Dạy học ngoại ngữ theo chương trình mới: Giáo viên gặp khó

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trong 4 kỹ năng môn Ngoại ngữ, nhiều GV gặp khó khăn khi dạy nghe - nói. Điều này đòi hỏi các giải pháp căn cơ từ nhiều bên liên quan cùng tháo gỡ.

Cô Phạm Thị Liên (thứ hai từ phải qua) cùng học trò trong giờ thực hành tiếng Anh với chủ đề các món ăn quốc gia của khu vực Đông Nam Á. Ảnh: NVCC
Cô Phạm Thị Liên (thứ hai từ phải qua) cùng học trò trong giờ thực hành tiếng Anh với chủ đề các món ăn quốc gia của khu vực Đông Nam Á. Ảnh: NVCC

PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội): Nâng cao vai trò tự học

PGS.TS Trần Thành Nam.

PGS.TS Trần Thành Nam.

Chương trình giáo dục tiếng Anh hiện nay thiên về kỹ năng đọc - viết ngữ pháp, học thuật, còn sinh ngữ nghe - nói chưa cải tiến nhiều. Ở một số nơi, thầy cô sử dụng những thiết bị cũ như băng cát xét để lưu file hội thoại tiếng Anh dạy học sinh.

Với sự phát triển ngày càng đa dạng của thiết bị công nghệ trong lĩnh vực giáo dục, giáo viên cần biết cách khai thác, tận dụng tài liệu thực tế và tình huống tương tác phù hợp. Năng lực ngôn ngữ của giáo viên không chỉ gói gọn trong giờ dạy trên lớp. Bản thân thầy cô cần được tạo động lực để tham gia vào quá trình tự học, bồi dưỡng thường xuyên, liên tục.

Xu hướng dạy ngoại ngữ đa số thực hiện qua kênh trực tuyến bằng các phần mềm di động khác nhau. Người học có thể học tiếng Anh mọi lúc, mọi nơi thông qua nhiều ứng dụng thông minh. Trong đó, người học có thể điều chỉnh cách phát âm, ngữ pháp, văn phong qua phần mềm.

Ngoài ra, trên mạng xuất hiện nhiều diễn đàn với sự tham gia của giáo viên quốc tế để trao đổi theo nhóm và nâng cao năng lực tiếng Anh cho đội ngũ giáo viên trong nước. Những thông tin đó cần được cập nhật vào chương trình đào tạo/bồi dưỡng giáo viên để nâng cao năng lực ngoại ngữ cho thầy, cô dạy tiếng Anh. Tại Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), giảng viên dạy tiểu học/mầm non bằng tiếng Anh được trang bị đầy đủ kỹ năng giao tiếp, nghe – nói tiếng Anh để đáp ứng yêu cầu giảng dạy sinh viên.

Cô Nguyễn Lan Hương - giáo viên tiếng Anh Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội): “Nhúng” giáo viên vào môi trường ngoại ngữ trực tiếp

Với định hướng phát triển năng lực và lấy người học làm trung tâm, chương trình giáo dục phổ thông tiếng Anh hiện nay hướng tới bồi dưỡng kiến thức người học về ngôn ngữ, văn hóa các nước nói tiếng Anh và Việt Nam.

Cô Nguyễn Lan Hương.

Cô Nguyễn Lan Hương.

Vì vậy, các chương trình bồi dưỡng giáo viên phải có sự điều chỉnh tương ứng để không chỉ trang bị cho giáo viên kiến thức, chuyên môn giảng dạy kỹ năng thực hành tiếng mà còn giúp hiểu rõ, nắm vững những khái niệm mới trong Chương trình GDPT mới như “năng lực”, “thái độ”, “kỹ năng (mềm)” hay nội dung kiến thức mà nhiều giáo viên chưa tự tin. Trong đó có kiến thức văn hóa thế giới và Việt Nam; mối liên hệ giữa môn Tiếng Anh với môn học khác trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Hơn nữa, phát triển năng lực ngoại ngữ phụ thuộc vào môi trường ngôn ngữ. Đa số giáo viên tiếng Anh ở Việt Nam dạy học để đáp ứng nhu cầu thi và kiểm tra, tập trung vào luyện thi nhiều hơn. Kỹ năng nghe và nói chưa thực hành thường xuyên. Các phương tiện để dạy học ngoại ngữ ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu khiến thầy cô khó khăn về kỹ năng nghe và nói. Do đó, giáo viên cần được tiếp xúc với môi trường ngoại ngữ trực tiếp ở các nước nói tiếng Anh, học với chuyên gia, tiếp cận phương tiện tiên tiến để nâng cao trình độ.

