Cấp thiết chấn chỉnh hoạt động trung tâm ngoại ngữ, tin học

GD&TĐ - Thời gian qua hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học còn tồn tại nhiều bất ổn...

Đông đảo phụ huynh đến Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam căng băng rôn đòi nợ bà Út Em - Chủ tịch HĐQT nhà trường vào tháng 9/2023. Ảnh: PV
Đông đảo phụ huynh đến Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam căng băng rôn đòi nợ bà Út Em - Chủ tịch HĐQT nhà trường vào tháng 9/2023. Ảnh: PV

TPHCM hiện có khoảng 760 trung tâm ngoại ngữ, tin học hoạt động. Các cơ sở này đã tạo ra môi trường, cơ hội học tập, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho học sinh, người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động của các trung tâm còn tồn tại nhiều bất ổn.

Phụ huynh khổ sở đòi học phí

Chị H.A (Quận 7) vừa trải qua một phen “hú vía” với chuyện học phí của con. Chị A đóng tiền học phí trước gần 50 triệu đồng cho 6 tháng để con theo học tại cơ sở thuộc hệ thống một trung tâm Anh ngữ ở địa bàn. Trung tâm yêu cầu chị đợi khoảng 2 tuần cho đến khi cơ sở đủ học viên sẽ bắt đầu khóa học. Nhưng khoảng 3 tháng sau vẫn chưa thấy mở lớp, chị lo lắng đến hỏi lại trung tâm thì được thông báo trung tâm chưa đủ người ghi danh.

Trung tâm đưa ra lựa chọn, chị có thể chuyển con sang cơ sở khác cũng thuộc Quận 7, đang có lớp mở hoặc tiếp tục chờ đến khi cơ sở đăng ký trước đó có đủ người. Vì không muốn đưa con đi học xa nên chị đã đề nghị được hoàn tiền lại. Lúc đầu, trung tâm từ chối. Sau khi chị nhờ cậy nhiều người giúp, khoảng 1 tháng sau trung tâm mới trả lại khoản tiền học phí.

Không “may mắn” như chị A, gần 1 năm qua, hàng nghìn phụ huynh tại TPHCM đồng loạt gửi đơn lên cơ quan chức năng để tố hệ thống Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders nhận tiền học phí của phụ huynh nhưng không tổ chức dạy học như cam kết. Giữa phụ huynh và Trung tâm Apax Leaders đã diễn ra nhiều cuộc họp liên quan đến việc hoàn trả học phí. Tuy nhiên, vì nhiều lý do Apax Leaders không thực hiện đúng những gì cam kết.

Gần đây, Apax Leaders gửi thông báo xin lỗi những phụ huynh chưa nhận được tiền hoàn học phí. Lý giải, Apax cho hay cam kết trả nợ trước đó được đưa ra gấp rút, không lường hết các yếu tố khó khăn. Lộ trình trả nợ mới mà Apax đề xuất là thanh toán 5% tiền nợ mỗi lần vào ngày 31/12/2023 và 28/4/2024. Từ tháng 7/2024, mỗi tháng Apax Leaders sẽ trả 5% số tiền còn lại cho đến khi hết nợ. Tiền được chuyển muộn nhất vào ngày 30 hàng tháng.

Với những phụ huynh có nhu cầu cho con học tiếp, đơn vị này sẽ gấp rút mở cửa lại các trung tâm để phục vụ. Theo lộ trình này, đến hết tháng 12/2025, phụ huynh mới nhận đủ 100% tiền nợ học phí từ Apax Leaders thay vì tháng 4/2024 như lời hứa ban đầu.

Anh N.H.T, có hai con từng đăng ký học tại cơ sở của Apax Leaders tại khu vực Quận 7 cho biết, Apax Leaders còn nợ gia đình anh gần 50 triệu đồng tiền học phí. Vì tương lai của con, không muốn bị gián đoạn quá trình học ngoại ngữ, anh phải cố gắng nộp thêm tiền ở trung tâm khác.

