Không để học trực tuyến quá lâu: Giải pháp 5k+ vắc xin

GD&TĐ - Tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu ngày 14/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chính phủ nhất quán quan điểm không thể để học sinh học trực tuyến quá lâu.

Tiêm vắc-xin cho học sinh kết hợp với thực hiện 5K là giải pháp căn cơ để học sinh trở lại trường học trực tiếp. Ảnh minh họa
Tiêm vắc-xin cho học sinh kết hợp với thực hiện 5K là giải pháp căn cơ để học sinh trở lại trường học trực tiếp. Ảnh minh họa

5K + vắc-xin được cho là giải pháp quan trọng, mang tính quyết định để thực hiện được điều này. 

Người mong muốn, người còn băn khoăn

Anh Chu Văn Phương, xã Đào Dương, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên có 2 con học trực tuyến và 2 cháu sang học cùng. Việc này gây khá nhiều khó khăn cho gia đình: Chuẩn bị máy tính, điện thoại thông minh dẫn đến chi phí phát sinh. Hai vợ chồng thường xuyên thay nhau xếp lịch để nhắc các con vào học đúng giờ. Cả 4 cháu cùng học 1 ca buổi sáng nên bố trí máy tính, vị trí chỗ ngồi học cũng không dễ. Sinh hoạt của gia đình bị đảo theo thời gian biểu học của các con.

“Mong muốn của gia đình là sau khi tỉnh xác định được các vùng xanh, an toàn của địa phương sớm tổ chức lại việc dạy học trực tiếp. Có như vậy kỷ luật, ý thức học tập mới được nâng lên, vì đôi lúc học trực tuyến các con lơ là, bỏ quên những kỷ luật và ý thức học tập của lớp học. Hơn nữa, do ở nhà quá lâu nên các con lúc nào cũng mong mỏi được đến trường, lớp gặp các bạn, trò chuyện, vui chơi và thích thầy cô dạy trực tiếp hơn. Nếu được quay trở lại học trực tiếp, mong muốn của gia đình là bảo đảm phòng chống dịch bệnh lên hàng đầu. Yếu tố này sẽ cần sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường, nhắc nhở của giáo viên, ý thức của học sinh” – anh Chu Văn Phương chia sẻ.

Trong khi đó, thầy Trang Minh Thiên, Trường THPT Nguyễn Việt Dũng, Cần Thơ  cho biết, tâm lý của nhiều phụ huynh vẫn chưa dám cho con đi học trở lại. Việc dạy học trực tuyến tại trường được thực hiện tốt, tất cả giáo viên đều đã sử dụng thành thạo các ứng dụng dạy học online. Trước ý kiến có thể bố trí xen kẽ dạy trực tuyến và trực tiếp trong một đơn vị trường học, thầy Thiên cho rằng, các cơ sở giáo dục sẽ không đủ nhân lực để thực hiện theo phương án kết hợp hai hình thức này. Lí do: Mỗi thầy cô giảng dạy khá nhiều lớp, nội dung bài học lại khác nhau ở mỗi lớp học nên khâu chuẩn bị bài giảng cũng tốn rất nhiều thời gian.

“Nếu các cơ sở giáo dục bảo đảm được quy định về phòng chống dịch nên ưu tiên cho việc dạy học trực tiếp đối với học sinh đầu cấp và cuối cấp. Tuy nhiên, hiện số học sinh trên lớp còn đông; đa số các em lại chưa được tiêm vắc-xin hoặc tiêm chưa đủ hai mũi – đó là lo lắng không chỉ của riêng tôi trước quyết định mở cửa trường học” - thầy Trang Minh Thiên cho hay.

Bảo đảm an toàn cho học sinh khi đi học trực tiếp được các cơ sở GD thực hiện nghiêm túc.
Bảo đảm an toàn cho học sinh khi đi học trực tiếp được các cơ sở GD thực hiện nghiêm túc.

