Không muốn khóc, chẳng muốn cười

Không muốn khóc, chẳng muốn cười

(GD&TĐ) - Lấp đầy khoảng trống trong rạp mỗi khi “đỏ đèn” là mong ước đã trở nên xa vời của hầu hết các sân khấu kịch phía Bắc trong thời điểm hiện tại. Không chỉ gặp khó khăn chung từ suy thoái kinh tế mà bản thân sân khấu kịch cũng phải “đối đầu” với sự cạnh tranh khốc liệt từ các loại hình sân khấu nghệ thuật khác, từ truyền hình, Internet. Bên cạnh đó, sự thay đổi thị hiếu của công chúng, thiếu đổi mới bản thân càng làm các sân khấu kịch thêm ế ẩm, vắng khách.

Sân khấu “đói” khách

“Đời cười” đã giảm nhiệt từ khán giả
“Đời cười” đã giảm nhiệt từ khán giả 
 

Nhìn về quá khứ, những năm 80 của thế kỷ trước kịch Bắc đã từng ở đỉnh cao của vinh quang, nhưng giờ đây dường như kịch đang nằm dưới chân dốc... Đó là lời nhận xét chung của những người làm kịch.

Kịch cổ điển hay kịch hiện đại, bi kịch hay hài kịch, kịch lịch sử hay kịch thời sự xã hội, tất cả những thể loại này các nhà hát tại Hà Nội đều dựng. Và khó có thể đánh giá là kém chất lượng, không hấp dẫn với những vở như Macbeth, Âm mưu và tình yêu, Hamlet, Những quân bài định mệnh, Đứa con bị đánh cắp... hay gần đây nhất là Đường đua trong bóng tối.

Nhưng số khán giả bỏ tiền ra mua vé đi xem kịch ngày càng ít. Thật khó có thể thấy được cảnh khán giả xếp hàng dài chen lấn trước cổng nhà hát để mua vé. Những vở kịch đang công diễn không làm nên những “cơn sóng” to nhỏ trao đổi bàn luận về sự hay dở như phim ảnh hay các game show truyền hình. Không có những đôi tình nhân tặng nhau vé xem kịch hay dập dìu bên nhau vào nhà hát trong những tối cuối tuần. Các nhà hát thuộc diện “hot” nhất như Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát kịch Hà Nội... vẫn đỏ đèn chờ khách.

Mức giá trung bình từ tiền chục đến tiền trăm nghìn/vé xem kịch không phải là cái giá cao so với thu nhập của người Hà Nội. Càng không thể so sánh với giá vé một chương trình ca nhạc của những ngôi sao trong giới showbiz, hay một trận bóng đá... mà người Hà Nội vẫn sẵn sàng bỏ ra cả vài trăm đến vài triệu đồng mua vé xem.

Phải chăng chỉ có một lý do duy nhất ở đây, đó là khán giả không còn yêu thích sân khấu kịch. Thế nên, đã không thích thì việc bỏ ra vài chục nghìn hay miễn phí hoàn toàn khán giả cũng ngại đi xem. Ngay cả khi những vở kịch đương đại nổi tiếng của những đoàn kịch có thương hiệu thế giới trình diễn tại Việt Nam, thì dưới sân khấu vẫn là những gương mặt báo chí, các đại biểu quen thuộc, các khán giả quen thuộc đến xem bằng vé mời...

Hài kịch - không còn là lối thoát

Nhiều nhà hát phục dựng kịch kinh điển mong cầm chân khán giả
Nhiều nhà hát phục dựng kịch kinh điển mong cầm chân khán giả
 

Ra đời từ năm 1998, chùm hài kịch Đời cười của NSND Lê Hùng được coi là lối thoát của sân khấu kịch Bắc lúc bấy giờ. Nó khai thông bế tắc cho hơn một thập kỷ đóng băng trong những vở chính kịch kinh điển không còn sức hấp dẫn với con người thời mở cửa. Những Đời cười 1, Đời cười 2, Đời cười 3 với nội dung gần gũi, thiết thực, khai thác các vấn đề vừa thời sự vừa cố hữu đã đánh trúng vào “cơn khát” của công chúng. Các phòng vé sau một thời gian ngủ đông triền miên đã tỉnh giấc trở lại. Khán giả đổ đi xem và cười nghiêng ngả, báo chí dành những mỹ từ để khen ngợi. Trên đà ấy diễn viên, đạo diễn đầy hứng khởi dựng liên tiếp các vở hài kịch mới. Thế nhưng “tuần trăng mật” của khán giả với hài kịch cũng chẳng kéo dài được lâu.

Sau Đời cười 3, lượng khán giả có mặt trong các vở Đời cười 4, 5, 6... và vừa mới đây là Đời cười 9, 10 cứ ngày một vơi dần. Chất lượng các vở Đời cười cũng không còn hấp dẫn như ban đầu là thực tế không thể phủ nhận. Nhiều nghệ sĩ đã làm nên thương hiệu trong các vở Đời cười trước đây cũng phải chấp nhận xa rời công chúng vì nhiều lý do, và có lẽ cả bởi sự lặp lại chính mình, không thể làm mới.

