Trước đó, Daily Mail dẫn tuyên bố của ông Obama ngày 9/1 tại Tennesses, Mỹ, nhấn mạnh: “Pháp là đồng minh lâu đời nhất của Mỹ. Tôi muốn người dân Pháp hiểu rằng nước Mỹ sẽ luôn sát cánh cùng các bạn ngày hôm nay và cả ngày mai”.
Mặc dù vậy, ông Obama lại không có mặt trong cuộc tuần hành tại Paris, nơi có sự hiện diện của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hay Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, những người được cho là đã gạt bỏ những bất đồng để tham dự cuộc tuần hành này.
Những lời lẽ chỉ trích Tổng thống Obama càng trở nên mạnh mẽ hơn khi chính quyền Mỹ thông báo ông Obama không đến dự buổi lễ vì “bận” xem hai trận đấu của giải Bóng Bầu dục Mỹ trên truyền hình diễn ra chỉ vài giờ sau cuộc tuần hành tại Paris.
Trong khi lãnh đạo các nước phương Tây như Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đều sát cánh cùng Tổng thống Pháp Francois Hollande thì Tổng thống Obama lại “mất dạng”.
Không chỉ ông Obama, phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng không có mặt tại Paris mà ở lại Washington dù ông này cũng không có việc gì trong lịch trình công việc ngày 11/1. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang bận công du Ấn Độ.
Tổng Chưởng lý Eric Holder dù có mặt trong hội nghị thượng đỉnh về chống khủng bố nhưng cũng không tham dự cuộc tuần hành tại Paris. Thay vào đó, ông Holder lại tham gia vào 4 show truyền hình của Mỹ vào sáng 12/1.
Quan chức duy nhất của Mỹ có mặt tại cuộc tuần hành là Đại sứ Mỹ tại Pháp Jane Hartley, người mà ngay cả công chúng Mỹ cũng còn khá xa lạ chứ chưa nói gì đến người dân trên toàn thế giới.
Một quan chức cao cấp của Mỹ đã vội “chữa cháy” bằng tuyên bố: “Nước Mỹ đã cử Đại sứ Jane Hartley tham gia cuộc tuần hành và đừng quên là Tổng thống Mỹ đã đưa ra tuyên bố chính thức trước công luận cũng như gọi điện chia buồn với ông Hollande và đến thăm Đại sứ quán Pháp tại Mỹ”.