm 2023 của Quốc hội diễn ra hồi đầu tháng này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề nghị các cơ quan bám sát tinh thần Nghị quyết số 671 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên tinh thần cố gắng ở mức độ cao nhất, hoàn thành và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể làm việc vào ngày nghỉ, giờ nghỉ để xem xét nội dung rất quan trọng này cho kịp tiến độ công việc.

Một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng nhất trong năm 2023 là sửa Luật Đất đai, từ đó tạo sự thống nhất và đồng thuận của nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vậy nên sự sốt ruột của Chủ tịch Quốc hội cũng là dễ hiểu. Và cũng bởi vậy mà không thể chậm trễ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.