Không gian văn hóa từ đáy sông Hương

GD&TĐ - “Thái tộc từ đường” với hàng nghìn cổ vật gốm sứ thuộc các giai đoạn lịch sử, được trục vớt từ sông Hương đã quy tụ để kể câu chuyện đặc sắc về xứ Huế.

“Thái tộc từ đường” - khu nhà vườn độc đáo trưng bày các hiện vật gốm sông Hương. Ảnh: Thanh Tung Nguyen
“Thái tộc từ đường” - khu nhà vườn độc đáo trưng bày các hiện vật gốm sông Hương. Ảnh: Thanh Tung Nguyen

“Thái tộc từ đường” là một trong những khu nhà vườn độc đáo được xây dựng cách đây khoảng 200 năm với kiến trúc nhà rường truyền thống xứ Huế. Tại đây, đã và đang hình thành một không gian văn hoá về gốm dưới đáy sông Hương.

Kể chuyện lịch sử từ gốm

GS.TS Thái Kim Lan đã dành nhiều tâm huyết để xây dựng và hình thành Bảo tàng gốm sông Hương tại không gian nhà vườn – từ đường của gia đình.

Không chỉ là một bảo tàng tư nhân, ngôi từ đường nổi tiếng này từng diễn ra các chương trình âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Phạm Duy và những buổi triển lãm áo dài hay giao lưu thơ ca…

Để tạo dựng lại không gian văn hoá đặc sắc của Huế, GS.TS Thái Kim Lan đã từ Đức trở về và phải mất vài năm để dọn dẹp, cải tạo lại không gian. Bà bền bỉ nhặt từng viên ngói, từng cái nan gỗ, từng chiếc vò đất nung bị mẻ rồi trân trọng sắp xếp những món đồ này theo cách bài trí mang dáng dấp Huế xưa.

“Tôi tạo dựng không gian này trước hết là vì mục đích văn hóa, để người ta đến và cảm nhận được một phần của Huế, của đời sống gia đình xứ Huế ngày xưa - cả về không gian sinh hoạt cũng như không gian sáng tạo nghệ thuật”, GS.TS Thái Kim Lan chia sẻ.

Khoảng 40 năm trước, gia đình GS.TS Thái Kim Lan ở Huế đã tiến hành sưu tầm cổ vật dưới dòng sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu... như một cách để hiểu sâu sắc hơn về văn hoá lịch sử Huế.

Đến nay, bộ sưu tập gốm cổ sông Hương của cố họa sĩ Thái Nguyên Bá và GS.TS Thái Kim Lan đã lên đến vài nghìn hiện vật. Trong đó có không ít tiêu bản quý hiếm và tiêu biểu của các nền văn hóa Sa Huỳnh – Chăm pa - Đại Việt.

Các hiện vật đã tạo nên hình hài, phản chiếu được lịch sử của vùng đất. Khi hội tụ trong không gian văn hoá, chúng sẽ tự thân kể câu chuyện về sông Hương và lịch sử xứ Huế, giúp công chúng hiểu hơn về các giá trị văn hóa của xứ sở.

“Với việc xây dựng Bảo tàng gốm sông Hương, xem như tôi đã thực hiện được tâm nguyện của hai người anh đi trước luôn ấp ủ mà chưa làm được. Đó là người anh ruột của tôi, cố họa sĩ Thái Nguyên Bá, và nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan”, GS.TS Thái Kim Lan chia sẻ.

Thừa Thiên - Huế với vị thế là “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN” với nhiều quần thể và cụm di tích đặc biệt, để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Cố đô Huế cũng là một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng hệ thống chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện cho việc thành lập một số bảo tàng ngoài công lập. Bởi vậy, sự đặc sắc và đa dạng của văn hoá Huế ngày càng được lan toả bởi các bảo tàng với chuyên đề trưng bày đặc trưng, mà không gian gốm sông Hương là một ví dụ.

Độc đáo sông Hương

GS.TS Thái Kim Lan tâm huyết kể câu chuyện lịch sử văn hoá Huế qua hiện vật gốm. Ảnh: Thanh Tung Nguyen
GS.TS Thái Kim Lan tâm huyết kể câu chuyện lịch sử văn hoá Huế qua hiện vật gốm. Ảnh: Thanh Tung Nguyen
“Bảo tàng là một hạ tầng lịch sử văn hóa, giúp cho giới trẻ hiểu thêm về lịch sử Huế. Với du khách nước ngoài, để họ thấy được chúng ta có “của báu” ở trong nhà của người Việt Nam. Qua đó, người trẻ sẽ có được niềm tự hào về bản sắc văn hóa” – GS.TS Thái Kim Lan.

TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên – Huế, cho hay: “Sưu tập gốm sông Hương của cố họa sĩ Thái Nguyên Bá và GS.TS Thái Kim Lan không chỉ quý giá mà còn rất đẹp, đầy đủ các loại hiện vật tiêu biểu cho hầu hết các thời kỳ lịch sử.

Và gần đây, do những cơ duyên đặc biệt, một số hiện vật có giá trị của nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan đã được tích hợp vào bộ sưu tập này, khiến nó càng thêm phong phú và quý giá”.

Theo ông Hải, vừa qua hội đồng chuyên môn của Sở có buổi làm việc thẩm định đề án thành lập Bảo tàng gốm sông Hương. Các thành viên hội đồng đã thống nhất thông qua đề án thành lập bảo tàng. Thủ tục đang được hoàn tất để trình UBND tỉnh ra quyết định thành lập.

Hiện tại, GS.TS Thái Kim Lan đã có trong tay 4 bộ sưu tập quý gồm: Bộ sưu tập gốm sông Hương, bộ sưu tập áo dài triều Nguyễn, bộ sưu tập đồ đồng, bộ sưu tập đồ gỗ.

“Trước mắt, tại đây sẽ xây dựng Bảo tàng gốm sông Hương, nhưng sau này sẽ phát triển thêm và mong muốn trở thành Bảo tàng sông Hương để mở rộng nội dung và quy mô hơn”, GS.TS Thái Kim Lan cho biết.

Với những gì đang có, GS.TS Thái Kim Lan cho biết, bản thân bà chưa thấy con sông nào có lớp trầm tích dày đặc, kéo dài cả không gian lẫn thời gian như sông Hương. Trong số các “dòng sông cổ vật” nổi tiếng ở Việt Nam, có lẽ sông Hương là một trường hợp độc đáo và hiếm thấy nhất.

Không gian trưng bày hiện vật của bảo tàng có diện tích khoảng 500m2, với bốn nội dung. Không gian một với chủ đề “Sông Hương dưới góc nhìn địa văn hóa”; không gian hai “Đi tìm thời gian đã mất”; không gian ba với chủ đề “Sông Hương kể chuyện” và không gian bốn là “Gốm cổ trong đời sống xưa và nay”.

Gần 5.000 hiện vật gốm cổ đang lưu giữ là hiện vật được trục vớt, lặn tìm từ dòng sông Hương. Trong đó, còn có những hiện vật gốm từng được sản xuất từ làng cổ Phước Tích. Những hiện vật sẽ được sắp xếp với không gian trưng bày phù hợp, theo từng chuỗi câu chuyện về dòng sông Hương.

Bảo tàng gốm sông Hương, hay các bảo tàng tư nhân khác có thể tồn tại lâu dài và phát huy chức năng hữu hiệu. TS Phan Thanh Hải cho rằng, từ kinh nghiệm thực tiễn là các bảo tàng ngoài công lập cần kết hợp với dịch vụ thích hợp để đáp ứng nhu cầu của du khách, vừa tạo ra nguồn lợi duy trì hoạt động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.