“Không” mà “có” trong hai thi phẩm độc đáo

GD&TĐ - Mỗi tác phẩm xuất sắc đều tìm cho mình một hình hài riêng, sáng tạo không lặp lại, trộn lẫn.

Cảnh làng quê Việt Nam.
Cảnh làng quê Việt Nam.

Nhưng vẫn luôn tồn tại điều thú vị, là sự gặp gỡ như cái duyên của những tâm hồn nghệ sĩ dù ở cùng hay khác thời. Phải chăng văn chương là như vậy, đều có chung một con đường Chân - Thiện – Mỹ. Điều ấy khiến tôi liên tưởng đến kết cấu “không” mà “có” qua hai thi phẩm: “Bạn đến chơi nhà” (Nguyễn Khuyến) và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” (Phạm Tiến Duật).

1.

Bài thơ viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật. Có một điều lạ, theo tôi, là không tuân thủ theo cấu trúc 4 phần: Đề, thực, luận, kết (2/2/2/2) mà rút lại chỉ có 3 phần: Đề (1 câu đầu), thực (6 câu tiếp) và kết (câu cuối). Mở đầu là giới thiệu và nêu hoàn cảnh lâu ngày bạn đến nhà nhưng rất tiếc lí do “Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa”. Dân gian nói “khách đến chơi nhà không gà cũng vịt”. Không có làm sao đây? Nhưng thực ra là có cả đấy: Cá, gà, cải, cà, bầu, mướp ở vườn nhà nhưng đáng tiếc, hoặc là ông không thể bắt được (cá, gà) hoặc không thể hái được (cải, cà, bầu, mướp).

Các thứ được nêu đều là những thức ăn bình thường, lí do không có vừa do chủ quan: Sự bất lực của tuổi già sức yếu lại hoàn cảnh “Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa” vừa cũng thuộc khách quan: Rau quả chưa đến thì. Có cả đấy mà hóa ra “không”. Dùng đến 6 câu làm nhiệm vụ phần “thực” nhằm tô đậm sự ngặt nghèo, thiếu thốn gần như là sự trớ trêu trong hoàn cảnh sống để dồn nén, tô đậm và “bùng nổ” ở câu kết cả về ý và tình tạo nên điểm sáng thẩm mỹ toàn bài vừa lắng đọng vừa dư ba.

2.

Mở đầu bài thơ như một câu văn xuôi lí giải nôm na có phần tưởng thừa, vòng vèo và rối “Không có kính không phải vì xe không có kính”. Điệp từ “không” khiến lập luận của hai từ “không” sau hiểu là “có”. Nhà thơ lí giải cụ thể ngay câu thơ tiếp “Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi”. Đọc xong bài thơ, ngẫm một chút chúng ta mới thấy cái tinh tế “giọng điệu sôi nổi, trẻ trung, hồn nhiên, tinh nghịch mà sâu sắc” của ông. Vậy ra từ nhan đề “Bài thơ” đến chữ “không” ở câu đầu chẳng thừa chút nào cả. Một chút đùa giỡn, tưng tửng ấy là đã chuẩn bị cho tinh thần “Ung dung buồng lái ta ngồi”.

Hóa ra “trong cái mất lại có cái được”. Không có kính thì trực tiếp được đón nhận rất nhiều thứ: Gió, sao trời, cánh chim, con đường, bầu trời, mặt đất thậm chí còn đối mặt với “bụi”, “mưa”. Buồng lái trở thành một vũ trụ còn chiến sĩ lái xe thăng hoa trong khoảnh khắc, tận hưởng những khoái cảm, nào được “nhìn” được “thấy” và tất cả các giác quan sống dậy, trải nghiệm. Không phải là gồng mình lên cố gắng chấp nhận (như không thể nào khác được); nhà thơ mở rộng lòng mình đón nhận một cách vui vẻ thoải mái nhất: “Ừ”, “cười ha ha”...

Chẳng sao hết, mọi thứ cũng “chưa cần” và rồi sẽ qua “gió lùa khô mau thôi”. Không chỉ được trải nghiệm thiên nhiên mà dường như cái hạnh phúc sung sướng là còn được trực tiếp “gặp bè bạn” được trực diện “Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi”. Nào là thiên nhiên nào là bom đạn khó khăn đấy nhưng có hề chi. Sức mạnh là ở đâu? Là ở những con người xa lạ “Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau” đã trở thành “tri kỉ”, “đồng chí” thành “tiểu đội”; là “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay” (Đồng chí, Chính Hữu). Và hơn thế nữa “là gia đình đấy”; là trong nghịch cảnh họ đã biến “không” thành “có”, biến cái không thể thành cái có thể.

