Không tham gia công tác thanh tra, kiểm tra thi khi liên quan đến tiêu cực về thi

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra thi THPT quốc gia năm 2019.

Công tác tổ chức thi THPT quốc gia 2019 được triển khai đồng bộ và nghiêm túc
Công tác tổ chức thi THPT quốc gia 2019 được triển khai đồng bộ và nghiêm túc

Hoạt động thanh tra, kiểm tra có mục đích kịp thời nắm bắt thông tin, phản ánh về kỳ thi; giúp cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân tham gia kỳ thi thực hiện đúng Quy chế thi và các văn bản liên quan đến kỳ thi, góp phần đảm bảo cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế; Phòng ngừa, phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý sai phạm (nếu có)... Đồng thời yêu cầu công tác thanh tra, kiểm tra tuân theo quy định của pháp luật; không làm thay nhiệm vụ của Hội đồng thi (HĐT), không làm cản trở hoạt động bình thường của đơn vị, tổ chức và cá nhân tham gia kỳ thi; kịp thời xử lý, kiến nghị xử lý tổ chức, đơn vị, cá nhân vi phạm Quy chế thi theo quy định.

Cán bộ, công chức, viên chức tham gia thanh tra, kiểm tra thi phải đảm bảo các điều kiện: Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan; Là công chức thanh tra, cộng tác viên thanh tra hoặc người làm công tác thanh tra nội bộ, giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học (có kinh nghiệm thanh tra thi) đối với đoàn thanh tra của Sở, của Bộ; là cán bộ của Cục Nhà trường đối với đoàn kiểm tra của Cục Nhà trường; Nắm vững Quy chế thi và nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi; Không tham gia công tác thanh tra, kiểm tra thi khi có người thân (cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột; cha, mẹ, anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng) tham dự Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019; không tham gia công tác thanh tra, kiểm tra thi tại điểm thi có học sinh lớp 12 của trường mình tham dự Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019; Không tham gia công tác thanh tra, kiểm tra thi khi đang trong thời gian bị kỷ luật hoặc đang trong quá trình xem xét trách nhiệm liên quan đến tiêu cực về thi…

Cán bộ thanh tra, kiểm tra chịu trách nhiệm quản lý thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước. Cán bộ thanh tra, kiểm tra chịu trách nhiệm liên đới đối với các vi phạm Quy chế thi của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao... 

Thẩm quyền thanh tra, kiểm tra thi cũng nêu rõ: Ban chỉ đạo thi các cấp thành lập các đoàn kiểm tra và tiến hành kiểm tra các khâu của kỳ thi. Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT quyết định thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo và xét công nhận tốt nghiệp THPT tại các HĐT và sở GD&ĐT; trường hợp cần thiết Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định.

Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT quyết định thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm bài, phúc khảo và xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương; trường hợp cần thiết giám đốc sở GD&ĐT quyết định.

Cục trưởng Cục Nhà trường xây dựng kế hoạch kiểm tra và ban hành quyết định thành lập các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi và xét công nhận tốt nghiệp đối với cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý.

Việc tổ chức và hoạt động thanh tra, kiểm tra sẽ do Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, các trường đại học, các sở GD&ĐT tổ chức thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi tại một số HĐT; thanh tra trực tiếp công tác chấm thi tại các HĐT. Thanh tra sở chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc sở và cơ sở giáo dục đại học tổ chức thanh tra, kiểm tra thi...

Trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra thực hiện theo đúng nội dung ghi trong quyết định thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra, kiểm tra; thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra chấp hành theo sự phân công của trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra. Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo theo quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đàn bà cô đơn nhất khi nào?

Đàn bà cô đơn nhất khi nào?

GD&TĐ - Không phải khi độc thân, cũng chẳng phải lúc thất tình… Phụ nữ cô đơn nhất chính là khi ở trong một mái nhà mà không tìm được cảm giác ấm áp.