Không để việc học, ôn tập bị gián đoạn bởi Covid-19

GD&TĐ - Dịch bệnh diễn biến phức tạp đúng vào thời điểm cuối học kỳ, Kỳ thi tốt nghiệp THPT đến gần.

Học sinh, sinh viên đã quen với việc học trực tuyến.
Học sinh, sinh viên đã quen với việc học trực tuyến.

Ghi nhận từ các địa phương, nhà trường là tâm thế chủ động, linh động các hình thức giảng dạy, để vẫn bảo đảm hiệu quả dạy học, ôn tập, kể cả tình huống học sinh (HS) phải tạm dừng đến trường.

Sẵn sàng phương án học, ôn, kiểm tra trực tuyến

Từ 4 - 8/5, HS Vĩnh Phúc tạm dừng đến trường vì Covid-19. Tuy vậy, với hướng dẫn của sở GD&ĐT, các trường THPT trên địa bàn đã chủ động và chuẩn bị tâm thế để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục trong cả điều kiện bình thường hay khi có dịch.

Tại Trường THPT Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, 313 HS lớp 12 đã đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Về công tác ôn tập, theo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Mai Chang, thời điểm này nội dung lý thuyết các môn học đã tạm ổn, chủ yếu triển khai công tác ôn tập, kiểm tra. “Chúng tôi đã và đang thực hiện tốt hình thức kiểm tra, thi trực tuyến qua phần mềm 789, Eduso.

Khi HS tạm dừng đến trường, việc học, kiểm tra trực tuyến cũng như kế hoạch phụ đạo HS chưa đạt yêu cầu môn học đã và đang triển khai tốt; được quản lý trên hệ thống của nhà trường, Zalo từng lớp. Hoạt động phụ đạo cho HS được triển khai vào các buổi tối với thời khóa biểu từng môn khoa học để không ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe HS. Với kết quả HS đỗ tốt nghiệp 100% trong 5 năm liền; đợt khảo sát toàn tỉnh vào tháng 3 vừa rồi, 100% HS của trường đạt điểm đỗ tốt nghiệp. Chúng tôi tin sẽ giữ được kết quả tốt trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới như những năm trước” - cô Nguyễn Thị Mai Chang chia sẻ.

Không để việc học, ôn tập bị gián đoạn bởi Covid-19 ảnh 1
Click vào ảnh để xem nội dung.

Phương án học tập trực tuyến, rà soát điều kiện học trực tuyến của từng HS đã được Trường THPT Thạch Kiệt, Phú Thọ xây dựng ngay từ đầu năm học. Bởi vậy, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, phương án tổ chức học trực tuyến cho HS cuối cấp của trường đã sẵn sàng.

Thông tin từ Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hùng, các tổ chuyên môn đã rà soát nội dung ôn tập bám sát cấu trúc, ma trận đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT, xây dựng kế hoạch ôn tập trực tuyến cho HS. Giáo viên chủ nhiệm rà soát kỹ số HS chưa đủ điều kiện học online tại nhà, xây dựng phương án nếu học trực tuyến sẽ liên hệ với phụ huynh cho HS học trực tuyến theo nhóm bạn. Gia đình HS có điều kiện giúp đỡ HS chưa có điều kiện học trực tuyến.

“Qua rà soát, trong số 260 HS khối 12 của trường có 39 HS nhà không có máy vi tính, hoặc không có mạng Internet. Nhà trường có phương án kiểm tra trực tiếp tại các địa điểm HS học theo nhóm. Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy tin học đã hướng dẫn HS tạo tài khoản cá nhân để sẵn sàng học trực tuyến. Hiện 100% HS khối 12 đã có tài khoản và biết đăng ký, tham gia học trực tuyến trên nền tảng Zoom, Office 365, Facebook kết hợp phần mềm OBS; kiểm tra đánh giá HS qua phần mềm SHub Classroom. 100% giáo viên của trường thành thạo sử dụng các nền tảng dạy học trên” – thầy Nguyễn Văn Hùng cho biết.

