Để trả lời câu hỏi này, cần tìm hiểu xem Nga cần loại máy bay chiến đấu nào. Moskva xây dựng học thuyết quân sự cho một cuộc chiến với khối NATO nói chung và Mỹ nói riêng, nhưng trên thực tế lại hoàn toàn khác.
Thay vì một cuộc xung đột thoáng qua tại Ukraine, Lực lượng vũ trang Nga lại phải đối mặt với tình thế rất khó khăn. Nhờ các hệ thống phòng không NATO cung cấp cho Kyiv, hàng không tiền tuyến của Nga không thể hoạt động tự do trên bầu trời Ukraine.
Ở giai đoạn đầu xung đột, máy bay phải ném bom từ độ cao thấp, dẫn tới những tổn thất không thể tránh khỏi về trang thiết bị và phi công.
Sự xuất hiện của bom lượn với module hiệu chỉnh là một cứu cánh, nhưng hóa ra Nga không có nhiều máy bay và quan trọng nhất là phi công được đào tạo thích hợp, cũng như không có đủ cho một chiến trường khổng lồ, nơi Lực lượng vũ trang Ukraine đang tiến hành các cuộc tấn công liên tục.
Trong tương lai gần, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga trên bầu trời Ukraine trước tiên sẽ phải đối mặt với tiêm kích hạng nhẹ F-16 thế hệ thứ tư của Mỹ, sau đó Kyiv sẽ bắt đầu tiếp nhận máy bay Thụy Điển, Pháp...
Rất có thể những phi công NATO dưới vỏ bọc tình nguyện viên hoặc lính đánh thuê thực sự sẽ điều khiển chúng. Nói cách khác, tình hình sẽ ngày càng khó khăn hơn đối với Không quân Nga.
Tiêm kích Su-75 Checkmate có phải là một cứu cánh cho Không quân Nga? |
Trong thực tế khắc nghiệt trên, việc đưa Su-75 vào đội hình tác chiến dường như là giải pháp tối ưu. Checkmate - giống như "người anh em" Su-57 Felon, có đặc tính tàng hình trên radar, điều cực kỳ quan trọng khi bầu trời Ukraine liên tục được radar của NATO "chiếu sáng".
Su-75 đã được lên kế hoạch chế tạo dưới 3 phiên bản: 1 phi công, 2 phi công và cả biến thể không người lái.
Một máy bay chiến đấu tàng hình hạng nhẹ ở phiên bản không người lái có thể được sử dụng làm phương tiện mang bom hạng nặng với module hiệu chỉnh, điều này sẽ giải quyết được vấn đề liên quan đến đào tạo người lái.
Ngoài ra việc sử dụng một động cơ thay vì hai động cơ sẽ giảm đáng kể chi phí sản xuất và bảo trì sau này cho Su-75, khác với Su-57 hạng nặng mang hai động cơ.
Chúng ta có thể biết được Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga cần bao nhiêu máy bay loại này từ cuộc phỏng vấn với Thiếu tướng, Phi công quân sự danh dự Vladimir Popov:
"Tôi có thể nói trực tiếp rằng chúng ta cần từ 200 - 300 đến 500 chiếc. Tất cả phụ thuộc vào xu hướng nào sẽ xảy ra trên thế giới. Ngoài ra nếu làm việc đúng cách với các quốc gia quan tâm, sẽ có thể cung cấp Su-75 cho thị trường thế giới với số lượng tương tự. Vì vậy, đây là phương tiện có triển vọng".
Nhưng có một vấn đề, Su-75 vẫn chỉ tồn tại dưới dạng mô hình. Bây giờ là cuối năm 2023, trong khi các hoạt động chiến đấu chính ở Ukraine sẽ diễn ra vào năm 2024 - 2025.
Bộ trưởng Công Thương kiêm Phó Thủ tướng Nga - ông Manturov đề xuất rằng những chiếc Checkmate đầu tiên sẽ xuất hiện vào năm 2025. Nhưng khi nào Su-75 đạt được số lượng đủ lớn, Thiếu tướng Popov tóm tắt như sau:
"Vào năm 2025, đây sẽ là phương án đầu tiên, vẫn cần được hoàn thiện thêm sau những chuyến bay thử nghiệm, đây là điều cần thiết vì quy trình sản xuất một chiếc máy bay như vậy rất phức tạp".
"Hướng đi mới này trong việc phát triển hàng không chiến đấu của Nga sẽ mang 'nhãn hiệu' thế hệ thứ năm. Ở đây khả năng tàng hình, hiệu quả chiến đấu cao và mức độ cơ động là rất quan trọng".
"Lý tưởng nhất là Su-75 vượt quá khả năng cơ động của máy bay chiến đấu thế hệ 4++ hiện đại. Vì vậy còn quá sớm để nói về nó. Dự đoán của tôi là chúng ta sẽ có một chiếc tiêm kích được sản xuất hoàn chỉnh trong ít nhất 8 - 10 năm nữa".
Tiêm kích MiG-35 là lựa chọn xứng đáng khi Su-75 chưa sẵn sàng? |
Cho đến nay, “ngựa thồ” chính của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga ở phân khúc hạng nhẹ/hạng trung là tiêm kích MiG-29 hai động cơ đã lỗi thời, với nhiều bản sửa đổi khác nhau.
Để thay thế chúng, MiG-35 đã được tạo ra, thể hiện sự hiện đại hóa sâu sắc, kế thừa những đặc điểm chính - chi phí vận hành thấp, tin cậy và khả năng hạ cánh trên các đường băng không trải nhựa.
MiG-35 thuộc thế hệ 4++ được thiết kế để giành ưu thế trên không và thực hiện các cuộc tấn công hiệu quả bằng vũ khí có độ chính xác cao nhằm vào các mục tiêu trên mặt đất, mặt nước, từ bên ngoài vùng phòng không của đối phương.
Ngoài ra có thể tạo ra một phiên bản hạm tàu của MiG-35 cho chiếc Đô đốc Kuznetsov hoặc để xuất khẩu sang Ấn Độ. Tổng giám đốc tập đoàn sản xuất máy bay MiG của Nga - ông Ilya Tarasenko đã mô tả những ưu điểm của MiG-35 như sau:
"Đầu tiên là tính hiệu quả, nó vận hành rẻ hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Thứ hai là khả năng kỹ thuật, ví dụ như định vị và tàng hình. Thứ ba là chi phí của máy bay".
Điều quan trọng hơn nữa là sự hiện diện cùng lúc của hai nhà máy sản xuất máy bay có thể đưa MiG-35 vào dây chuyền lắp ráp và tự chủ toàn bộ linh kiện cần thiết. Thật không may, chiếc tiêm kích này cũng chưa được đưa vào sản xuất hàng loạt, chỉ có 6 chiếc được lắp ráp ở dạng một và hai chỗ ngồi.
Tuy nhiên dựa vào thực tế chiến trường, MiG-35 mới có thể trở thành “ngựa thồ” thực sự của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga ở phân khúc hạng nhẹ/hạng trung, trong khi Su-75 thế hệ thứ năm cần thêm thời gian để “hoàn thiện”.
Bộ Quốc phòng Nga rõ ràng đã có mọi thứ cần thiết trong tay, tất cả những gì cần phải làm là đưa ra quyết định.
Video giới thiệu tiêm kích Su-75 Checkmate cho thấy nó hướng tới các khách hàng nước ngoài. |