Không để học sinh nghèo trường dân tộc nội trú bị bỏ lại phía sau

GD&TĐ - Để học sinh nghèo an tâm học tập, Trường PTDTNT THCS – THPT huyện Cao Lộc phối hợp với các đơn vị để hỗ trợ tiếp sức cho trò đến trường.

Học sinh nghèo được tặng quà trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh NT.
Học sinh nghèo được tặng quà trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh NT.

Không để học sinh cô đơn

Trường PTDTNT THCS – THPT huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) ngoài việc giảng dạy, chăm sóc và nuôi dưỡng học sinh dân tộc nội trú, nhà trường đặc biệt quan tâm đến học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó giúp học trò an tâm học tập xây dựng ước mơ hoài bão cho bản thân.

Cô Nguyễn Tuyết Chinh - Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Hàng năm, trường phát động các phong trào như hũ gạo tình thương, vận động xã hội hoá cho các doanh nghiệp để hỗ trợ học sinh nghèo, phối hợp Ban chỉ huy quân sự huyện tổ chức chương trình tiếp bước em đến trường”.

Năm học 2022-2023, nhà trường đã huy động 20 máy tính bảng, 5 máy tính xách tay, 5 máy tính bàn. Cùng với đó, trường cũng phối hợp với Ban chỉ huy quân sự huyện Cao Lộc tổ chức chương trình tiếp bước em đến trường. Chương trình đã giúp đỡ được 8 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trao tặng 8 chiếc xe đạp và mỗi 1 học sinh được hỗ trợ 5,4 triệu đồng cho các em học sinh.

Năm học 2023-2024, nhà trường có 140 học sinh nghèo, cận nghèo trong đó có 66 học sinh thuộc nghèo, 74 học sinh hộ nghèo.

“Ngoài việc hỗ trợ bằng tinh thần và vật chất cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn có học lực yếu, chúng tôi sẽ phân công giáo viên bồi dưỡng kiến thức, động viên. Đồng thời, nắm rõ hoàn cảnh gia đình nhằm theo sát, không để học trò chịu đựng một mình. Từ đó, các em có động lực học tập, phấn đấu”, cô Tuyết Trinh chia sẻ.

Cô giáo này cho biết thêm, học sinh DTTS nghèo, khi có sự đồng hành, hỗ trợ của thầy cô cũng như thầy cô các em sẽ có động lực cố gắng phấn đấu học tập, hoài ước mơ để vượt lên hoàn cảnh, thay đổi cuộc đời. Mặc dù giá trị món quà không quá to lớn, nhưng đối với học sinh nghèo đó là cả động lực để các bạn phấn đấu, xoá đi mặc cảm, tự ti vì gia cảnh của mình.

Song song với đó, nhà trường còn phát động phong trào “Giáo viên giúp đỡ đồng nghiệp, giáo viên giúp đỡ học sinh tiến bộ”, đầu năm học, mỗi giáo viên đăng ký giúp đỡ ít nhất 1 đồng nghiệp và 2 học sinh tiến bộ được thể hiện rõ trong kế hoạch cá nhân và được các tổ chuyên môn chủ động kiểm tra, rà soát việc thực hiện. Năm học 2022-2023 số cán bộ giáo viên tham gia giúp đỡ học sinh 30; số giáo viên tham gia giúp đỡ đồng nghiệp là 27 người.

Thầy và trò cùng cố gắng

Năm học 2023 – 2024, Trường PTDTNT THCS – THPT huyện Cao Lộc có 14 lớp với 408 học sinh. 100% học sinh là con em đồng bào các dân tộc đang sinh sống tại các thôn, xã trên địa bàn huyện Cao Lộc trong đó 98 em dân tộc Tày; 291 em dân tộc Nùng và 19 em dân tộc Dao.

Nhà trường và i Ban chỉ huy quân sự huyện Cao Lộc tổ chức chương trình tiếp bước em đến trường. Ảnh NT.

Nhà trường và i Ban chỉ huy quân sự huyện Cao Lộc tổ chức chương trình tiếp bước em đến trường. Ảnh NT.

Nhà trường đặc biệt chú trọng đến công tác giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống; rèn luyện nếp sống văn minh, lành mạnh trong sinh hoạt và học tập nội trú. Đồng thời, tổ chức tốt các hoạt động giáo dục, đẩy mạnh phong trào văn nghệ, thể dục thể thao, giáo dục thể chất trong nhà trường; tiếp tục duy trì hoạt động của các câu lạc bộ: câu lạc bộ bóng đá, cầu lông, truyền thông, robot – nghiên cứu khoa học kỹ thuật,...

Bên cạnh đó, tổ chức tốt các hội thi văn nghệ, các hoạt động ngoại khóa, thể dụng thể thao nhằm tuyển chọn, bồi dưỡng các đội tuyển tham gia các kỳ thi, cuộc thi do các cấp tổ chức.

Cô Tuyết Trinh cũng cho biết thêm: “100% học sinh có bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể; phối hợp với cơ quan y tế khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm, học sinh được chăm sóc đảm bảo sức khỏe để học tập.

Ngoài ra, nhà trường thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm, đổi mới trong xây dựng thực đơn, chế biến thức ăn đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho học sinh, không để xảy ra ngộ độc thức ăn và kiểm soát tốt các dịch bệnh có thể xảy ra trong trường học”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