Không “kén cá chọn canh”

GD&TĐ - Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, vắc-xin phòng Covid-19 được xem là giải pháp hiệu quả, là trọng tâm ưu tiên trong công tác phòng chống dịch.

Cho nên, quan điểm của nước ta là làm thế nào để có thể tiếp cận được vắc-xin nhanh nhất, độ bao phủ tiêm chủng rộng nhất và an toàn nhất.

Nỗ lực được coi là rất lớn của Chính phủ cũng như Bộ Y tế và các bộ, ngành khác, nhưng dù “chưa biểu hiện rõ ràng”, một bộ phận người dân đã nảy sinh tâm lý “kén cá chọn canh” - khi thuộc diện được tiêm vắc-xin.

Vắc-xin AstraZeneca đã được nhập khẩu và sử dụng tại nước ta. Theo thông báo của nhà sản xuất, loại vắc-xin này có hiệu lực bảo vệ phòng lây nhiễm trên 70% sau khi tiêm liều 1 ít nhất 3 tuần và trên 80% sau liều 2.

Một vấn đề nữa là các loại vắc-xin phòng Covid-19 có mặt ở nước ta hiện nay đều đã được Tổ chức Y tế Thế giới tiền khẳng định, khuyến cáo sử dụng và đều có hiệu quả tương đương.

Tuy nhiên, cũng như nhiều loại khác, vắc-xin Covid-19 không có hiệu quả phòng bệnh 100%. Không có vắc-xin nào an toàn tuyệt đối mà tùy loại sẽ có tỷ lệ nhất định người tiêm có phản ứng sau tiêm. Đây có lẽ là lý do chính khiến nảy sinh tâm lý “ngập ngừng”, kén chọn trong một bộ phận người dân.

Cần nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh giải pháp 5K, vắc-xin là biện pháp quan trọng để đẩy lùi dịch bệnh. Cho nên, vấn đề còn lại là nhận thức của mỗi người.

Về lý thuyết, vắc-xin là chế phẩm có tính kháng nguyên có nguồn gốc từ vi sinh vật gây bệnh hoặc vi sinh vật có cấu trúc kháng nguyên giống vi sinh vật gây bệnh, đã được bào chế bảo đảm độ an toàn cần thiết, làm cho cơ thể tự tạo ra tình trạng miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh, giúp nâng cao khả năng kháng bệnh của cơ thể.

Trước khi được lưu hành, vắc-xin phải trải qua các bước thử nghiệm lâm sàng, phải đạt tiêu chuẩn và phải được sự chấp thuận của cơ quan chức năng.

Vậy nên, cho dù người dân có quyền lo ngại về chất lượng, có quyền lựa chọn loại hàng hóa được coi là tốt hơn thế nhưng, vắc-xin phòng Covid-19 không phải là hàng hóa đơn thuần có thể dễ dàng mua bán, trao đổi trên thị trường.

Để có được vắc-xin, Chính phủ đã nỗ lực đến mức tối đa, huy động, vận động, bằng mọi cách sớm nhất, nhanh nhất để người dân được tiếp cận với vắc-xin, nhằm tạo miễn dịch cộng đồng, từ đó từng bước đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh.

Cho nên trong bối cảnh hiện nay, không có lý do gì để “kén cá chọn canh”. Brazil là ví dụ điển hình cho tâm lý này và đã phải “trả giá đắt” với số người chết vì Covid-19 vượt mốc 500.000 nhưng người dân vẫn từ chối tiêm các loại vắc-xin mà họ cho là “không đạt chuẩn” để chờ loại vắc-xin mà họ tin là tốt hơn.

Thực tế, không có loại vắc-xin nào có thể giúp chúng ta hoàn toàn không bị lây nhiễm virus. Và loại vắc-xin tốt nhất chính là loại đầu tiên mà mình tiếp cận được. Nên việc cần thiết trong lúc này là tuân thủ kế hoạch tiêm chủng của cơ quan chức năng.

Bởi như khẳng định của Bộ Y tế thì bảo đảm an toàn cho người được tiêm vắc-xin là ưu tiên cao nhất. Các đơn vị thực hiện tiêm chủng phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Chính phủ, Bộ Y tế về sử dụng vắc-xin, giám sát chặt chẽ việc bảo quản, vận chuyển để bảo đảm chất lượng tốt nhất...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.