Không gian văn hóa trong trường đại học: Vun vén giá trị thực

GD&TĐ - Không gian văn hóa trong trường đại học được xem là nền tảng để định hình và xây dựng thế hệ thanh niên mang đậm bản sắc và nhân cách con người Việt Nam.

Nhiều không gian giao lưu văn hóa được chính sinh viên dựng nên từ các hoạt động vì cộng đồng. Ảnh: TG
Nhiều không gian giao lưu văn hóa được chính sinh viên dựng nên từ các hoạt động vì cộng đồng. Ảnh: TG

Hiểu được giá trị mà môi trường và không gian văn hóa mang lại cho sinh viên, nhiều năm qua các trường đại học đặc biệt chú trọng phát triển không gian học thuật và lan tỏa giá trị văn hóa của người Việt. 

Bồi đắp tri thức, văn hóa qua sân chơi

Ở các trường đại học - cao đẳng, ngoài việc xây dựng không gian học tập, nghiên cứu, rèn luyện thể chất thì yếu tố không thể thiếu chính là không gian văn hóa cho sinh viên. Các không gian sinh hoạt, giải trí hay giáo dục được các trường tổ chức, lồng ghép thông qua hoạt động nghệ thuật, sân chơi văn hóa hay đội nhóm, câu lạc bộ (CLB) như: CLB guitar, văn học, văn học - nghệ thuật, ẩm thực…

ThS Đặng Kiên Cường - Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh - nhìn nhận, trong mỗi nhà trường, văn hóa được xây dựng trên các mối quan hệ tương hỗ. Quan hệ ấy có thể giữa con người với thiên nhiên, cảnh quan; con người với con người. Trong đó, quan hệ thầy – trò và sinh viên với sinh viên có vai trò quan trọng nhất, bởi hoạt động giáo dục trong nhà trường chủ yếu diễn ra hai chiều giữa hai mối quan hệ này và ảnh hưởng đến các mối quan hệ khác.

“Các hoạt động văn hóa, không gian văn hóa được các trường đại học - cao đẳng xây dựng rất đa dạng. Nó có thể là hoạt động tìm hiểu về giá trị văn hóa của một làng nghề, cuộc thi về âm nhạc truyền thống, hay đơn thuần là triển lãm sắc phục của các dân tộc anh em. Tuy vậy, mục tiêu hướng tới vẫn là xây dựng và định hình cho sinh viên giá trị nền tảng của dân tộc, nét đặc trưng về văn hóa địa phương, vùng miền… Thông qua hoạt động giao lưu, trải nghiệm, sinh viên có thể tích lũy những góc nhìn riêng về văn hóa dân tộc”, ThS Đặng Kiên Cường cho biết.

Cũng khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng không gian văn hóa cho sinh viên trong các trường đại học, PGS.TS Hà Minh Hồng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Hồ Chí Minh - tin tưởng: Khi các trường thực hiện và xây dựng được nhiều chiều không gian văn hóa (lịch sử văn hóa, văn hóa đọc, danh nhân, ứng xử, sống đẹp…), giá trị vun vén và tạo dựng cho sinh viên sẽ là rất lớn.

“Hiện, các trường đại học, học viện đều có không gian về mặt địa lý, vật chất để xây dựng không gian cụ thể giống như các phòng Hồ Chí Minh trong quân đội. Không gian văn hóa trong đại học chắc chắn có nhiều hoạt động hơn, gắn liền với đời sống kinh tế, đời sống xã hội, khoa học, công nghệ của đất nước.

Vì vậy, việc phát triển và định hình các không gian văn hóa như phòng văn hóa, phòng đọc, điểm sinh hoạt Hồ Chí Minh… chắc chắn sẽ có sức hút với sinh viên, đem lại hiệu quả thiết thực cho các trường, đội ngũ trí thức. Việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh đang được Thành ủy TP Hồ Chí Minh thực hiện. Mục tiêu là xây dựng văn hóa và con người phát triển đồng bộ gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, PGS.TS Minh Hồng nói.

