Tuy nhiên, đây được cho là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, cả về phương diện xây dựng chính sách lẫn tổ chức thực hiện.
Kiên trì xây dựng văn hóa nhà trường
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về xây dựng văn hóa học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Ngành Giáo dục đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tập trung triển khai, xây dựng nhiều nội dung như: Cơ sở vật chất trường học theo tiêu chí an toàn, thân thiện, đạt chuẩn; môi trường giáo dục văn minh, nhân ái, xanh - sạch - đẹp; “văn hóa ứng xử học đường văn minh, thanh lịch”, “văn hóa giao tiếp” trong các cơ sở giáo dục.
Những biểu tượng, khẩu hiệu, lễ nghi, hoạt động ứng xử văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông, phát huy giá trị truyền thống, ý thức, tình cảm, niềm tin… được chú trọng trong nhà trường. Các nội dung trên được triển khai lồng ghép với hoạt động dạy học và giáo dục, phong trào, hội thi... một cách khoa học, chặt chẽ, phù hợp với lứa tuổi học sinh, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đặt ra với từng cấp học, tạo điều kiện để các em phát triển kỹ năng sống, đặc biệt xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện, tích cực.
Theo nhận định của GS.TS Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, các cơ sở giáo dục từ mẫu giáo, phổ thông đến đại học, đa số đều kiên trì xây dựng văn hóa nhà trường và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong giáo dục nhân cách cho học sinh, sinh viên.
Các nhà trường đã thực hiện nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động như: “Dạy tốt, học tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường”, “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp”...
Đồng thời, rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các khẩu hiệu phù hợp, tạo chuyển biến tốt về môi trường văn hóa trong nhà trường. Ngành Giáo dục cũng phối hợp với các ngành liên quan tổ chức hiệu quả nhiều hoạt động văn hóa, phong trào của Đoàn, Hội, Đội (Sinh viên 5 tốt, Khi tôi 18, Học sinh 3 rèn luyện, Đôi bạn cùng tiến, Nghìn việc tốt...), góp phần xây dựng văn hóa học đường.
“Có thể thấy, phần lớn thế hệ trẻ ngày nay có vốn kiến thức rộng, nhanh nhạy nắm bắt thông tin, có tinh thần học hỏi, khả năng áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn cao, kính thầy, mến bạn, sống nền nếp, có ý chí và khát vọng vươn lên và không ngừng cố gắng trong học tập. Các kỳ Olympic, kỳ thi quốc tế và khu vực, học sinh Việt Nam luôn giành được giải cao, làm rạng rỡ và tăng thêm vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Riêng ở Nghệ An, ngành Giáo dục đã có nhiều biện pháp, chỉ đạo xây dựng văn hóa học đường có hiệu quả. Hầu hết các trường trên địa bàn đều chăm lo xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn. Công tác truyền thông được chú trọng, hệ thống panô áp phích, khẩu hiệu phù hợp với từng đối tượng học sinh, thuần phong mỹ tục, sứ mệnh và mục tiêu phấn đấu của nhà trường. Các thể chế, thiết chế văn hóa được nhà trường tổ chức xây dựng và đầu tư, tạo môi trường văn hóa để giáo dục học sinh.
Các cơ sở giáo dục luôn chăm lo hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Sở GD&ĐT có văn bản chỉ đạo cơ sở giáo dục tạo cơ hội cho học sinh tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm, tổ chức tham quan tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng.
Quan hệ giữa thầy và trò, giữa thầy với thầy, trò với trò, giữa nhà trường với phụ huynh học sinh và cộng đồng được quan tâm đúng mức, góp phần xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh, thân thiện, không còn các tệ nạn, bạo lực, xâm hại, hình thành tốt các phẩm chất, năng lực cho học sinh” - GS Thái Văn Thành chia sẻ.
Còn nhiều trăn trở
Bên cạnh những kết quả đạt được, văn hóa học đường cũng còn nhiều trăn trở. Trong đó có hiện tượng thiếu trung thực trong dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá; bạo lực học đường; thiếu chuẩn mực trong hành vi, giao tiếp, ứng xử của bộ phận người dạy, người học; còn hiện tượng xâm hại trẻ em trong các cơ sở giáo dục…
Lo lắng trước thực trạng văn hóa học đường hiện nay, cô Nguyễn Thị Như Quyến, Trường ĐH Đồng Tháp, đặc biệt nhắc tới bối cảnh xã hội phát triển, quá trình hội nhập, sự ảnh hưởng của công nghệ, đặc biệt là phim ảnh, báo mạng… Bên cạnh tác động tích cực, những yếu tố này cũng có nhiều mặt trái, ảnh hưởng lớn đến môi trường giáo dục lành mạnh trong nhà trường.