Việc thi và kiểm tra cần được đổi mới để hướng tới kiểm tra toàn diện năng lực ngoại ngữ học sinh, từ đó giáo viên sẽ thay đổi cách dạy và nâng cao chuyên môn. Giáo viên cần được hỗ trợ về phương pháp, cách thức, thủ thuật dạy học… Tránh bồi dưỡng nặng về lý thuyết, xa rời thực tiễn. Tạo điều kiện cho giáo viên thực hành, nhận xét lẫn nhau, cùng chia sẻ trải nghiệm, sáng kiến của bản thân để giải quyết vấn đề hằng ngày trên lớp.

Cô Phạm Thị Liên - Tổ trưởng chuyên môn Tiếng Anh, Trường THPT Vị Xuyên (Hà Giang): Đồng hành từ nhiều phía

Trước hết, việc xây dựng các khóa học với sự hỗ trợ từ giáo viên bản ngữ miễn phí sẽ giúp sinh viên các trường đào tạo giáo viên môn Tiếng Anh có cơ hội tiếp xúc với ngôn ngữ chính thống, thực hành giao tiếp thực tế. Những biện pháp này giúp học sinh phổ thông hứng thú hơn với quá trình học để chuyển tiếp từ môi trường học trung học đến đại học mà không gặp khó khăn lớn với môn Ngoại ngữ.

Hai là, công nghệ cung cấp nhiều công cụ hữu ích để phát triển kỹ năng nghe - nói của học sinh. Các ứng dụng di động, phần mềm học ngôn ngữ trực tuyến, nền tảng học tập kỹ thuật số có thể giúp tăng cường kỹ năng giao tiếp và luyện nghe. Trong quá trình bồi dưỡng giáo viên, cần tạo ra các khóa đào tạo chuyên sâu về sử dụng công nghệ trong giảng dạy kỹ năng nghe và nói. Giáo viên cần nắm vững cách tích hợp ứng dụng và công nghệ vào bài giảng để quá trình học tập thú vị, hiệu quả hơn.

Ba là, việc xây dựng cộng đồng học thuật và hỗ trợ giữa các giáo viên cũng quan trọng. Việc chia sẻ kinh nghiệm, tài nguyên giảng dạy và các chiến lược hiệu quả có thể giúp giáo viên vượt qua những khó khăn trong dạy kỹ năng nghe - nói. Các diễn đàn trực tuyến và hỗ trợ từ cộng đồng sẽ tạo ra môi trường tích cực cho việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm.

Bốn là, liên kết giữa trường đại học và trung học cần được tăng cường. Các chương trình đào tạo giáo viên nên có sự hợp tác chặt chẽ với trường đại học để đảm bảo giáo viên được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết khi ra trường. Điều này giúp giảm khoảng trống giữa môi trường giảng dạy trung học và đại học, tạo ra quá trình liên tục, hiệu quả cho học sinh khi học ngoại ngữ.

Năm là, chú trọng vào phương pháp đánh giá cũng là yếu tố quan trọng. Hệ thống đánh giá nên chú trọng khả năng thực sự của học sinh trong kỹ năng nghe và nói, thay vì chỉ tập trung vào ghi nhớ thông tin. Giáo viên cần được đào tạo để áp dụng các phương pháp đánh giá sáng tạo, công bằng nhằm đo lường tiến bộ của người học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