Việc đi tìm người

GD&TĐ - Chừng nào giải quyết được mâu thuẫn giữa đào tạo và tuyển dụng thì chừng ấy mới không còn cảnh việc đi tìm người.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Theo báo cáo kết quả công tác của Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, từ ngày 1/1 đến 28/2/2025, đơn vị đã nhận được thông báo tuyển dụng từ 857 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này đăng tuyển người lao động Việt Nam vào 4.026 vị trí chất lượng cao trước khi tuyển lao động nước ngoài, theo quy định tại Nghị định 70 năm 2023 của Chính phủ.

Mức lương mà các doanh nghiệp này đưa ra là hơn 50 triệu đồng/tháng cho những vị trí thuộc các chức danh như quản lý, chuyên gia, lao động chuyên môn kỹ thuật. Đã có 247 lượt người Việt Nam tương tác ứng tuyển nhưng không có người nào trúng tuyển vào các vị trí nói trên. Đây là điển hình của câu chuyện “việc đi tìm người” ở nước ta hiện nay chăng?

Vậy thực tế có phải người Việt Nam không đủ trình độ để áp ứng các yêu cầu của nhà tuyển dụng? Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, lý do nhà tuyển dụng không tìm ra người đáp ứng các yêu cầu của họ là vì một phần người lao động Việt Nam, nhất là người có trình độ cao, chưa biết nhiều về thông tin này(?).

Ngoài ra, yêu cầu của nhà tuyển dụng đưa ra cao, khắt khe, bao gồm nhiều tiêu chí cùng lúc, điều này khiến lao động Việt Nam khó đáp ứng và tiếp cận được các vị trí tuyển dụng.

Có người cho rằng, những vị trí này vốn đã nhắm cho nhân sự người nước ngoài rồi, thông báo tuyển dụng người Việt cho đúng thủ tục quy định tại Nghị định 70 năm 2023 của Chính phủ mà thôi. Vả lại, nhân sự người Việt Nam cũng hiếm khi lên trang web của Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM để ứng tuyển.

Khoan nói đến những giả định trên đây, cần phải thừa nhận một điều rằng, người Việt Nam có trình độ để đáp ứng các yêu cầu của nhà tuyển dụng là không nhiều. Ví dụ như vị trí mà họ cần tuyển là phải có kinh nghiệm quản lý, thông thạo hai ngoại ngữ thì kể ra cũng hiếm.

Mà những người đáp ứng các yêu cầu của nhà tuyển dụng như trên thì lại không muốn “đầu quân” với mức lương 50 triệu đồng/tháng. Ở các tỉnh lẻ thì lương 50 triệu đồng/tháng có thể xem là khá cao nhưng với TPHCM thì chừng ấy lương sẽ không giải quyết được một số nhu cầu tối thiểu khác như mua nhà, nuôi con cái học hành…

Tuy nhiên, nhiều công ty hiện tại cần tuyển hàng ngàn lao động mà không đòi hỏi chuyên môn cao, chỉ cần qua lớp đào tạo nghề ngắn hạn như may mặc, da giày, chế biến gỗ là được nhưng thông báo cả tháng nay mà vẫn không đủ người. Việc đi tìm người ở những trường hợp này là khá rõ ràng.

Không phải cứ mạnh tay, khỏe chân là có thể vào các nhà máy làm việc mà cần phải có nghề, dù là đơn giản. Hàng loạt các nhà máy tuyển dụng lao động phổ thông rồi về đào tạo lại thông qua các lớp thực hành ngắn hạn nhưng làm như vậy là rất mất công nên đa số họ tuyển người vào làm được việc ngay.

Những nhà quản lý ở các địa phương lâu nay không mấy quan tâm đến việc đào tạo nghề mà gần như thả nổi cho các trường dạy nghề. Về phía người dân thì đa số là muốn con phải học đại học, dù sau khi ra trường nhiều người đi làm shipper!

Chừng nào giải quyết được mâu thuẫn giữa đào tạo và tuyển dụng thì chừng ấy mới không còn cảnh việc đi tìm người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