Thay đổi tư duy, chủ động kịch bản

Đồng tình với quan điểm không thể để học sinh học trực tuyến quá lâu, ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang, cho biết: Sở GD&ĐT dự kiến trình UBND tỉnh theo hướng thí điểm mở cửa trường học trở lại ở những nơi an toàn trước, từ đó rút kinh nghiệm rồi mở rộng dần. Về cơ bản việc triển khai cho học sinh trở lại trường phải bám sát theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế cũng như kế hoạch của UBND tỉnh.

“Dự kiến của Sở GD&ĐT An Giang là thí điểm tại các trường học trên địa bàn vùng xanh, triển khai trước ở khối 12 theo bộ tiêu chí an toàn trường học tạm thời của địa phương (bộ tiêu chí này sẽ được điều chỉnh qua đánh giá hàng tuần cho sát với thực tế). Trong đó có các tiêu chí “cứng” như việc tiêm vắc-xin đối với giáo viên (đủ 2 mũi), tiến độ tiêm vắc-xin của học sinh. Tỉnh An Giang đang triển khai tiêm trước cho học sinh 12 (có huyện đã hoàn thành) và hạ dần độ tuổi cho các khối còn lại”.

Chia sẻ điều này, ông Trần Tuấn Khanh cho biết thêm: Việc kết hợp vừa học trực tuyến, học trực tiếp trong một đơn vị trường học, linh hoạt kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến tuỳ theo tình hình kiểm soát dịch bệnh cũng là hướng lâu dài mà An Giang hướng đến. Trong điều kiện bình thường mới, dạy học trực tiếp là chủ đạo, dạy học trực tuyến là hình thức dạy học bổ sung. Về lâu dài, ngành Giáo dục An Giang sẽ nghiên cứu cụ thể đối với từng môn học theo từng khối lớp để xác định nội dung phù hợp với hình thức dạy học trực tuyến; từ đó xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể để áp dụng lâu dài.

Học sinh tại huyện Ba Vì, TP Hà Nội trở lại trường thực hiện tốt các quy định 5K.
 Học sinh tại huyện Ba Vì, TP Hà Nội trở lại trường thực hiện tốt các quy định 5K. 

Tại Nghệ An, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Văn Thành cho biết: Việc tận dụng tối đa thời gian học trực tiếp được địa phương triển khai từ trước khi có Nghị quyết 128. Sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, địa phương, nhà trường và cả phụ huynh đều an tâm hơn khi thực hiện. Vùng duy nhất tại Nghệ An là TP Vinh tình hình dịch bệnh phức tạp nên học trực tuyến, nhưng cũng đã chuyển sang học trực tiếp từ 15/11.

Nguyên tắc được Nghệ An thực hiện là khoanh vùng hẹp, lớp nào có F0 thì lớp đó nghỉ, trường nào có F0 thì trường đó nghỉ chứ không nghỉ cả xã, huyện. Hiện, tình hình dịch bệnh phức tạp hơn, Sở GD&ĐT yêu cầu giáo viên chủ nhiệm nắm bắt sát sao tình hình học sinh có yếu tố dịch tễ ở nhà học trực tuyến, sau đó thầy cô hỗ trợ.

Trên thực tế, học sinh không đến trường nhưng vẫn có nguy cơ lây bệnh từ hàng xóm, người thân. Dù phụ huynh đã “thấm” điều này, ông Thái Văn Thành vẫn nhấn mạnh, điều kiện quan trọng nhất để phụ huynh yên tâm cho con em đến trường vẫn là được tiêm đủ vắc-xin, cùng giải pháp phòng chống dịch thực hiện nghiêm túc tại trường học.

Nhấn mạnh không thể xem thường tình trạng học sinh không được tới trường và hệ quả của việc này, ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam, cho rằng: Mỗi địa phương cần thay đổi tư duy, chủ động sẵn sàng các kịch bản khác nhau khi dịch xảy ra trong trường. Có như vậy, chúng ta mới sớm đưa học sinh trở lại trường theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD&ĐT, giảm thiểu được những bất lợi to lớn ảnh hưởng tới tương lai phát triển của trẻ em. “Triệt để thực hiện 5K tại các trường học và khẩn trương tiêm vắc-xin cho số đông học sinh vẫn là giải pháp căn cơ nhất để thích ứng an toàn với dịch Covid-19” - ông Đặng Tự Ân nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.