Mổ xẻ nguyên nhân vì sao Đời cười càng ngày càng đuối sức, có người cho rằng, cha mẹ sinh 10 đứa con không thể xinh đẹp, hoàn hảo cả 10. Trong khi đó, với kịch nghệ chỉ cần một chương trình kém hấp dẫn so với chương trình trước đó đã có thể tạo nên khoảng cách với khán giả. Tâm lý khán giả sẽ ngay lập tức nảy sinh định kiến “kịch ngày càng chán”. Và họ sẽ giữ cái tâm lý định kiến ấy đến tận những năm sau, những chương trình sau, dù đôi khi (và hầu như) họ không hề xem những chương trình sau đó.

Nhiều nhà phê bình sân khấu nói rằng, tâm lý định kiến sân khấu sẽ không xảy ra ở một môi trường nghệ thuật mà ở đó khán giả đam mê kịch, cháy bỏng với kịch. Thế nhưng tại môi trường mà tình yêu, hay đúng hơn là sở thích với kịch chỉ vừa mới nhen nhóm trở lại thì thiện cảm giữa khán giả và sân khấu sẽ nhanh chóng bị sứt mẻ, chỉ vì những khúc mắc rất nhỏ, những hành vi rất nhỏ, những vết gợn rất nhỏ. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, có lẽ sự tụt dốc của sân khấu kịch nói chung của những vở hài kịch nói riêng là do chính các nhà hát, các đạo diễn, nghệ sỹ đã tạo sức ép cho mình trong khi chính bản thân không có sự bứt phá, làm mới. Và cũng không có gì để phải “sốc” hay lạ về sự tụt dốc không phanh của sân khấu hài kịch cũng bởi chẳng gì thay đổi nhanh như thị hiếu khán giả. Hôm nay họ thích cười kiểu này, mai họ thích cười kiểu khác. Hôm nay họ cười quặn ruột vì một câu nói bâng quơ nhưng có thể ngay ngày mai họ lại thấy câu nói đó thật ngớ ngẩn và vô duyên.

Chính vì vậy, hài kịch đã qua thời nóng bỏng. Sân khấu hài kịch không còn là lối thoát cho các sân khấu kịch Bắc trong 2-3 năm trở lại đây.

Vực dậy sân khấu kịch từ chợ kịch bản?

Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam nói rằng, ông đã phải mất nửa năm trời để tìm kịch bản dựng vở diễn xứng tầm ngày kỷ niệm truyền thống 60 năm của Nhà hát. Nhưng đến dịp thì ông vẫn lỡ hẹn vì không tìm được kịch bản hay.

Bản thân NSND Lê Thế Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng thẳng thắn nhận xét: Hàng năm Hội đều tổ chức các cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu, động viên các hội viên tham gia vào lớp huấn luyện, trại sáng tác. Song chưa có kịch bản nào thành hình và để lại được tiếng vang thực sự.

Thực tế cũng cho thấy, nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật đã và đang chọn phương án trụ vững đó là phục dựng những vở diễn kinh điển từng đi vào lòng khán giả bên cạnh việc tìm kiếm những kịch bản mới. Từ đây cho thấy một trong những vấn đề cơ bản và cốt lõi nhất để vực dậy sân khấu Bắc, để lôi khán giả vào rạp vẫn là khâu kịch bản.

Vừa qua, trong sự khó khăn về khâu kịch bản, đạo diễn Trung Kiên đã khởi xướng lập website chợ kịch bản điện tử. Chokich.vn đã mời được gần 50 tác giả thuộc Câu lạc bộ tác giả phía Bắc của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đồng ý tham gia. Sau đó, chokich.vn sẽ tìm đến các tác giả miền Nam và miền Trung, khuyến khích cả các tác giả không chuyên. Theo đó, các tác giả sẽ gửi tác phẩm cả cũ và mới về Ban quản trị để đăng tải trên website - chào hàng. Các đơn vị nghệ thuật sẽ vào website để tìm kiếm kịch bản phù hợp với yêu cầu sử dụng - mua hàng. Hình thức đăng tải nội dung kịch bản sẽ dưới dạng trích đoạn để đảm bảo tính bảo mật bản quyền.

Có thể nói, với chợ kịch bản điện tử này các đơn vị nghệ thuật và tác giả sân khấu rất kỳ vọng sẽ đáp ứng tốt nhu cầu cho cả bên cung lẫn cầu. Và có thể thấy, sự ra đời của chuyên trang này không chỉ đem lại lợi ích cho cả hai phía, các tác giả kịch bản khi họ có cơ hội giới thiệu, quảng bá tác phẩm, còn các đơn vị nghệ thuật có thêm nhiều cơ hội lựa chọn kịch bản để dàn dựng trong bối cảnh khan hiếm kịch bản hay hiện nay. Từ đây cũng “lóe” lên tia hy vọng về một sự phục hồi của sân khấu kịch khi được đáp ứng khâu cơ bản đó là kịch bản.

Đã không thích thì việc bỏ ra vài chục nghìn hay miễn phí hoàn toàn khán giả cũng ngại đi xem. Ngay cả khi những vở kịch đương đại nổi tiếng của những đoàn kịch có thương hiệu thế giới trình diễn tại Việt Nam, thì dưới sân khấu vẫn là những gương mặt báo chí, các đại biểu quen thuộc, các khán giả quen thuộc đến xem bằng vé mời...

Thái Hoàng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