Các cơ sở GD lập phòng dạy trực tuyến ngay tại trường học.
Các cơ sở GD lập phòng dạy trực tuyến ngay tại trường học.

Linh hoạt hình thức dạy học, ôn tập

Theo thầy Trần Văn Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý, Đồng Tháp, thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT Đồng Tháp về Kế hoạch năm học 2020 - 2021, cũng như công tác ôn thi tốt nghiệp THPT trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Trường THPT Mỹ Quý đã chủ động một số phương án tổ chức ôn tập cho HS, vừa bảo đảm an toàn trong phòng chống dịch bệnh lẫn hiệu quả ôn tập.

Theo đó, khi HS vẫn có thể đến trường, nhà trường thực hiện chia nhỏ lớp ôn tập để giảm sĩ số lớp; chỉ đạo bộ phận chuyên môn sắp xếp thời khoá biểu ôn tập theo nhiều ca trong ngày, nhằm  hạn chế việc HS tập trung cùng thời điểm tại trường. Kết hợp ôn tập trực tiếp với trực tuyến thông qua các ứng dụng. Xây dựng hệ thống bài tập, đề tham khảo online cho HS tự rèn luyện, củng cố thêm kiến thức.

Trường hợp HS không thể đến trường để ôn tập, nhà trường sẽ đẩy mạnh việc ôn tập trực tuyến thông qua các ứng dụng. Chỉ đạo bộ phận chuyên môn, nhóm bộ môn thực hiện ôn tập trực tuyến; có thời gian ôn tập cụ thể cho từng môn, lớp. Cùng với đó, tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong quản lý HS tham gia ôn tập trực tuyến; chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn thường xuyên liên lạc với gia đình để nắm bắt tình hình ôn tập của HS. Những trường hợp đặc biệt, yêu cầu giáo viên đến tận nhà HS để kiểm tra, kèm cặp thêm (bảo đảm yêu cầu về phòng chống dịch bệnh).

Tại Vĩnh Long, thông tin từ Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trịnh Văn Ngoãn, các phương án, kịch bản dạy học, ôn tập trong điều kiện dịch bệnh được chuẩn bị từ trước Tết; khi cần thiết là kích hoạt ngay. Căn cứ kế hoạch dạy học, các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, huy động toàn lực cho công tác ôn tập thi tuyển sinh lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT. Kế hoạch phải có sự phân công lãnh đạo phụ trách (phụ trách theo môn hoặc theo lớp); kịp thời động viên, khen thưởng đối với các cá nhân, tổ chức tích cực, làm tốt, đồng thời nhắc nhở, phê bình các cá nhân, tập thể lơ là, thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện kế hoạch ôn tập. Các nhà trường được khuyến khích vận động HS khá, giỏi giúp đỡ HS có học lực yếu. Đồng thời, tăng cường phối hợp với gia đình tư vấn tâm lý, sức khỏe để HS học có động cơ, thái độ ôn tập tốt.

Theo ông Trịnh Văn Mừng, Trưởng phòng Giáo dục Phổ thông, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, sở GD&ĐT yêu cầu các nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức dạy học trực tuyến và chất lượng giáo dục của HS lớp 12, lớp 9. Thực hiện tốt hình thức giao bài tập và phối hợp với phụ huynh trong công tác giám sát, đánh giá việc hoàn thành bài tập của HS. Các nhà trường cũng được yêu cầu lập danh sách HS chưa có điều kiện đáp ứng học trực tuyến, tìm hiểu nguyên nhân, phối hợp với phụ huynh nhằm huy động, tìm giải pháp hỗ trợ HS có thể tham gia học trực tuyến hoặc học bằng các hình thức khác. Tuyệt đối không để việc học của HS lớp 12, lớp 9 bị gián đoạn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