Không gian văn hóa cho học đường: Không thể tách rời gia đình, xã hội

GD&TĐ - Văn hóa học đường là một phần của văn hóa quốc gia, xã hội. Xây dựng, phát triển văn hóa học đường, trước hết bắt đầu từ thầy và trò nhưng để thành công còn phụ thuộc vào phụ huynh và xã hội.

Nền tảng tinh thần của nhà trường

Theo TS Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, văn hóa học đường là nền tảng tinh thần, hệ thống phức hợp các giá trị, chuẩn mực, niềm tin cùng quan hệ ứng xử và truyền thông, gắn với chức năng đào tạo con người của nhà trường. Theo đó, nhà giáo, người học, cộng đồng nhà trường cùng chia sẻ và theo đuổi các giá trị chuẩn mực, niềm tin trong dạy – học để thực hiện thành công sứ mệnh của nhà trường.

Theo PGS.TS Tạ Quang Đông – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, xây dựng môi trường văn hóa trong trường học là nhiệm vụ quan trọng nhưng phức tạp. Chính vì thế, chúng ta cần huy động sự tham gia và nguồn lực của toàn xã hội, từ ngành Giáo dục, văn hóa, tới cả doanh nghiệp, sự hỗ trợ của gia đình học sinh, sinh viên, đặc biệt là người học.

Ở nước ta, chiến lược phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đã xác định, một trong ba khâu đột phá là tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Xây dựng văn hóa học đường là yêu cầu cấp thiết, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nguồn nhân lực trong 10 năm tới.

TS Nguyễn Thị Mai Hoa nhìn nhận: Thời gian gần đây, ngành Giáo dục có nhiều giải pháp xây dựng văn hóa học đường như cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, triển khai thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học. Qua đó, tạo nên môi trường sư phạm lành mạnh, giáo dục ý thức, kỹ năng sống cho học sinh, nâng cao chất lượng dạy - học.

Nhấn mạnh, xây dựng văn hóa học đường đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp quản lý, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đặc biệt lưu ý sự chủ động, quyết tâm của các cơ sở giáo dục và sự chỉ đạo mạnh mẽ của toàn ngành Giáo dục. Hơn bao giờ hết, cần những nhà giáo chân chính, bản lĩnh, có tầm nhìn và quyết tâm với nghề.

Theo Thứ trưởng, việc lồng ghép giáo dục văn hóa học đường trong các chương trình giáo dục chính khóa đang dần hiệu quả, phù hợp. Chất lượng dạy – học trong các cơ sở giáo dục từng bước được nâng lên. Ý thức học tập, rèn luyện của học sinh, sinh viên có bước chuyển biến căn bản như:

Tinh thần tự học, sáng tạo, tự tin, biết chia sẻ, quan tâm đến mọi người xung quanh, sống có trách nhiệm. Công tác triển khai giáo dục văn hóa học đường được các cơ sở giáo dục thực hiện đầy đủ, đồng bộ, coi đó là nhiệm vụ quan trọng được thực hiện song song với giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Nội dung giáo dục, xây dựng văn hóa học đường được lồng ghép, tích hợp với các môn học, hoạt động giáo dục của mỗi trường.

Hoạt động ngoại khóa của Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Ảnh: TG
Hoạt động ngoại khóa của Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Ảnh: TG

Chỉ nhà trường thì chưa đủ

Là giáo viên dạy Ngữ văn, cô Nguyễn Thị Duyên –Trường THPT Nguyễn Du (Hà Tĩnh) nhận thấy: Để xây dựng văn hóa học đường cần bắt đầu từ thầy và trò, nhưng để thành công cần có sự kết hợp từ gia đình và xã hội. Bởi gia đình là cơ sở, nền tảng, còn xã hội là môi trường giáo dục lớn. Chỉ khi có sự kết hợp hài hòa giữa gia đình, nhà trường và xã hội thì những giá trị giáo dục mới mang lại hiệu quả và bền vững.

Theo cô Duyên, triển khai xây dựng văn hóa trường học, cần nhìn từ các mối quan hệ bên trong và bên ngoài nhà trường cũng như trên môi trường mạng. Học sinh cần có lối sống và ứng xử đúng đắn, chuẩn mực không chỉ ở môi trường học đường, mà cả ở bên ngoài và trên môi trường mạng. Đặc biệt, vấn đề ứng xử trên mạng xã hội của học sinh có nhiều điều cần bàn như tình trạng nói tục, chửi bậy, ăn mặc, thể hiện những suy nghĩ, hành động không phù hợp lứa tuổi hoặc chia sẻ các nội dung đồi trụy, phản cảm, bạo lực… Đây là vấn đề mà giáo dục nhà trường cần quan tâm, có trách nhiệm và quyết liệt hơn để xây dựng văn hóa học đường lành mạnh.

“Ở trường chúng tôi, việc xây dựng văn hóa học đường được chú trọng. Bên cạnh bộ quy tắc ứng xử, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục với các chủ đề: Xây dựng tình bạn đẹp; Bạo lực học đường - những vấn đề cần nhìn nhận; văn hóa ứng xử trên các trang mạng xã hội; giáo dục giới tính… Ngoài ra, trường còn thành lập các câu lạc bộ đọc sách, tiếng Anh, âm nhạc, thể thao… Qua đó, giúp học sinh phát huy năng lực, các kĩ năng mềm; đồng thời xây dựng môi trường văn hóa học đường lành mạnh và tích cực” – cô Duyên chia sẻ.

