Không dùng tiền ngân sách mua bán nợ xấu

Không dùng tiền ngân sách mua bán nợ xấu

(GD&TĐ) - Đó là khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tại nghị trường Quốc hội sáng 1/11, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII đang diễn ra, khi báo cáo về tình hình xử lý nợ xấu và hoạt động của Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sau gần 4 tháng được thành lập.    

Thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình (giữa) trao đổi với Bí thư thành Ủy TP.HCM Lê Thanh Hải (trái) và đại biểu quốc hội Trần Du Lịch - Ảnh: Việt Dũng
Thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình (giữa) trao đổi với Bí thư thành Ủy TP.HCM Lê Thanh Hải (trái) và đại biểu quốc hội Trần Du Lịch - Ảnh: Việt Dũng/Tuổi trẻ

Trước băn khoăn của một số đại biểu về mô hình và hiệu quả hoạt động thực tế của VAMC, ông Bình cho biết nhiều quốc gia trên thế giới cũng có công ty tương tự, nhưng do mỗi nước có hoàn cảnh khác nhau thì người ta sử dụng lượng tiền lớn ngân sách để mua lại nợ của các TCTD. 

Nước ta còn nhiều khó khăn nên không thể dập khuôn kinh nghiệm của nước bạn mà phải có cơ chế, chính sách phù hợp thực tế, hoàn cảnh của Việt Nam.                  

Việc mua bán nợ của VAMC không dùng tiền ngân sách. Với hoạt động trực tiếp của VAMC, các doanh nghiệp (DN) cũng có điều kiện thuận lợi hơn. Các khoản nợ VAMC mua lại đều không tính vào nợ xấu của DN. Nhờ đó DN có điều kiện tiếp cận nguồn vốn mới của các TCTD.

Các khoản nợ này sau khi VAMC mua lại sẽ tiến hành cơ cấu lại, kể cả về lãi suất cũng được đưa về mặt bằng hiện nay; cơ cấu tính chất nguồn vốn (trước đây nhiều DN sử dụng vốn ngắn hạn để vay trung và dài hạn thì hay sẽ cơ cấu lại tính chất nguồn vốn); cơ cấu lại thời hạn cho vay đảm bảo khả năng chịu đựng và khả năng tổ chức sản xuất của DN.

Theo ông Bình, thông qua việc mua bán nợ xấu của VAMC, các TCTD cũng có nhiều thuận lợi. Trước đây, một lượng vốn lớn nằm đọng trong khoản nợ xấu này, đến nay, bằng việc mua nợ xấu qua phát hành trái phiếu đặc biệt, các NH có thể triết khấu tại NHNN để có thể thu được tối đa 70% giá trị khoản nợ để có thêm nguồn vốn phát triển sản xuất.

Về qui mô hoạt động của VAMC, trong năm 2013 đặt ra mục tiêu phấn đấu mua 30 – 35 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong cả năm 2014 con số này có thể lên đến 100 – 150 nghìn tỷ đồng. “Khi có thị trường mua bán nợ xấu tập trung thì sẽ tạo ra hoạt động thị trường tốt hơn.. các khoản mua nợ đã được cơ cấu lại và thông qua các cơ quan của Nhà nước nhanh chóng hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết để trên cơ sở đó tạo thị trường mua bán nợ tập trung cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế” – người đứng đầu cơ quan tiền tệ quốc gia cho biết. 

* VAMC được NHNN ra quyết định thành lập từ 27/6/2013 và chính thức đi vào hoạt động từ 9/7. Theo NHNN, công ty này ra đời nhằm xử lý nợ xấu, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế. VAMC là DN đặc thù do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ; chịu sự quản lý nhà nước, thanh tra, giám sát của NHNN.

VAMC có tư cách pháp nhân và con dấu riêng, có vốn điều lệ là 500 tỉ đồng. Hoạt động của VAMC gồm: mua nợ xấu của các TCTD; Thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm; Cơ cấu lại khoản nợ, điều chỉnh điều kiện trả nợ, chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần của khách hàng vay; Đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, khai thác, sử dụng, cho thuê tài sản bảo đảm đã được VAMC thu nợ…         

Lưu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