Trên hết, đó chính là mệnh lệnh từ trái tim của những người làm giáo dục, quyết tâm không để thí sinh nào không thể dự thi vì hoàn cảnh hoặc đường sá đi lại khó khăn. Tinh thần ấy đã và đang hiện hữu, được chuyển hoá thành những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực.
Còn nhớ, năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được tổ chức thành hai đợt và trở thành kỳ thi có một không hai trong lịch sử thi cử dành cho học sinh THPT. Trong bối cảnh ấy, hình ảnh “chiến sĩ áo trắng” và những người tham gia phục vụ kỳ thi, luôn sẵn lòng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh, để các em được dự thi an toàn, trường thi diễn ra nghiêm cẩn làm nức lòng phụ huynh và người dân, chạm đến trái tim của những người vốn không mấy thiện cảm với GD-ĐT.
Năm nay, Kỳ thi tốt nghiệp THPT đang đến gần, nhưng đại dịch Covid-19 một lần nữa trở lại với những diễn biến khó lường. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT khẳng định, Kỳ thi sẽ được tổ chức theo nguyên tắc bảo đảm an toàn và quyền lợi cho thí sinh. Trong trường hợp cần thiết, Kỳ thi có thể tổ chức thành nhiều đợt.
Có thể nói, bất luận trong hoàn cảnh nào, thí sinh vẫn là nhân vật trung tâm của Kỳ thi, là đối tượng được quan tâm và “bảo trợ”. Chẳng thế mà, từ miền ngược, cho đến miền xuôi, đồng bằng tới miền núi, biên giới, hải đảo đã và đang xây dựng phương án, kịch bản tổ chức Kỳ thi tốt nhất, an toàn nhất cho thí sinh và không để thí sinh nào bị bỏ lại phía sau.
Hỏi lãnh đạo sở GD&ĐT một tỉnh vùng biển về công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT ở địa phương, câu trả lời đầu tiên là: “Chúng tôi nhận những phần khó về mình, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh, để không thí sinh nào phải bỏ thi vì hoàn cảnh hay do đi lại khó khăn”. Vì thế, ngay từ khâu đăng ký dự thi, sở đã yêu cầu các trường THPT hỗ trợ tối đa cho thí sinh. Lãnh đạo sở này cho biết, đã đề xuất tỉnh thành lập điểm thi tại huyện đảo, để thí sinh không phải lênh đênh trên biển vào đất liền “ứng thí”.
Nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã chỉ đạo các trường lập danh sách thí sinh có hoàn cảnh khó khăn để kịp thời động viên, hỗ trợ các em trong Kỳ thi sắp tới. Nhiều trường có phương án thành lập đội phản ứng nhanh, giáo viên tình nguyện làm xe ôm chở học trò đến điểm thi, hay sẵn sàng là “chuông báo thức” để học sinh của mình đi thi đúng giờ… Nhiều địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị, cùng cộng đồng, xã hội vào cuộc để đồng hành cùng sĩ tử.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2021. Trong đó yêu cầu các địa phương tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn nghỉ cho thí sinh và người thân ở tất cả điểm tổ chức thi; đồng thời vận động, hỗ trợ các thí sinh là con em hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, thí sinh khuyết tật, thí sinh cư trú tại các vùng chịu ảnh hưởng thiên tai tham dự Kỳ thi… Hơn bao giờ hết, cụm từ “tất cả vì học sinh thân yêu” lại được nhắc đến nhiều hơn cả. Chắc chắn, đó không phải là cụm từ hô hào, khẩu hiệu suông.