Công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) diễn ra thuận lợi, phát huy ngày càng cao tính tự chủ của các cơ sở đào tạo, mở ra nhiều cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp cho thí sinh; đồng thời, cung cấp thông tin phản hồi tin cậy để điều chỉnh, nâng cao chất lượng dạy và học trong các trường phổ thông.
Cầu thị
Tuy nhiên, việc ra đề thi, tổ chức coi thi, chấm thi, xét tuyển ĐH, CĐ hằng năm vẫn còn một số bất cập, cần rút kinh nghiệm. Đặc biệt là trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đã xảy ra tiêu cực và gian lận có tổ chức tại một số hội đồng thi địa phương gây tâm lý lo ngại trong học sinh và dư luận xã hội, làm suy giảm niềm tin vào tính trung thực, khách quan của kết quả của kỳ thi.
Từ việc phát hiện dấu hiệu bất thường về điểm thi tại một số địa phương và phân tích dữ liệu kết quả thi, Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận các thông tin phản ánh trong dư luận xã hội, khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát, xác minh đồng thời tổ chức chấm thẩm định theo quy định của quy chế. Kết quả ban đầu đã được thông tin rộng rãi cho toàn xã hội và kịp thời báo cáo Thường trực Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương và Thủ tướng Chính phủ. Các tiêu cực và gian lận xảy ra trong Kỳ thi THPT quốc gia đã, đang và tiếp tục được Bộ GD&ĐT phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh và xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của quy chế thi và pháp luật hiện hành.
Bên cạnh đó, ngay sau Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, trên cơ sở tiếp nhận các ý kiến phản ánh, góp ý của cử tri và dư luận xã hội nói chung, Bộ GD&ĐT đã tổ chức rà soát, đánh giá toàn bộ các khâu của quy trình tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia trên tinh thần nghiêm túc, trung thực; đồng thời, đã cầu thị tiếp thu ý kiến của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, các thầy cô giáo, các nhà khoa học và chuyên gia giáo dục để tổ chức thi và tuyển sinh đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 63/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội: Tiếp tục hoàn thiện và ổn định Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ; khắc phục tình trạng chạy theo thành tích trong giáo dục, giảm áp lực cho học sinh, gia đình và xã hội.
Điều chỉnh -bổ sung - hoàn thiện
Giám khảo chấm thi kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Nguyễn Nhung |
Có ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT nên chủ trì và thành lập chung Hội đồng thi THPT quốc gia cho cả nước, không để mỗi tỉnh thành lập một Hội đồng thi riêng nếu như vậy sẽ xảy ra tình trạng tiêu cực tại một số địa phương như thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT cho biết vấn đề này đã được đưa ra bàn thảo, cân nhắc kỹ lưỡng và kết quả cho thấy chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay ở nước ta. Trong khi đó, cơ cấu tổ chức các Hội đồng thi tại địa phương như Kỳ thi THPT quốc gia bảo đảm thực tế và có tính khả thi cao trên cơ sở có các giải pháp điều chỉnh để bảo đảm chặt chẽ, nghiêm túc hơn.
Do đó, Bộ GD&ĐT thực hiện những điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia để tổ chức ổn định đến năm 2020 và tiếp tục coi đây là phương án trung gian cho giai đoạn chuyển tiếp trước khi áp dụng đầy đủ chương trình giáo dục phổ thông mới.
Khách quan - an toàn - nghiêm túc
Ngày 4/12/2018, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 5480/BGDĐT-QLCL về tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Theo đó, tiếp tục tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 theo hướng giữ ổn định về phương thức tổ chức như năm 2017, 2018 để không ảnh hưởng đến quá trình dạy và học của giáo viên, học sinh cũng như xã hội; đồng thời, thực hiện một số điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi nhằm khắc phục triệt để các hạn chế, bất cập bảo đảm tổ chức thi khách quan, an toàn, nghiêm túc như:
Điều động các trường ĐH, CĐ đến các tỉnh để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường ĐH, CĐ địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình; quy định chặt chẽ về sắp xếp phòng thi, nhất là đối với thí sinh tự do; thống nhất quy trình, quy cách niêm phong, lưu trữ, bảo quản bài thi tại Điểm thi và Hội đồng thi. Bộ GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ. Sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng, đồng thời có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào bài thi.
Đồng thời, tăng cường chỉ đạo các sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ thực hiện nghiêm túc công tác lựa chọn, phân công cán bộ thực hiện các khâu của kỳ thi theo đúng quy định của quy chế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát (trong đó việc chấm bài thi tự luận (môn Ngữ văn) tiếp tục do sở GD&ĐT chủ trì như năm 2018 nhưng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, thẩm định của Bộ GD&ĐT và của các trường ĐH, CĐ). Phối hợp với các cơ quan, nhất là cơ quan Công an để tập huấn kỹ về nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi cũng như kỹ năng phòng chống, phát hiện các gian lận, nhất là gian lận sử dụng công nghệ cao để bảo đảm tổ chức kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng.