Không gian văn hóa cho học đường: Quy tắc ứng xử trong bối cảnh mới

GD&TĐ - Quy tắc ứng xử trong trường học là một trong những giải pháp quan trọng nhằm xây dựng văn hóa học đường.

Giảng viên Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng tham gia trải nghiệm với tư cách người học theo mô hình lớp học trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Giảng viên Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng tham gia trải nghiệm với tư cách người học theo mô hình lớp học trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Trong bối cảnh hình thức dạy linh hoạt chuyển đổi, trường học đã có những quy định phù hợp để vừa duy trì kỷ luật nhưng học sinh, sinh viên vẫn có cơ hội phát triển, phát huy sáng tạo. 

Khuyến khích người học tự chủ

Sau khai giảng năm học 2021 – 2022, Đà Nẵng triển khai dạy học trực tuyến với tất cả bậc học. Cô Trần Thị Kim Bình – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (quận Sơn Trà) - cho biết: Với học sinh lớp trên, phụ huynh đã quen với hình thức học trực tuyến của con từ các đợt dịch trước. Nhưng với lớp Một, môi trường học tập mới hoàn toàn, các con còn quá nhỏ, chưa quen thao tác máy móc nên vẫn cần có sự hỗ trợ của phụ huynh.

Tuy nhiên, có một số phụ huynh khi ngồi học cùng con lại sốt ruột dẫn đến la mắng, thậm chí đánh con. Vì vậy, nhà trường hướng dẫn cho giáo viên chủ nhiệm khối lớp Một trao đổi với phụ huynh trong cách hỗ trợ con học trực tuyến. Trong 3 tuần đầu tiên, phụ huynh có thể ngồi học cùng con để hướng dẫn các thao tác thường sử dụng trong giờ học như bật/tắt mic, làm quen dần với sách, vở của từng môn học. Sau thời gian này, phụ huynh nên để học sinh tự chủ trong giờ học, tập dần cho con quen với một giờ học thực tế.

Trường Tiểu học Ngô Gia Tự đã xây dựng nội quy lớp học trực tuyến với 5 quy định ngắn gọn, dễ nhớ. Trong đó, có một quy định đặc thù của hình thức học online là “luôn bật camera để chúng ta có thể nhìn thấy nhau”. Ngoài ra, cần tắt mic để tránh tạp âm, giữ trật tự cho không gian lớp học. Học sinh cũng cần phải ứng xử văn minh trong giờ học, như tập trung nghe giảng, giơ tay khi phát biểu, lắng nghe khi người khác nói và không làm việc riêng.

Theo cô Nguyễn Thị Việt Hà - Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), những quy định chung trong quá trình học online đã giúp học sinh thực hiện nội quy tiết học, tương tác tốt với giáo viên. Vì dạy học trực tuyến còn phụ thuộc vào chất lượng mạng, thiết bị kết nối… vì vậy, giáo viên có sự linh động nhưng phải có nội quy để học sinh, phụ huynh cùng có trách nhiệm, đảm bảo hiệu quả giáo dục.

Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu, Đà Nẵng) có 12 giáo viên tiếp xúc gần F0 thực hiện tự cách ly ở nhà và tiến hành dạy trực tuyến. Vì vậy, trong thời gian này, một số lớp khối 10, 11 có tiết dạy của những thầy cô này sẽ học trực tuyến tại trường thông qua thiết bị kết nối tại phòng học. Em Kim Ngân cho biết: “Với những tiết học không có thầy cô giáo tại lớp, chúng em phải thực hiện công tác tự quản. Vì lớp được tăng cường thêm loa mini nên âm lượng đủ nghe. Cả lớp theo dõi bài học và thực hiện hoạt động học tập theo yêu cầu của giáo viên thông qua máy chiếu. Một vài tiết đầu khi chúng em chưa quen học trực tuyến tại lớp có sự hỗ trợ của tổ giáo vụ; thầy cô trong ban giám hiệu cũng có ghé thăm lớp”.

Với dạy học trực tuyến ở bậc đại học, mô hình lớp học đảo ngược đã phát huy tối đa hiệu quả để giảm thời gian sinh viên phải ngồi trước máy tính. TS Nguyễn Thị Ngọc Tuyền, Khoa Ngôn ngữ Nhật – Hàn – Thái (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng) giao ước với sinh viên việc tham gia xây dựng bài trong mỗi tiết học sẽ chiếm 20% tổng điểm đánh giá học phần; nếu không tham gia sẽ chịu 0 điểm bài tập.

“Mỗi lần sinh viên phát biểu trả lời câu hỏi, dù sai hay đúng đều được cô giáo tặng một dấu gạch. Người có tổng số gạch nhiều nhất được quy đổi thành 10 điểm và hạ dần xuống người thấp nhất. Các em rất muốn và cũng dễ kiếm điểm bằng cách tham gia phát biểu. Vì vậy, dù không điểm danh nhưng sinh viên vẫn lên lớp và phát biểu tích cực nhất có thể”, cô Tuyền cho hay.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng tham gia khóa học trực tuyến miễn phí về Kỹ năng giao tiếp trên môi trường mạng xã hội & Kỹ năng viết email.
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng tham gia khóa học trực tuyến miễn phí về Kỹ năng giao tiếp trên môi trường mạng xã hội & Kỹ năng viết email. 

Giảng viên đóng vai sinh viên

Từ ngày 6/12, sinh viên năm thứ nhất đang trú tại TP Đà Nẵng của Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng tham gia học trực tiếp tại trường. Đối với những sinh viên ở các địa phương khác, vẫn học trực tuyến và được kết nối từ phòng học trực tiếp. Các phòng học được chia thành 2 khu vực hỗ trợ dành riêng cho phần mềm giảng dạy trực tuyến thông dụng: Google Meet và Microsft Teams. Mỗi giảng viên đều phải thuần thục cách lắp đặt camera, kết nối hình ảnh - âm thanh cũng như cảm quan không gian lớp học để đảm bảo giảng dạy cho lớp học trực tiếp và các sinh viên đang ở nhà học trực tuyến.

Trước đó, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng cho giảng viên tham gia một lớp học thực tế kết hợp trực tuyến – trực tiếp với tư cách người học. PGS.TS Lê Văn Huy – Phó Hiệu trưởng nhà trường - thông tin: “Việc đóng vai là người học giúp giảng viên trải nghiệm thực tế tốt hơn, từ đó có cách truyền thụ kiến thức và tương tác với sinh viên một cách hiệu quả. Các thầy cô đều có kinh nghiệm dạy học trực tuyến hoặc trực tiếp, nhưng kết hợp cả hai hình thức dạy học cùng một lúc thì không phải ai cũng có thể thích ứng ngay được. Vì vậy, nhà trường đã tổ chức 2 ngày dạy thử, giảng viên vừa đóng vai sinh viên vừa là người đứng lớp”.

Giảng viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng được yêu cầu lưu videoclip buổi giảng, thảo luận trực tuyến giữa giảng viên và sinh viên bằng công cụ Microsoft Teams và cung cấp đường link để sinh viên xem lại. Trường hợp cần điều chỉnh thời gian buổi học đối với lớp học phần đại học, giảng viên phải thực hiện báo nghỉ dạy/đăng ký dạy bù trên hệ thống quản lý đào tạo trước giờ dạy ít nhất 12 tiếng để sinh viên kịp tham dự lớp. Ngoài ra, phải đảm bảo không ảnh hưởng đến thời khóa biểu học tập lớp khác của sinh viên…

Cô Đinh Thị Nga – giáo viên Địa lý, Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) - chia sẻ: Giáo viên không nhất thiết phải bắt học sinh bật camera trong giờ học trực tuyến mới quản lý được. Nhiều em viện lý do máy bị hỏng camera để không phải bật. Nắm được tâm lý đó, giáo viên chỉ cần thỏa thuận với học sinh các quy định của tiết học. Như nếu gọi 3 lần mà không trả lời câu hỏi hoặc không phản hồi tin nhắn đồng nghĩa không tham gia buổi học đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.