“Chúng tôi hiểu cho trung tâm thì ai hiểu chúng tôi? Nhiều phụ huynh đã kiệt quệ không tiếp tục cho con theo học tiếng Anh được trong khi nợ ngân hàng vẫn trả hàng tháng. Giờ chỉ mong phía Apax Leaders sớm hoàn trả khoản đã đóng cho gia đình”, anh T cho hay.

Phụ huynh có mặt tại một cơ sở trên địa bàn TPHCM vào ngày 15/2/2023 để làm việc với đại diện Trung tâm Apax Leaders. Ảnh: Hồ Phúc

Phụ huynh có mặt tại một cơ sở trên địa bàn TPHCM vào ngày 15/2/2023 để làm việc với đại diện Trung tâm Apax Leaders. Ảnh: Hồ Phúc

Không được thu học phí dài hạn

Sau 3 tháng tổ chức kiểm tra tình hình hoạt động các trung tâm ngoại ngữ, tin học trên địa bàn thành phố, ngày 4/1, Sở GD&ĐT TPHCM ban hành văn bản chấn chỉnh hoạt động các trung tâm ngoại ngữ, tin học trên địa bàn thành phố.

Văn bản do bà Lê Thụy Mỵ Châu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM ký yêu cầu các trung tâm ngoại ngữ, tin học chỉ được tuyển sinh và tổ chức giảng dạy sau khi được sở cấp phép hoạt động giáo dục. Học phí chỉ thu theo số tháng thực học và phải được công khai từ đầu khóa học, không được thu học phí dài hạn không đúng quy định.

Riêng công tác phối hợp với cơ sở giáo dục thuộc địa bàn được cấp phép hoạt động (nếu có), Sở GD&ĐT TPHCM nêu rõ, chương trình và tài liệu giảng dạy phải được Bộ GD&ĐT thẩm định hoặc sở GD&ĐT đánh giá chất lượng, có phân phối chương trình phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học tại trường. Giáo viên người nước ngoài khi giảng dạy tại trường học phải chấp hành đầy đủ quy định về giờ giấc, trang phục, quy chế chuyên môn. Trung tâm cung cấp giấy phép lao động của từng giáo viên trước khi đến trường giảng dạy.

Đặc biệt, việc tổ chức hoạt động giáo dục cần đúng với các nội dung được cấp phép (địa điểm hoạt động, môn dạy, chương trình, trình độ...); tổ chức giảng dạy đúng với hình thức (trực tiếp, trực tuyến, trực tuyến và trực tiếp) đã đăng ký với Sở GD&ĐT TPHCM. Khi có sự thay đổi về địa điểm hoạt động giáo dục, pháp nhân đăng ký thành lập, môn dạy, chương trình giảng dạy… phải thực hiện hồ sơ đăng ký điều chỉnh nội dung được cấp phép và gửi về sở.

Về chương trình giảng dạy, nếu thực hiện chương trình nhượng quyền, đơn vị triển khai đầy đủ và đúng theo các nội dung tại hợp đồng nhượng quyền thương mại đã ký kết, chương trình nhượng quyền, phần mềm hỗ trợ dạy học tại đơn vị. Đảm bảo trang bị bàn ghế và thiết bị dạy học phù hợp lứa tuổi học viên, điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy theo quy định, treo bảng hiệu đúng tên được cấp phép theo quyết định của sở GD&ĐT.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu các trung tâm ngoại ngữ, tin học rà soát và đảm bảo việc tuyển, sử dụng người lao động nước ngoài theo đúng hướng dẫn; ký kết hợp đồng lao động, thỉnh giảng theo Luật Giáo dục; rà soát việc thực hiện chế độ đóng bảo hiểm xã hội, mở, đóng sổ đúng quy định.

Ngày 12/1, Sở GD&ĐT TPHCM đã ban hành văn bản chấn chỉnh tình hình hoạt động giáo dục các trường phổ thông ngoài công lập trên địa bàn. Theo đó, việc thu, quản lý và sử dụng học phí, sở này đề nghị các trường thực hiện thu học phí tối đa 9 tháng/năm học và không được phép thu gộp cho nhiều năm hay toàn cấp học. Đồng thời, các trường phải công khai học phí và các khoản thu khác theo từng tháng, học kỳ, năm học và toàn cấp học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