Hiện tượng học sinh sử dụng công nghệ với mục đích xấu; những video học sinh đánh hội đồng; thể hiện cách hành xử thiếu chuẩn mực của giáo viên xuất hiện không ít, nhất là trong giai đoạn dạy học trực tuyến. Hành vi và lối ứng xử thiếu văn hóa thể hiện ở cả ngoài đời và không gian mạng đã trở thành nỗi trăn trở ở học đường.
Phân tích có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự giảm sút về giá trị văn hóa học đường, cô Nguyễn Thị Như Quyến nhấn mạnh trước hết đến sự thiếu kiểm soát các thông tin xấu, độc trên Internet, mạng xã hội; sự gương mẫu của ông bà/cha mẹ trong gia đình, thậm chí của thầy cô trong nhà trường chưa tốt. Bên cạnh đó, những quy định của pháp luật đâu đó còn chưa thấu tình đạt lý khiến cho con người ta chai sạn trước nghịch cảnh của đồng loại. Văn hóa giải trí là nhu cầu thiết yếu nhưng cần được tiếp cận phù hợp với độ tuổi; điều này chưa đưa được thực hiện tốt…
Nói về thực trạng cần báo động về văn hóa học đường trong nhiều năm gần đây, thầy Trần Trung Hiếu, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu - Nghệ An và thầy Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai - Nghệ An, cùng nhận định: Chúng ta phải đối mặt với nhiều biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống trên bình diện xã hội nói chung, trong môi trường học đường nói riêng ở nhiều trường phổ thông.
Một bộ phận học sinh vì nhiều nguyên nhân có ứng xử thiếu văn hóa, kém hiểu biết, gây ảnh hưởng đến tinh thần và môi trường văn hóa giáo dục tốt đẹp trong trường học. Hiện tượng học sinh nói xấu người khác, dối trá, nói tục, chửi thề, cãi vã, đánh nhau diễn ra ở nhiều trường học, đặc biệt là học sinh cuối cấp 2. Hiện tượng giáo viên bạo lực, có những hành vi thiếu chuẩn mực với học sinh, dù không phổ biến nhưng cũng góp phần gây nên sự xuống cấp của văn hóa học đường. Bên cạnh đó, một số phụ huynh “cậy quyền”, “cậy tiền” có những hành động thiếu nhân văn, xem thường thầy, cô giáo…
Thiết lập chuẩn mực
PGS.TS Võ Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐHSP - ĐH Đà Nẵng, cho rằng: Xã hội không ngừng phát triển, những vấn đề phát sinh, bất cập trong xã hội không thời nào không có. Tuy nhiên, để gìn giữ những giá trị tốt đẹp, hạn chế bất cập nảy sinh rất cần một nền GD-ĐT thực sự chuẩn mực. Để GD-ĐT thực hiện đúng sứ mệnh của mình dựa trên “nền tảng văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” cần phải thiết lập văn hóa học đường chuẩn mực, đảm bảo các giá trị phổ quát về chân - thiện - mĩ. Giá trị cốt lõi của văn hóa học đường, theo PGS.TS Võ Văn Minh, nên khái quát ở một từ “tôn trọng” và cần truyền thông để toàn xã hội tôn trọng văn hóa học đường.
Còn theo ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, bài học của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, cải cách giáo dục chỉ thành công khi chúng ta gìn giữ, xây dựng được một nền văn hóa học đường lành mạnh, chuẩn mực, bởi việc cải cách phải được thực hiện trong một môi trường, không gian văn hóa học đường cụ thể.
Để làm tốt điều này, đòi hỏi các nhà trường phải hoàn thiện các văn bản về quy định, quy chế ở mức tốt nhất, phù hợp thực tiễn phát triển. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên và gia đình học sinh, sinh viên về sự cần thiết của việc xây dựng văn hóa học đường trong giai đoạn hiện nay. Nâng cao năng lực giáo dục văn hóa ứng xử cho cán bộ quản lý, giáo viên và các lực lượng giáo dục khác. Phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa, lành mạnh, thân thiện cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên.
Cùng với đó, cần nghiên cứu bài bản, sâu sắc dựa trên các cơ sở khoa học chuyên ngành về các mối quan hệ trong nhà trường. Kết quả nghiên cứu sẽ là “chìa khóa” để các cấp, các nhà trường đưa ra các biện pháp, giải pháp trong việc xây dựng một nền văn hóa học đường lành mạnh, chuẩn mực, giá trị - nền tảng thúc đẩy chất lượng đào tạo phát triển.