Khổ cuối điệp ngữ “không có” kết hợp liệt kê và tăng cấp: “Không có kính”, “không có đèn”, “không có mui xe” làm nổi bật nghệ thuật đòn bẩy theo kiểu kết cấu đối lập “Chỉ cần trong xe có một trái tim”. Đọc đến đây bất giác tôi lại nhớ đến câu nói của Acsimet “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng cả Trái đất lên. “Điểm tựa” là trái tim “vì miền Nam phía trước” là lòng yêu nước say mê lý tưởng cách mạng “Mặt trời chân lí chói qua tim” (Từ ấy, Tố Hữu). Đồng điệu với bài thơ này ta cũng bắt gặp trong bài “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh: “Cháu chiến đấu hôm nay/ Vì lòng yêu Tổ quốc/ Vì xóm làng thân thuộc/ Bà ơi, cũng vì bà”.

Tranh vẽ về tiểu đoàn xe không kính trên con đường Trường Sơn huyền thoại.
Tranh vẽ về tiểu đoàn xe không kính trên con đường Trường Sơn huyền thoại.

3.

Cả hai bài thơ đều có sự gặp gỡ ở sự “không có”. Nếu bài thơ “Bạn đến chơi nhà” ngay cả miếng trầu cũng “không có” (nghi lễ giao tiếp thông thường) thì “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” lại là “không kính, không đèn, không mui”. Nhưng cái kì diệu nhất, cái đẹp nhất là sự đồng điệu của hai thi nhân là ở cái “có”. Cái có trong bài thơ “Bạn đến chơi nhà” hội tụ trong câu kết “Bác đến chơi đây ta với ta”. Không phải “ta với ta” trong cô đơn thiếu người sẻ chia của Bà Huyện Thanh Quan (Qua đèo Ngang) mà tôi với bác, tuy hai mà một. Thiếu vật chất nhưng thết đãi nhau bằng bữa tiệc của tình bạn chân thành, ấm cúng.

Mọi nghi thức, lễ nghĩa có thể chưa đầy đủ (biết bao nhiêu là đủ?) nhưng tâm hồn luôn đủ đầy (thế là đủ!). Biết rằng một cụ Tam nguyên Yên Đỗ thanh liêm, cáo quan về ở ẩn cũng chẳng thiếu thốn đến vậy đâu (hay từ người rồi gà cá đến rau quả thiếu và chưa đến kì trùng hợp kì lạ vậy sao?). Chẳng qua, cụ cường điệu, pha chút tự trào, tếu táo cho vui cùng ông bạn thân thiết, mừng quá “Đã bấy lâu nay bác tới nhà” mà lúng túng băn khoăn làm sao thiết đãi bạn hiền cho xứng.

Tương tự, chiếc xe trong mưa bom bão đạn đã trần trụi đến biến dạng. Sự đối lập được cấu tứ ngay từ đầu, phát lộ dần dần và đẩy đến đỉnh điểm ở khổ cuối. Song hành và chuyển đổi, trong cái “không” chứa đựng cái “có”. Một điểm nhận thấy nữa ở hai bài thơ là cái “không có” là cái cụ thể, xác thực có thể cân đo đong đếm được, ngược lại cái “có” là tinh thần “ta với ta” và vô cùng vô tận của thiên nhiên, bạn bè, gia đình, miền Nam… của “trái tim cầm lái”. Đúng là hoàn cảnh biến “có” thành “không”, ta lại biến “không” thành “có”. Tưởng “không có” mà hóa ra lại có tất cả. Tất cả từ tình bạn… đến tình yêu Tổ quốc gói gọn trong hai chữ giản dị mà thiêng liêng: “TRÁI TIM”.

4.

Sẽ là chưa đầy đủ nếu như không đề cập một chút đến ngôn ngữ của hai bài thơ. Theo tôi, một lần nữa cái duyên gặp gỡ lại được thể hiện ở cách dùng từ ngữ thật mộc mạc, giản dị đến không ngờ. Thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật thường mực thước, trang trọng hay dùng nhiều từ Hán Việt lại được Nguyễn Khuyến tinh tế thuần nôm từ thi liệu (cá, gà, cải, cà, bầu, mướp, trầu không) đến các tính từ: Sâu, cả, rộng, thưa và các phó từ: Chửa, mới, vừa, đương… Trong khi đó, Phạm Tiến Duật gây bất ngờ ngay từ đầu nhan đề với hai chữ “Bài thơ” và câu đầu chất văn xuôi đã tràn vào thơ; tiếp đến cách dùng từ giàu chất khẩu ngữ: Ừ, chưa cần, phì phèo, ha ha… Chất thơ của đời thường cùng với giọng điệu “trữ tình điệu nói” tếu táo, hồn nhiên đầy chất lính đã tạo nên cái rất riêng làm nên diện mạo phong cách thơ Phạm Tiến Duật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.