Theo thầy Nguyễn Văn Tập - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT huyện Nậm Pồ (Điện Biên), văn hóa học đường ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như: Môi trường giáo dục trong nhà trường, gia đình và những tác động từ phía xã hội. Trong đó, nhà trường là nhân tố quan trọng và có tính quyết định. Mỗi nhà trường với những phương châm, triết lí giáo dục và nhân cách của người thầy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành, phát triển nhân cách của học sinh và môi trường văn hóa trong nhà trường.

“Tuy nhiên, để xây dựng môi trường văn hóa học đường lành mạnh, nếu chỉ nhà trường thì chưa đủ, mà cần có sự phối hợp tốt từ phía gia đình, phụ huynh” – thầy Tập trao đổi, đồng thời viện dẫn: Những học sinh sinh ra trong những gia đình bố mẹ hạnh phúc, các em được chăm lo, giáo dục tốt, khi đến trường trở thành những học sinh chăm ngoan. Ngược lại, nếu không được gia đình chăm lo, giáo dục tốt ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách của các em. Nên có thể nói, môi trường xã hội, gia đình ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa học đường.

Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Sinh Hiệp – Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Hồng (Thanh Hà, Hải Dương) – cho rằng: Khó có thể xây dựng văn hóa học đường nếu thiếu môi trường văn hóa gia đình và xã hội. Một người lớn không thể dạy cho trẻ con đừng chửi thề nếu chính người đó lại chửi thề. Tương tự, xây dựng văn hóa học đường không tách ra khỏi cộng đồng, bối cảnh và môi trường sống. Cho nên, nếu môi trường xã hội, đạo đức xã hội suy kém, giao tiếp, ứng xử xã hội có nhiều sa sút, sẽ là lực cản rất lớn để xây dựng và phát triển văn hóa học đường.

Ngày hội văn hóa của Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT huyện Nậm Pồ. Ảnh: NVCC
Ngày hội văn hóa của Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT huyện Nậm Pồ. Ảnh: NVCC

Tăng cường mối quan hệ nhà trường, gia đình và xã hội

Theo thầy Hiệp, bản chất của xây dựng văn hóa học đường là hoạt động của thầy và trò. Người dạy vừa tạo ra môi trường văn hóa, vừa đưa những chỉ dẫn, định hướng đến người học, nhằm mục tiêu xây dựng văn hóa tổ chức, ứng xử, môi trường, chất lượng… Còn hoạt động của người học là tự kiến tạo bản thân qua môi trường văn hóa được tiếp cận và chỉ dẫn đã lĩnh hội; từ đó có hành vi chuẩn mực.

Xây dựng văn hóa học đường, nhìn từ các mối quan hệ bên trong và bên ngoài nhà trường, cũng như trên môi trường mạng, thầy Tập cho rằng, mối quan hệ bên trong chính là thầy - trò. Đây là sợi dây kết nối bền chặt nhất, tạo nên môi trường văn hóa lành mạnh trong nhà trường. Ở mỗi nhà trường, với phương châm, triết lí giáo dục, cùng với nhân cách của thầy, cô giáo sẽ tác động mạnh mẽ đến nhân cách của học sinh. Mỗi ngày đến trường, học sinh được đối xử công bằng, được yêu thương... sẽ tác động tích cực đến nhận thức của các em.

Còn những yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến văn hóa học đường là gia đình và xã hội. Hai yếu tố này tác động không nhỏ đến hình thành và phát triển văn hóa trong nhà trường. Khi gia đình, nhà trường và xã hội có sự phối hợp tốt trong giáo dục, chắc chắn sẽ hình thành nhân cách đẹp, tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh.

Dẫn lại câu nói của Sidney Hook, “thầy cô là trái tim của hệ thống giáo dục”, cô Duyên nhấn mạnh: Sức mạnh của giáo dục không chỉ ở kỉ luật, mà còn là sự cảm hóa. Khi nào thầy cô chiếm được niềm tin yêu, tôn kính của học trò lúc đó có thể làm chủ con đường giáo dục của mình. Do đó, mỗi thầy, cô giáo phải là tấm gương về đạo đức lối sống đối với học trò của mình.

Cô Duyên đề xuất, cần đưa vấn đề xây dựng văn hóa học đường vào kỉ cương, nền nếp của nhà trường từ những nội quy, quy định, bộ quy tắc ứng xử… của trường và lớp học. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh về những giá trị và phẩm chất cốt lõi như: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm… Công tác truyền thông phải thực hiện tốt việc tôn vinh, khen thưởng, nêu gương người tốt việc tốt về ứng xử văn hóa trong trường học.

Trao đổi về các biện pháp phát triển văn hóa học đường, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng – giảng viên cao cấp Học viện Quản lý Giáo dục – nhấn mạnh: Cần quán triệt rõ ràng cho toàn thể thành viên của nhà trường; trước hết là cán bộ quản lý và các thầy, cô giáo về mục tiêu giáo dục; Đồng thời, tăng cường mối quan hệ nhà trường với chính quyền và cộng đồng địa phương. Thông qua mối quan hệ này, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục. Duy trì và mở rộng sự quan tâm của chính quyền địa phương vào xây đựng và phát triển nhà trường nói chung và văn hóa học đường nói riêng.

Lãnh đạo nhà trường cần có cơ chế và thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với cha mẹ học sinh. Qua đó, biết được hoàn cảnh của các em để có biện pháp phối hợp trong giáo dục văn hóa và đạo đức cho học trò.

Có thể nói, môi trường văn hóa học đường gắn chặt và tác động qua lại với môi trường bên ngoài cũng như môi trường mạng; nhất là trong thời đại 4.0 và bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, nhiều nhà trường phải dạy học online. Đây là điều kiện để giáo viên, học sinh tiếp cận không gian mạng, với nhiều tiềm ẩn, rủi ro, bởi “mạng ảo, nhưng hậu quả thật” – thầy Hiệp bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