Chia sẻ quan điểm về văn hóa học đường, GS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh - cho biết: Đây là tập hợp những quan hệ khăng khít, trong đó mối quan hệ giữa thầy với trò, nhà trường với người học là cấu trúc chính. Những thành phần này vừa kế thừa, kiến tạo giá trị, kinh nghiệm lịch sử của xã hội loài người đã tích lũy trong quá trình xây dựng hệ thống giáo dục và hình thành nhân cách của người học. Vì vậy, các giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa cần được các trường đại học khéo léo đưa vào không gian văn hóa cụ thể, để tạo sức hấp dẫn cho sinh viên, cũng như thông qua hoạt động, giá trị văn hóa thẩm thấu, len lỏi và định hình nơi thế hệ trẻ.

Các hoạt động văn hóa, nhân ái hướng về cộng đồng của sinh viên luôn để lại nhiều giá trị tốt đẹp. Ảnh: TG
Các hoạt động văn hóa, nhân ái hướng về cộng đồng của sinh viên luôn để lại nhiều giá trị tốt đẹp. Ảnh: TG

Xây dựng thế hệ giàu truyền thống dân tộc

Nhiều người quan niệm không gian văn hóa học đường được hình thành và thiết lập ở ngay trong lớp học. Nhưng thực tế lại cho thấy, thư viện, CLB, giờ học quân sự, thể dục thể thao hoặc thậm chí những giờ nghỉ giải lao cũng cần thiết phải xây dựng một trật tự văn hóa học đường.

Nhìn nhận về mục tiêu chung của việc xây dựng không gian văn hóa trong các nhà trường, đặc biệt là xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, theo ông Nguyễn Thọ Truyền - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh,  mục tiêu của việc thúc đẩy các không gian văn hóa trong nhà trường, giảng đường đại học là tạo điều kiện cho người dân, nhất là thanh, thiếu nhi phát triển toàn diện về nhân cách, đạo đức, tuân thủ pháp luật, sống có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần hình thành bản sắc riêng của TP Hồ Chí Minh.

“Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống văn hóa… nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo mỗi người vì mọi người, đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng, chống bạo lực trong gia đình, nhà trường, xã hội. Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về lâu về dài sẽ mang lại những giá trị tích cực cho thế hệ trẻ”, ông Truyền nhấn mạnh.

Còn theo ông Nguyễn Thành Trung - Bí thư Đoàn Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, sự hình thành văn hóa của học sinh, sinh viên chịu sự giáo dục rất lớn từ gia đình – nhà trường – xã hội và luôn luôn cần sự hỗ trợ, kết hợp của 3 nhân tố này.

Thực tế, quan niệm sống theo hướng Tây hóa của một bộ phận giới trẻ đã làm thay đổi giá trị gia đình (lối sống tự do, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lỏng lẻo…) cùng tác động trực tiếp từ môi trường xã hội (sự vô cảm, quá coi trọng giá trị vật chất, ưa hưởng thụ…) đã ảnh hưởng tiêu cực đến thế hệ trẻ khiến những ứng xử văn hóa của một bộ phận học sinh, sinh viên ngày càng xuống cấp.

“Điều này khẳng định việc xây dựng các không gian văn hóa trong nhà trường, giảng đường đại học mang tính cấp thiết hơn lúc nào hết. Bởi thực tế, việc hình thành “phông văn hóa” của học sinh, sinh viên, người thầy đóng vai trò là trung tâm, quan trọng nhất. Nhiều học sinh có ấn tượng xấu với hành vi ứng xử tiêu cực của thầy, cô giáo như mắng, trừng phạt khiến các em đau khổ về thể xác, tinh thần… Nhưng với những lối ứng xử và hành xử văn minh, giàu tính văn hóa của thầy, cô giáo với sinh viên, giá trị đọng lại không hề nhỏ”.

“Văn hóa học đường hiện đại đòi hỏi thầy và trò phải có quan hệ gần gũi, thân thiện, cởi mở và được tôn trọng. Tính văn hóa và nhân văn được đề cao trong mối quan hệ thầy - trò. Để đạt được mục tiêu đào tạo có chất lượng cao trong một không gian văn hóa học đường hiện đại, đòi hỏi cả thầy và trò phải tự thay đổi và vươn lên cho phù hợp với thời đại”. - Ông Nguyễn Thành Trung - Bí thư Đoàn Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Joshua Zirkzee đang nằm trong kế hoạch mua sắm của Arsenal.

Arsenal nhắm tiền đạo của Bayern Munich

GD&TĐ - Theo Mirror, Arsenal muốn mời tiền đạo ngôi sao của Bologna - Joshua Zirkzee một bản hợp đồng đến năm 2029, với mức lương hàng năm là 5 triệu Bảng.